'Chợ Tây' giữa lòng bóng đá Việt

21/08/2020 05:59 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Tình huống tiền đạo Paulo của CLB Sài Gòn mới đây đăng đàn tố cáo một nhân vật mạo danh, tự xưng là người đại diện của mình, ăn tiền và nhắn tin hăm dọa, thực ra chẳng phải là chuyện mới. Hay ví như trường hợp của tiền đạo Rafaelson (DNH Nam Định), vốn được quản lý bởi một công ty chứng danh và có hợp đồng sở hữu độc quyền 5 năm, thì bỗng một ngày, một “tay cò” lại sờ vào và muốn nẫng tay trên... đó chỉ là 2 trong vô vàn câu chuyện về cái "chợ cầu thủ Tây" ở bóng đá Việt.

HLV Park Hang Seo quyết nâng tầm cầu thủ Việt Nam

HLV Park Hang Seo quyết nâng tầm cầu thủ Việt Nam

HLV Park Hang Seo đã khẳng định sẽ dùng nhiều cách để cải thiện thể lực lẫn chiến thuật của đội tuyển Việt Nam sao cho các đối thủ khó bắt bài. Có như vậy, cơ hội tới vòng loại cuối cùng World Cup 2022 mới khả thi cho đội tuyển.

Bằng với 20 năm tuổi đời của V-League, người ta đã quen với sự xuất hiện của các cầu thủ người nước ngoài ở dải đất hình chữ S và cơ chế chuyển nhượng chuyên nghiệp cũng được mở ra. Cái chợ, chính xác thì phải là những siêu thị tập trung các cầu thủ người nước ngoài, hoạt động khá rầm rộ từ 2 thập niên qua, theo kiểu chợ giời cũng có, mà theo luật cũng có, thiếu kiểm soát, khiến những tranh chấp xảy ra như cơm bữa…

Cái chợ của "cò"

Đã là cái "chợ" thì đương nhiên phải có kẻ mua, người bán và trong cái "chợ cầu thủ Tây" không thể không nhắc đến "cò", đối tượng đứng sau các thương vụ. “Làm cái nghề này bạc lắm. Người ngoài không hiểu chuyện thì cho rằng mình chỉ nhắm tới cái lợi bản thân, xem cầu thủ như cỏ rác. Thực ra, đây là một nghề tốn công sức, đầu tư lớn và xác xuất rủi ro cũng rất cao”, một “tay cò” - nhà môi giới có thâm niên ở Việt Nam chia sẻ.

Như ở nhiều số báo trước, Thể thao & Văn hóa đã đề cập đến xuất phát điểm và xuất xứ của “cò” cầu thủ, họ có thể đã và đang làm nhiều ngành nghề khác nhau. Với đội ngũ môi giới cầu thủ người nước ngoài, nếu không phải là thành viên quan trọng và có tiếng nói trong CLB, mà hoạt động bên ngoài, thì việc đầu tư lớn là có thật. Ngoài giữ mối liên lạc tốt với nguồn ngoại binh từ khắp nơi trên thế giới, họ phải bỏ tiền mua vé máy bay, chi phí ăn ở, xin giấy phép chuyển nhượng quốc tế ITC, đàm phán điểm đến cho cầu thủ…

Các khoản đầu tư này lớn hay nhỏ tùy vào số lượng và chất lượng của cầu thủ. Và đôi khi nó như một canh bạc, với tiền sử chấn thương của thân chủ, mà họ không hề hay biết, cho đến khi đưa qua Việt Nam. Qua Việt Nam rồi thử việc, cũng chưa chắc được ký hợp đồng, ký hợp đồng cũng chưa chắc được giá…, thế là công cốc, tiền mất tật mang, uy tín bị giảm. Nhiều cầu thủ người nước ngoài phải sống vất vưởng, xin “cò” từng đồng, hoặc đi đá phủi, mà rau cá qua ngày... số này ngày một đông.

Trong hệ thống các giải bóng đá của Công ty Thể thao Thiên Long tổ chức hàng năm tại TP.HCM từ hơn nửa thập niên qua, có hẳn một đội bóng gọi là African Team Việt Nam, tập hợp đến gần trăm cầu thủ người nước ngoài (chủ yếu châu Phi), được chăn dắt bởi vài nhân vật từng chơi bóng ở Việt Nam. Những người này bị rớt lại sau khi hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam giới hạn các suất đăng ký ngoại binh/CLB và chất lượng của họ không đủ để đáp ứng, cạnh tranh các suất ít ỏi còn lại. Họ đang chờ cơ hội chuyển qua nước thứ ba.

Tất nhiên, số các cầu thủ Tây balo này không đáng kể, trong số hàng ngàn ngoại binh đến và đi suốt chiều dài lịch sử 20 năm V-League. Họ là hàng thải, bỏ thì thương, vương thì tội và trách nhiệm thuộc về người đã đem họ qua đây, nhưng ông "cò" bóng đá.

Và chuyện "loạn giá"

Giai đoạn 2001-2008, tại kho chứa của CLB GĐT Long An ở Bến Lức, luôn có khoảng một đôi chục cầu thủ người nước ngoài. Những người này được HLV Henrique Calisto và con trai của ông, Tiago Calisto, mang qua Việt Nam. Trước là để CLB GĐT Long An dùng dần, sau ký gởi, chào bán, mà V-League hay giải hạng Nhất quốc gia có khi chỉ là trạm chung chuyển. Nhắc lại, ông Calisto và con trai Tiago chính là mắt xích quan trọng quyết định việc Công Vinh có thể đến CLB Leixoes, Bồ Đào Nha, năm 2009.

Mùa giải 2003, khi Carlos Rodriquez và Santos đã chơi cực hay ở Long An, thì Antonio Carlos được HLV Calisto điều cho TMN.CSG mượn, đá hạng Nhất quốc. Năm ấy, Antonio đoạt danh hiệu Vua phá lưới, đồng thời giúp TMN.CSG trở lại V-League. Tất nhiên, cái giá của tiền đạo trẻ cao kều lúc này đã rất khác và bắt đầu từ V-League 2004, “Gạch” sở hữu một trong những tiền đạo hay nhất trong lịch sử giải đấu 20 năm tuổi này. Anh em nhà Carlos và Antonio là những hạt nhân chính mang lại cú đúp danh hiệu V-League cho “Gạch” 2005-2006.

Con đường đến với dải đất hình chữ S của các ngoại binh, về cơ bản là như vậy: Theo chân các nhà môi giới (chính thức hoặc không chính thức), được ký hợp đồng, khẳng định được tên tuổi và bắt đầu được "xúi dục" chuyển CLB như thay áo. Sau này, khi một số ngoại binh qua Việt Nam đời đầu giải nghệ, họ bắt đầu chuyển qua nghề chăn dắt cầu thủ, ví như Achilefu hay “Buly” Mauricio Luis, Frank Van Ejis, Buba Johnson… Những “tay cò” ngoại quốc này phải cạnh tranh gay gắt với “đồng nghiệp” người Việt và thường thua thiệt.

Lịch sử V-League, “siêu cò” Trần Tiến Đại được biết đến như một nhân vật cực dị, có thể hô mây hoán vũ, xoay chuyển càn khôn. “Cò” Đại không chỉ buôn bán cầu thủ trong nước và cả ở nước ngoài, sang tận Trung Đông, mà còn buôn cả “vua”, tức ông chủ các đội bóng, ngã giá – chuyển nhượng cả CLB. Người cũ của V.Ninh Bình từng chia sẻ rằng, vào lúc cao điểm, Hoa Lư có cả trăm cầu thủ người nước ngoài, khi ông Đại làm GĐĐH tại đội bóng này.

 

Lại có bận, ông Đại vì chậm tiền ăn của một nhóm cầu thủ người nước ngoài, mà bị số này đuổi đánh phải nhảy từ lầu 1 xuống đất mà thoát thân.

Từ nội binh đến cầu thủ người nước ngoài, khi qua tay “cò” Đại, điều duy nhất họ biết là cầm tiền và đá bóng. Giá nào cũng có, nhưng thường là giá cao. Khả năng tài phán của “cò” Đại, người có thể bắt tay và cười với ngay cả kẻ thù của mình, ở một tầm không ai với được. Ông Đại dù bị tiếng là phá giá thị trường, bị trăm điều không hay bủa vây, thì một thực tế không thể phủ nhận cho sự đóng góp của ông với cơ chế bóng đá chuyên nghiệp, đấy là kích cầu và cải thiện chất lượng chuyên môn – nâng tầm cho giải đấu.

Vĩ thanh

Sau 20 năm lên chuyên, sự ác cảm với đội ngũ môi giới – đại diện cầu thủ ở Việt Nam lúc này đã giảm thiểu đi nhiều, trong mắt của một bộ phận những người làm bóng đá Việt Nam. Lý là bởi, đây là mắt xích không thể thiểu của cơ chế bóng đá chuyên nghiệp, với hệ thống các giải đấu đang kiện toàn, và ngoài ra, chỉ bắt tay với họ, đôi ba bên mới cùng có lợi. Giờ, tính hợp pháp của nghề môi giới, từ phạm vi các bản hợp đồng, cũng được ý thức cao hơn. Không có chuyện nói vo, nói suông hay hớt váng, nẫng tay trên được!

Chia sẻ với chúng tôi, nhà môi giới Nguyễn Minh Châu cho rằng, mọi thứ cần phải minh bạch, danh có chính thì ngôn mới thuận và tất cả đều phải bắt đầu từ lợi ích chung cho nền bóng đá, cũng như các giải đấu. Một số người đại diện người bản địa cũng đã thành lập các công ty hẳn hoi, với các điều khoản ràng buộc và khu biệt chức năng rất rõ ràng, rành mạch với thân chủ của họ. Đấy cũng là điều mà bóng đá chuyên nghiệp hướng tới, chứ không tranh tối tranh sáng, “đục nước béo cò” như trước đây nữa.

Nhưng cũng giống bóng đá Việt đã 20 năm chưa tròn nổi chữ chuyên, cái "chợ cầu thủ Tây" dù phần nào đi vào quy củ, nhưng đằng sau nó vẫn ẩn chứa nhiều câu chuyện và cách hành xử kiểu xã hội đen. Bằng chứng ư? Vụ tiền đạo Paulo của CLB Sài Gòn đăng đàn tố cáo là minh chứng rõ nhất!

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm