10/04/2024 11:26 GMT+7 | Văn hoá
Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau. Đó là 2 câu thơ trong bài thơ Mũi Cà Mau của Xuân Diệu.
Hai câu thơ như một điệp khúc được lặp đi lặp lại tới 4 lần (trong bài thơ 36 câu). Đó là 2 câu thơ đã in sâu trong tâm trí những người yêu thơ (nhất là thơ Xuân Diệu) trong hơn 60 năm qua (tác giả viết tháng 10/1960).
Nhưng cũng vẫn có những băn khoăn khi phân tích, giải nghĩa 2 câu này sao cho thỏa đáng. Ở đây, từ góc độ ngôn ngữ học, tôi thấy có 2 vấn đề cần phải lý giải cho rõ.
Thứ nhất, có 2 sự vật được nhắc tới: Tàu (trong con tàu) và thuyền (trong mũi thuyền). Vậy, "tàu" và "thuyền" có phải là một không? Câu thơ đầu là một cách nói ví von của Xuân Diệu, coi Tổ quốc Việt Nam mang hình tượng một con tàu. Hình ảnh biểu trưng đó thật điển hình, thật đẹp. Nhưng sang câu tiếp theo, tác giả lại mượn hình tượng "mũi thuyền" để diễn tả (Mũi Cà Mau - mảnh đất cực Nam của Tổ quốc - được hình dung như mũi con thuyền rẽ sóng vậy). Có lẽ người đọc đều cảm nhận và nghĩ rằng, con tàu mà nhà thơ vừa nói cũng chính là chiếc thuyền ở câu tiếp theo.
Nhưng "tàu" và "thuyền" là 2 danh từ chỉ 2 sự vật khác nhau chứ? Tàu (漕 từ Hán Việt, bị đọc chệch âm, đúng ra là "tào") là "tên gọi chung các phương tiện vận tải lớn và hoạt động bằng máy móc phức tạp" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Có nhiều loại "tàu": Tàu hỏa, tàu biển, tàu ngầm, tàu vũ trụ… nhưng còn tàu mà Xuân Diệu nói tới là con tàu thủy (chạy trên sông hay trên biển). Còn thuyền (船, từ Hán Việt) là "phương tiện giao thông trên mặt nước, thường nhỏ và thô sơ, hoạt động bằng sức người, sức gió" (Từ điển, đã dẫn). Thuyền có thuyền 3 lá, thuyền độc mộc, thuyền nan, thuyền thúng…
Rõ ràng, tàu và thuyền khác hẳn nhau về quy mô, trang bị… Thuyền có to đến mấy cũng không thể sánh với tàu được. Ví dụ: "Tôi qua mương bằng thuyền" chứ không nói "Tôi qua mương bằng tàu", "Tôi đi tàu vượt biển vào Nam" chứ không nói "Tôi đi thuyền vượt biển vào Nam"…
Vậy nếu ai đó cho rằng "tàu" ở câu trên chính là "thuyền" ở câu dưới là đã phạm luật đồng nhất (2 đối tượng không cùng cấp độ). Tiếng Anh cũng có sự phân biệt rất rõ ràng giữa "ship" (tàu) và "boat" (thuyền). Đem so sánh, ta sẽ thấy 2 đối tượng này "lệch quy chiếu" vì không cùng sở chỉ (reference) và theo quan điểm Ngữ dụng học thì phát ngôn hiện hữu sẽ không được hiểu đúng nghĩa. Ở đây, tác giả hoàn toàn có thể viết: Tổ quốc tôi như một con TÀU/ Mũi TÀU ta đó - Mũi Cà Mau.
Vấn đề thứ 2, ở câu thơ đầu, tác giả sử dụng đại từ "tôi" có chức năng định ngữ sở hữu (được hiểu là Tổ quốc (của) tôi…), nhưng ở câu tiếp theo lại thay đại từ "ta" (chúng ta) (được hiểu là Mũi thuyền (của) ta đó). "Con tàu" (được ví với Tổ quốc) ở trên là "của tôi"(chủ thể tác giả) còn "con thuyền" ở dưới lại thuộc về "ta/ chúng ta". Tác giả hoàn toàn có thể viết: Tổ quốc TA như một còn tàu/ Mũi tàu TA đó – Mũi Cà Mau.
Tất nhiên, tôi hiểu "tôi" và "ta" tác giả dùng ở đây đều chung một tập hợp (những người cùng chung một Tổ quốc, một đất nước, một ý chí…), nên ý tứ của câu thơ vẫn có thể hiểu được rõ ràng.
Từ chuyện tàu và thuyền, tôi và ta trong câu thơ của Xuân Diệu, có người nói rằng, đây là thơ (tư duy mang tính hình tượng) nên không thể áp dụng tư duy máy móc. Cũng có thể có người cho rằng, Xuân Diệu không muốn lặp lại từ "tàu" trong 2 câu liền kề (sẽ không hay). Tác giả Hồng Diệu trên www.cand.com.vn ngày 11/9/2017 nhận định rằng, chắc chắn là Xuân Diệu "không sơ ý lẫn lộn" (giữa tàu và thuyền), "mà có chủ định hẳn hoi", "rất có thể, Xuân Diệu muốn thể hiện sự dũng cảm, kiên cường". Tác giả cũng dẫn rằng "ngôn ngữ có đời sống riêng của nó, nhiều khi nó biến đổi trái với logic thông thường, mà người đời vẫn chấp nhận và sử dụng. Thí dụ, khi nói về người chỉ huy một con tàu, người ta không gọi "tàu trưởng" mà gọi là "thuyền trưởng"; những người làm việc trên tàu không gọi là "tàu viên" mà gọi là "thuyền viên"!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất