Chủ nghĩa nhân văn “cơ hội”

29/07/2011 10:52 GMT+7

(TT&VH) -1. Tôi sẽ không chú ý đến chàng trai thi Tài năng âm nhạc Hàn Quốc (Korea’s Got Talent) Choi Sung Bong, nếu như tôi không nhìn thấy những khuôn mặt vui sướng tột độ kèm theo những giọt nước mắt hạnh phúc của mọi người khi nghe anh hát. Anh hát hay, dĩ nhiên. Nhưng người ta khóc, cười nhìn anh trên sân khấu còn vì câu chuyện gắn với anh, một chàng trai mồ côi, từng đi bán kẹo, bây giờ bước thẳng lên cuộc thi tài năng này bằng chất giọng đáng kinh ngạc. Người ta ví anh là Susan Boyle của Hàn Quốc.


Choi Sung Bong

Một câu chuyện không diễn ra ở Việt Nam ta, nhưng tất nhiên truyền thông của ta ít nhiều cũng bị đánh lừa. Bởi thông tin vừa qua cho hay, đúng là anh chàng này từng có một tuổi thơ nhọc nhằn (mồ côi, bán kẹo cao su) nhưng sau đó anh đã được đào tạo bài bản trong trường nghệ thuật hẳn hoi trước khi lên sân khấu, chứ không phải là dạng “móc được từ dưới cống lên” và chuyện quá khứ vất vả kia cũng đã lâu lâu rồi.

Hàn Quốc coi đây là một sự lừa dối và đã phạt một đài truyền hình về việc cố tình “cắt” bỏ chi tiết quan trọng này trong lý lịch thí sinh nhằm tăng mức độ bi kịch, hòng câu nước mắt của khán giả, tạo hiệu ứng truyền thông..

2. Trong xã hội hiện đại, có thể sự vô cảm gia tăng trong tâm hồn mỗi chúng ta khi đứng trước cái nghèo, cái khổ của những người xung quanh, nhưng chúng ta lại rất hào hứng với những câu chuyện mang tính nhân văn được lan truyền trong xã hội thông tin, nhất là trên mạng.

Sở dĩ có điều đó, bởi nước mắt có hiệu ứng lan truyền. Đó là điều rất bình thường, bởi bản chất con người là hướng thiện. Nhưng nó chỉ không bình thường ở chỗ, có những người luôn muốn “diễn” lại quá khứ vất vả của mình để gây ấn tượng với công chúng, và ăn theo đó là những người “bán khóc mua cười” thông qua việc xây dựng những hình mẫu nhân văn một cách phóng đại.

Khoái cảm từ một cậu bé chăn trâu thành VIP, cô bé giúp việc thành “sao” là khoái cảm của con cá chép vượt vũ môn, con vịt biến thành thiên nga.

Nhưng không chỉ có thế, ngay cả khi thông tin về các sĩ tử đi thi hay các thủ khoa, á khoa sau này, người ta cũng có xu hướng muốn gắn vào chuyện “vượt khó”, cực nghèo, cực khổ. Có nơi mở hẳn chiến dịch, huy động nhân lực bằng mọi giá phải “tìm” bằng được những tấm gương kiểu này. Vì thế người đưa tin có xu hướng “có ít sít ra nhiều”... Một trong những cách thức dễ lấy nước mắt nhất là đặt tít đại loại như: cậu bé chăn trâu, cô bé bán rau, bán phở, mót khoai trở thành thủ khoa, á khoa...

Phải nói thật, những ai ở nông thôn thì đều biết chăn trâu, cắt cỏ, hái rau, đi chợ, mót khoai thậm chí hót phân... là chuyện thường tình, bởi ngoài giờ học ra thì phải giúp gia đình. Nhưng đó cũng chỉ là việc phụ giúp cho bố mẹ. Nếu không chọn đúng tấm gương trò nghèo vượt khó thực sự, cứ xoáy vào mấy chuyện nghèo mang tính tượng trưng kể trên thì không đúng thực chất.

3. Có thể trong rất nhiều trường hợp, cũng như thí sinh Hàn Quốc kia, họ bất đắc dĩ bị biến thành một hình mẫu nhân văn do ý đồ của người khác. Suy cho cùng thì chính họ bị thiệt. Ở đời cái gì nên đi cái ấy. Thi cử, thi thố thì phải căn cứ vào tài năng, kiến thức, và hãy tôn vinh họ bằng chính tài năng, kiến thức đó, còn chuyện nghèo khổ, vượt khó như thế nào chỉ là chuyện thứ yếu thôi. Đừng biến cái chính yếu thành cái thứ yếu mà vô hình trung lại đánh giá thấp tài năng của họ.

Chẳng cần tô điểm bằng quá khứ bán kẹo cao su, Choi Sung Bong hát hay, thế thôi.

Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm