Những diễn viên không biết nói: Kỳ công hiếm có của chim cánh cụt

20/06/2012 14:01 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Trong số những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng với “những diễn viên không biết nói”,  March of the Penguins (Cuộc hành trình của chim cánh cụt) là bộ phim kiếm được nhiều tiền nhất, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế nhất. Đáng điều nói nhất, đây chỉ là một bộ phim tài liệu và quá trình thực hiện bộ phim này là một kỳ công đặc biệt hiếm có trong thế giới điện ảnh.


Hành trình độc nhất vô nhị

Trung tâm của bộ phim là loài chim cánh cụt hoàng đế (Emperor Penguin) – loài lớn và nặng nhất trong tất cả những loài chim cánh cụt khác,và đặc biệt chỉ có ở châu Nam Cực. Con trống và con mái có bộ lông và kích thước tương tự nhau, chúng có thể cao tới 122 cm, cân nặng từ 22 đến 45 kg. Mình chim cánh cụt hoàng đế thuôn dài, đầu và lưng màu đen, bụng và chân màu trắng, ngực màu vàng nhạt và tai màu vàng tươi. Nhờ vào cấu trúc cơ thể đặc biệt, loài này có thể lặn liên tục dưới làn nước băng giá trên 18 phút và lặn sâu tới 535 m. Tuổi thọ của chim cánh cụt hoàng đế là 20 năm, mặc dù có một số con có thể sống tới 50 tuổi.

Chim cánh cụt hoàng đế nổi tiếng với những chuỗi hành trình của các con lớn mỗi năm để giao phối với nhau và sinh đẻ nuôi con. Các loài chim cánh cụt chỉ sinh sản duy nhất vào mùa đông ở châu Nam Cực. Dù chân rất ngắn và di chuyển nặng nề, nhưng từ mùa thu chúng phải đi một quãng đường dài khoảng từ 50 đến 120 km trên băng, để tới khu vực sinh sản, nơi sẽ tập trung hàng ngàn con khác cũng với mục đích tương tự. Những con mái sẽ đẻ ra một quả trứng duy nhất, sau đó con trống sẽ lo việc ấp trứng, còn con mái ra biển kiếm mồi. Sau đó, con trống và con mái thay nhau tìm kiếm thức ăn ngoài biển và chăm sóc cho cánh cụt con ở ngay nơi sinh sản. 


Nhà làm phim độc nhất vô nhị

Năm 1992, nhà nghiên cứu sinh vật học trẻ người Pháp, Luc Jacquet,đọc được mẫu quảng cáo với nội dung “Cần tìm một nhà sinh vật học không biết sợ, sẵn sàng làm việc 14 tháng ở  nơi tận cùng của thế giới” – đó là Nam Cực. Yêu động vật, yêu thiên nhiên, và ước mơ trở thành một nhà khoa học, lại sinh ra ở vùng núi Jura, miền Đông nước Pháp, nơi gần như lạnh quanh năm, từ nhỏ Jacquet đã quen với cái lạnh, nên anh hào hứng chấp nhận thử thách ấy như là chuyến phiêu lưu đầu tiên của đời mình. Lúc đó Jacquet mới 24 tuổi.

Tại Nam Cực, công việc của anh là quay lại mọi hình ảnh của chim cánh cụt hoàng đế. Do chưa bao giờ cầm máy quay phim, trước khi lên đường Jacquet phải trải qua một khóa đào tạo 10 ngày để học cách sử dụng máy quay 35mm. Sau đó anh được đưa tới làm việc tại Trạm nghiên cứu Nam Cực của Pháp, Dumont d'Urville.

Hơn một năm trời sống trong cảnh tĩnh lặng, xung quanh băng giá trắng xóa, suốt ngày chỉ lẽo đẽo theo đuôi bọn chim cánh cụt hoàng đế…, Jacquet đã bị mê hoặc và xúc động bởi cuộc hành trình gian khổ vì tình yêu và duy trì nòi giống của chúng. Khi về lại Pháp, anh viết một kịch bản phim tài liệu có tên March of the Penguins, xoay quanh hành trình độc đáo này.

Kịch bản sau đó đến tay nhà sản xuất Bonne Pioche, và dự án nhanh chóng được National Geographic Society (Hội địa lý quốc gia Mỹ) – thương hiệu lừng danh toàn cầu về thể loại phim tài liệu khoa học thiên nhiên, lịch sử và xã hội – nhiệt tình ủng hộ. National Geographic Films và hãng Bonne Pioche (Pháp) đã triển khai sản xuất từ đầu năm 2000. Luc Jacquet là người thích hợp nhất để ngồi ghế đạo diễn, mặc dù anh chưa có nhiều kinh nghiệm làm phim.


Quá trình chuẩn bị độc nhất vô nhị   

Những người được chọn tham gia vào đoàn phim quay tại Nam Cực được tuyển chọn rất gắt gao. Tất cả đều phải được khám sức khỏe tại IPEV (Institut Français Polaire Paul Émile Victor – Viện nghiên cứu Địa Cực của Pháp) vốn quản lý tất cả các đoàn thám hiểm của Pháp tới lục địa Nam Cực. Một trong những yêu cầu quan trọng khác là chuẩn bị tinh thần cho các thành viên phải sống xa bạn bè và gia đình suốt hơn một năm. Hãy thử hình dung 24/24 phải sống trong “cái tủ lạnh” và sự tĩnh lặng ghê người của Nam Cực – nơi mà loài động vật sống duy nhất được nhìn thấy là chim cánh cụt.

May mắn lớn nhất của đạo diễn Luc Jacquet là mời được 2 nhà quay phim đặc biệt. Người thứ nhất là Jerome Maison – một thủy thủ có khá nhiều kinh nghiệm về sinh vật biển và chuyên về đại dương (Nam đại dương và châu Nam Cực). Người thứ hai là Laurent Chalet – nhà quay phim có nhiều năm kinh nghiệm về phim tài liệu và phim truyện. Và cả hai đã ăn ý với nhau ngay từ đầu. Chính Jerome là người đề xuất ý tưởng chuyển bộ phim từ tài liệu thiên nhiên sang phim truyện. Bộ phim không chỉ nói về loài chim, mà nói về những nhân vật thể hiện bản thân.

Mọi công tác chuẩn bị kỹ thuật và hậu cần đều cực kỳ cẩn thận, mọi thứ đều phải có ít nhất một cái khác để sơ cua. Máy quay phải chọn loại càng cơ học càng tốt, đủ bền để hoạt động trong thời tiết âm 40 độ C và phải có thể sửa chữa dễ dàng trong trường hợp có trục trặc. Đích thân nhà quay phim Laurent thân chinh xuống tỉnh Grenoble để đặt nhà sản xuất camera Aaton (Pháp) chế tạo một loại máy quay đặc biệt dành cho phim này.

Đến Nam Cực, đoàn phim sống tại một trạm khoa học, nơi mà French Polar Institute (Viên nghiên cứu địa cực của Pháp) giúp đỡ họ. Các nhà làm phim cũng chia sẻ căn cứ này – tọa lạc cách Nam Cực một quãng đường ngắn – cùng với 30 nhà khoa học làm việc và sống tại đây.


Thời tiết độc nhất vô nhị    

Ngay khi đặt chân tới Nam Cực, đoàn phim nhất trí về một phương pháp, một thời gian biểu hàng ngày, dựa trên sự đoàn kết và nhiệt tình. Thay vì thay phiên nhau, họ phải làm việc chung như một đội ngũ. Thức dậy vào 5 giờ rưỡi sáng, chuẩn bị trang thiết bị trong một tiếng rưỡi, lắp bốn cuộn phim vào máy, mất nửa tiếng để trang bị 6 lớp quần áo ấm,… và cất bước bắt đầu một ngày quay, mỗi người mang theo gần 60 kg trang thiết bị.

Chỉ có 2 điều khó khăn thường cản trở công việc của đoàn phim : thời tiết, và hết lượng phim dùng trong ngày khi còn đang ở trên băng. 

Thử thách chủ yếu khi làm bộ phim này là thời tiết. Nhiệt độ trung bình ở châu Nam Cực từ âm 50 tới âm 60 độ C. Gần bờ biển, nhiệt độ trung bình từ âm 10 tới âm 20 độ C. Có một số ngày lạnh đến mức họ không thể ở bên ngoài quá ba tiếng đồng hồ. “Ở Nam Cực, không thể dự báo dài ngày được. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra bất kỳ lúc nào”, Jerome Maison cho biết. “Về thể chất – điều này nghe có vẻ kỳ lạ – chúng tôi cảm thấy ấn tượng về sức chịu đựng của chính mình. Ban đầu thậm chí cảm thấy thật là sướng khi ở nhiệt độ âm 20 độ C! Cho tới ngày Nam Cực nhắc chúng tôi nhớ về sự tồn tại của nó, thì chúng tôi phát hiện ra những vết bỏng lạnh và tê cứng”, Laurent Chalet nói.

Và còn có cả gió. Đoàn phim làm việc trong những cơn gió mạnh di chuyển với tốc độ trên 201 km/giờ. Các cơn gió có sức mạnh của một cơn bão đánh vào Nam Cực. Những cơn gió mạnh nhất có thể lên tới 322 km/giờ. “Theo thời gian, bạn học được cách đối phó với cơn gió cực mạnh này, mà ở một số phương diện, nó tồi tệ hơn cả cái lạnh” , Luc Jacquet nhớ lại.


… và những diễn viên độc nhất vô nhị

Lo lắng nhất của hai nhà quay phim Laurent Chalet và Jerome Maison trong lúc thực hiện phim này là tính hợp lý của toàn bộ câu chuyện. Từng ngày, từng tuần trôi qua, họ phải nhớ tất cả những gì đã quay trước đó, các nhân vật bước vào và đi ra lối nào trong khung hình… Bởi vấn đề rủi ro ở đây là họ không thể xem lại những gì đã quay vì mọi thứ công đoạn in tráng phim sẽ chỉ được xử lý khi đoàn quay trở về Pháp! Vì thế tất cả đều phải trông chờ vào sự chính xác trong danh sách cảnh quay của Luc Jacquet. Cũng may, trong số hơn 200 cuộn phim đã quay, họ chỉ gặp rắc rối với một cuộn duy nhất.

Trên hết, khó khăn lớn nhất trước khi bấm máy là lo lắng liệu các “diễn viên” chim cánh cụt có hợp tác tốt trong quá trình quay phim hay không. Một bất ngờ lớn là họ tiếp cận với lũ chim cánh cụt một cách khá dễ dàng, bởi chúng không hề sợ hãi con người. Tuy nhiên để quay một cách tự nhiên như ý mình muốn không hề là việc dễ dàng.

Các nhà làm phim phải thường xuyên ngụy trang thành … chim cánh cụt, đeo máy quay lên lưng để tiến sát chúng quay những cảnh cực khó: Như cảnh chuyển trứng từ con mái sang con trống (với 7.000 con chim cánh cụt trên phim trường) là một trong những cảnh khó quay nhất, vì sự chuyển giao diễn ra rất kín đáo.

Để tiếp cận những con chim con để bấm máy chúng, họ đóng một chiếc xe trượt có thể lăn trên băng, trên đó lắp một máy camera. Mối lo ngại chính của đoàn luôn là: tạo ra càng ít sự náo động càng tốt, dù cho có phải mất nhiều sức do phải bò trên băng. Những cảnh trên biển, được quay bởi Patrick Marchand, cũng đặc biệt khó khăn. Nhưng kết quả thì thật tuyệt để có thể nhìn thấy con vật duyên dáng này ở đúng trong môi trường của chính nó – nước – sau khi xem nó “chịu đựng” môi trường bên ngoài làn nước.

“Bạn phải biết loài động vật mà bạn đang quay phim, để đoán trước các phản ứng của chúng; bạn cần phải rất kiên nhẫn để xem mọi thứ phát triển như thế nào.Và quan trọng, bạn cần phải có một chút may mắn… Đây là điều cho phép chúng tôi có được hình ảnh của những con chim cánh cụt bước đi thành hàng ở đầu phim”. Laurent Chalet nói. Nhờ phòng thực nghiệm chuyên nghiên cứu chim cánh cụt của trạm nghiên cứu Dumont d'Urville, nên đoàn phim biết các con chim cánh cụt sẽ tụ tập ở đâu, mặc dù không biết khi nào. Vậy là hàng ngày mọi người đều phải ở tư thế sẵn sàng, vì đây là một sự kiện xảy ra mỗi năm chỉ một lần. Khi có tin báo, không ai có thể tin vào mắt mình khi có tới hơn 1.200 con chim cánh cụt tập trung lần đó. Điều này rất hiếm, bởi thường chỉ có vài trăm, nhiều nhất là 500 !

Với kinh phí sản xuất 8 triệu USD, bộ phim bất ngờ đạt doanh thu toàn cầu 127,4 triệu USD. Trở thành bộ phim truyện tài liệu ăn khách thứ nhì mọi thời đại (sau Fahrenheit 9/11).

- Năm 2005, bộ phim đoạt giải Oscar Phim truyện tài liệu hay nhất

- Vào mùa Oscar năm 2005, bộ phim tài liệu này còn ăn khách ở Mỹ hơn cả 5 phim truyện được đề cử chính thức. Doanh thu cao nhất là Brokeback Mountain chỉ có 75 triệu so với 77 triệu của March of the Penguins


Bá Vũ



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm