28/04/2015 14:12 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Người đã "khuất núi", người đã từ lâu chia tay với đỉnh cao, cũng có người đang là kỳ vọng lớn... nhưng điểm chung của 10 gương mặt này là 10 sự nghiệp thể thao lừng lẫy và là những đại diện tiêu biểu nhất cho lịch sử hình thành, phát triển của thể thao Sài Gòn xưa và TP.HCM hôm nay.
1. Võ Văn Bảy: Kỳ tích mang tên Roland Garros
Lý Hoàng Nam vươn lên thứ 14 của quần vợt trẻ thế giới và cầm chắc 1 suất dự Roland Garros trẻ 2015 được xem như kỳ tích mới của quần vợt Việt Nam thời hiện đại. Thế nhưng, nếu giở lại những trang sử cũ của làng banh nỉ nước nhà, có một kỳ tích khác mà có lẽ chẳng biết tới bao giờ mới lặp lại. Kỳ tích ấy gắn với cái tên Võ Văn Bảy!
Đó là vào năm 1954, ông là cây vợt đầu tiên của Việt Nam và tới thời điểm này cũng là duy nhất thi đấu ở nội dung đơn nam giải quần vợt Pháp mở rộng. Dù thua Vieira của Brazil với tỷ số 0-3 (0/6, 1/6, 4/6) ngay từ vòng 1, nhưng có lẽ việc tham dự vòng đấu chính của 1 giải Grand Slam như Võ Văn Bảy còn là giấc mơ dài với quần vợt Việt Nam hiện tại.
Nhưng dấu ấn của cây vợt sinh năm 1931 tại Vĩnh Long này không chỉ có vậy. Với tài năng của mình, ông đã vượt tầm khu vực mà chức vô địch đơn nam của kỳ SEA Games đầu tiên vào năm 1959 cùng hàng loạt chức vô địch sau là minh chứng. Võ Văn Bảy còn giành HCB Á vận hội 1959 và đặc biệt hơn là cùng người em Võ Văn Thành còn dự cả Davis Cup trong những năm 1964-1974 với thành tích 20 trận thắng và 15 trận thua.
40 tuổi vẫn thắng cây vợt số vô địch châu Á Sakai 25 tuổi với tỉ số 2-1! Rồi sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, dù đã bước vào tuổi 50 ông vẫn là cây vợt chủ lực của đội tuyển quần vợt Việt Nam. Mãi tới năm 2002, ông mới chịu thua căn bệnh ung thư trong cuộc đấu của cuộc đời.
2. Lê Văn Tiết: Kỳ quan của bóng bàn thế giới
Bóng bàn Sài Gòn vào cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60 của thế kỷ trước đã vươn tới đẳng cấp châu lục, thế giới. Và cho đến giờ, để tìm 1 cây vợt nào xuất sắc nhất vẫn cứ là câu chuyện gây nhiều tranh cãi. Nhưng nếu so đo trên góc độ thành tích, thì cây vợt Lê Văn Tiết có lẽ vượt trội hơn cả.
Cùng với những người đồng đội Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được, Trần Văn Liễu, Lê Văn Tiết đã từng vô địch châu Á năm 1958 và ở giải đấu đó mới 19 tuổi, ông với lối chơi phản công độc đáo kiểu "mượn sức, phản đòn" đã được báo chí Nhật Bản lúc ấy gọi là "kỳ quan của bóng bàn thế giới".
Sau giải đấu đó, Lê Văn Tiết còn đoạt vô địch cá nhân giải quốc tế bóng bàn Pháp mở rộng 1959 với chiến tích vượt qua cây vợt số 1 thế giới Teruo Murakami (Nhật Bản) trong trận chung kết để vươn lên hạng 6 thế giới và hạng 3 đồng đội nam thế giới.
Thành tích tới tầm thế giới, nhưng đặc biệt hơn là niềm đam mê trái bóng nhựa không bao giờ cạn trong ông. Những ngày cuối tháng 12-2014, ở cái tuổi 75, ông vẫn ra Hà Nội để thi đấu biểu diễn tại Giải Diễn đàn bóng bàn Việt Nam mở rộng và vẫn đau đáu khi bóng bàn Việt Nam tụt hậu quá xa mà nguyên nhân chính là sự yếu kém về chuyên môn.
Hơn thế, trong nhà họ Lê, không chỉ có ông mà còn những cây vợt lừng danh quốc gia khác như: Lê Văn Inh, Lê Văn Tân, Lê Thị Kim Tiếng và Lê Thị Kim Hoàng. Tiếc là dòng chảy ấy giờ đang dừng lại...
3. Phạm Huỳnh Tam Lang: Tượng đài chưa có người kế vị
Bóng đá không phải là môn mạnh nhất nếu nhìn vào bức tranh toàn cảnh của thể thao Sài Gòn cũ. Hơn thế, đó cũng là thời điểm mà bóng đá châu Á, chứ chưa nói đến khu vực. Bởi vậy, có không ít ý kiến cho rằng, việc đội tuyển miền Nam Việt Nam trước đây từng lọt vào tốp 4 châu Á, hay cả chức vô địch SEA Games đầu tiên vào năm 1959 chưa hẳn đã là ấn tượng lớn về chuyên môn.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, với những chiến tích trên sân cỏ và cả quá trình đóng góp không mệt mỏi của mình Phạm Huỳnh Tam Lang xứng đáng là một tượng đài. Suốt sự nghiệp của mình, ông khoác áo 4 CLB, nhưng có lẽ dấu ấn lớn nhất vẫn gắn với cái tên Cảng Sài Gòn cả trên cương vị cầu thủ lẫn HLV, đội bóng số 1 thời sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
Còn ở cấp độ đội tuyển, ông trong vai trò trung vệ đội trưởng của đội tuyển bóng đá miền Nam Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV người Đức K.H Weigang đã giành Cúp Merdeka, giải đấu hàng đầu châu lục tổ chức ở Malaysia vào năm 1966. Cũng năm đó, ông đã được mời vào đội tuyển "Ngôi sao châu Á".
Thành công với Cảng Sài Gòn, Tam Lang còn tham gia trong Ban Huấn luyện các đội tuyển quốc gia dự nhiều kỳ SEA Games, AFF Cup. Năm2003, sau khi đội bóng Cảng Sài Gòn bị xuống hạng, Tam Lang cũng chính thức giã từ sự nghiệp và qua đời ngày 2/6/2014 vì đột quỵ. Trước đó, ông vinh dự được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp cống hiến trong suốt 50 năm với bóng đá Việt Nam và khu vực.
4. Trần Tuấn Anh: 10 năm trên đỉnh cao
Sinh năm 1960 chơi bóng bàn từ năm 12 tuổi dưới sự hướng dẫn của chính cha mình là huấn luyện viên Trần Văn Mỹ, Trần Tuấn Anh từng được gọi vào đội tuyển tham dự giải vô địch thế giới năm 1975 ở Ấn Độ.
Nét nổi bật của Tuấn Anh là lối chơi hiện đại, công thủ toàn diện và sự nỗ lực trong tập luyện đã khiến anh "thống trị" của làng bóng bàn Việt Nam trong thập niên 80 của thế kỷ trước với 5 lần liên tiếp vô địch đơn nam giải các đội mạnh toàn quốc (1981-1987), 8 lần vô địch toàn quốc trong 12 năm và 20 lần cùng đội tuyểnquốc gia tham gia các giải quốc tế.
Cho dù sau này đối thủ trẻ Vũ Mạnh Cường làm nên cuộc "lật đổ" tại giải Đại hội TDTT toàn quốc năm 1990, nhưng Trần Tuấn Anh vẫn cứ là tượng đài lớn của bóng bàn Việt Nam mà thành tích 5 lần được bầu chọn là VĐV tiêu biểu toàn quốc (1980, 1982, 1983, 1984, 1989) là minh chứng rõ nhất
5. Nguyễn Kiều Oanh: Xuống nước là có huy chương!
Nhận định ấy không thuộc về Nguyễn Thị Ánh Viên của hôm nay mà đó là nữ kình ngư Nguyễn Kiều Oanh của cuối thập niên 80 và đầu những năm 90 với cái danh xưng "Nữ hoàng bơi lội".
Trước khi Ánh Viên giành tới 20 huy chương tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014 thì kỷ lục cũ thuộc về chính Kiều Oanh với 14 HCV ở cả 14 cự ly tham dự, trong đó phá tới 5 KLQG tại Đại hội TDTT toàn quốc 1990. Có kỷ lục của Kiều Oanh tồn tại đến 19 năm mới có người phá được và chị cũng từng 2 lần giành quyền tham dự Olympic.
Tài năng của Kiều Oanh là chuyện chẳng phải bàn cãi, nhưng ở cái thời mà thể thao còn khó khăn ấy, có rất nhiều lời đồn đoán về khả năng dường như là vô tận của chị. Nhưng câu trả lời thì thật đơn giản, đó là mối tình đẹp giữa ông thày người Hà Nội Đỗ Trọng Thịnh với chính cô học trò nhỏ kém mình 14 tuổi này. Mối tình đơm hoa, kết trái và vẫn tỏa hương đến tận hôm nay.
6. Trần Quang Hạ: Nhà vô địch của những nhà vô địch
Là gương mặt trưởng thành lên từ sự năng động của thể thao thành phố mang tên Bác. Quang Hạ không có đối thủ ở hạng 58kg nội dung đối kháng môn Taekwondo và được đặt rất nhiều kỳ vọng tại SEA Gamess 17, kỳ SEA Games thứ ba mà Thể thao Việt Nam tham dự.
Thế nhưng ở kỳ SEA Games đó, Hạ thất bại và dễ hiểu là khi Thể thao Việt Nam còn chỉ mới vừa chinh phục đấu trường khu vực, thì ở ASIAD Hiroshima (Nhật Bản) năm 1994, việc được tham dự cũng là thành công lớn với nam võ sỹ TP.HCM.
Vậy mà chẳng ai ngờ, tại kỳ Á vận hội đó, Quang Hạ đã làm lên cuộc ngược dòng ngoạn mục để vượt qua võ sĩ Selvamuthu Ramasamy (Malaysia) và mang về cho Thể thao Việt Nam tấm HCV ASIAD đầu tiên kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Tấm HCV mở đầu cho ngôi á quân Olympic Sydney 2000 sau đó của Trần Hiếu Ngân và đưa Taekwondo nói riêng và Thể thao Việt Nam nói chung nâng cao vị thế của mình trên đấu trường quốc tế.
Sau này có thêm HCV SEA Games 1995, Quang Hạ bất ngờ giã nghiệp, nhưng vẫn gắn với nghiệp võ để đạo tạo ra nhiều gương mặt xuất sắc cho Taekwondo Việt Nam.
7. Cao Ngọc Phương Trinh: Cô gái Vàng của Judo Việt Nam
Nếu phải tìm 1 biểu tượng trong tiến trình hội nhập đầu tiên của Thể thao Việt Nam với đấu trường quốc tế kể từ sau ngày đấy nước hoàn toàn thống nhất, thì Cô gái Vàng của Judo Việt Nam - Cao Ngọc Phương Trinh thật xứng đáng.
Lập kỳ tích khi đó với ba lần liên tiếp vô địch SEA Games 16, 17 và 18, Cao Ngọc Phương Trinh còn là vận động viên Việt Nam đầu tiên giành quyền dự tranh ở môn Judo tại Olympic Atlanta 1996. Ngoài ra, còn là 2 lần vô địch Đông Nam Á;HCĐ Đại hội thể thao các nước nói tiếng Pháp;vô địch quốc gia từ năm 1990-1997....
Đang trên đỉnh cao sự nghiệp, bất ngờ trong đợt tập huấn tại Đài Loan (Trung Quốc) chuẩn bị cho SEA Games 19, Phương Trinh bị bể sụn chêm gối trái, phải phẫu thuật, và cuối cùng đã giã từ thảm đấu.
Hàng loạt học trò của Phương Trinh như Nguyễn Duy Hải, Nguyễn Kính Đức, Nguyễn Khánh Vân... trưởng thành và tỏa sáng trên đấu trường quốc tế, nhưng ước mơ của Cô gái Vàng của Judo Việt Nam không dừng ở đó. Cô còn là giáo viên giáo dục thể chất và huấn luyện viên Judo tại Câu lạc bộ Minh Khai (trường trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai) với kỳ vọng gieo những hạt mầm Judo cho cả tương lai xa hơn.
8. Trương Thanh Hằng: Cô gái Vàng điền kinh
Nếu Vũ Thị Hương được phong là "Nữ hoàng tốc độ", thì cô gái sinh năm 1986 này xứng đáng là Cô gái Vàng của điền kinh Việt Nam với đủ các tấm huy chương cự ly 800m, 1.500m nữ ở mọi cấp độ: 2 HCB Á vận hội 2010; 2 HCV -1 HCB - 3 HCĐ tại các giải vô địch châu Á; HCV giải vô địch điền kinh trong nhà châu Á; 7 HCV - 1 HCĐ SEA Games...
Là một viên ngọc quý của thể thao thành phố, nhưng thật đáng tiếc vì các vấn đề về tiêu chuẩn, chế độ, Trương Thanh Hằng đã chia tay thể thao TP.HCM vào năm 2009 để đầu tư cho đơn vị khác.
Không có đối thủ trên đường chạy trung bình của nữ, nhưng vào tháng 8/2012, Trương Thanh Hằng bất ngờ gặp tai nạn giao thông khi đang tập luyện tại Đà Nẵng cùng đội tuyển quốc gia. Chân phải gãy phải bắt vít cố định đã khiến Thanh Hằng không thể bình phục để tham dự SEA Games 27 mà cô là nhà đương kim vô địch. Năm 2014, Thanh Hằng đã thi đấu trở lại song lại tái phát chấn thương và đầu năm 2015, cô quyết định giã từ sự nghiệp ở tuổi 29.
9. Nguyễn Tiến Minh: Khoảng trống sau đỉnh cao
Là cây vợt cầu lông duy nhất của Việt Nam đứng trong tốp 10 thế giới (vị trí cao nhất là hạng 5), tài năng của Tiến Minh chẳng còn là chuyện phải bàn cãi. Dù chưa vươn vị trí số 1 của hệ thống giải Super Series - giải đấu số 1 trong hệ thống thi đấu đỉnh cao của Liên đoàn cầu lông thế giới, nhưng những danh hiệu ở các giải Thái Lan, Mỹ, Australia mở rộng... đặc biệt là trận thắng trước số 1 thế giới Lee Chong Wei (Malaysia) tại giải Singapore mở rộng 2009 đã để lại nhiều ấn tượng lớn về chuyên môn.
Tuy nhiên, ở tuổi 32, Tiến Minh đã bước qua thời kỳ đỉnh cao và 1 chức vô địch ngay cả là SEA Games cũng khó để vươn tới. Hơn thế, tuổi tác và phong độ cũng không cho phép cây vợt nam TP.HCM dự nhiều hơn các giải đấu quốc tế, hệ quả là vào lúc này Tiến Minh tụt xuống hạng 35 thế giới.
Tiến Minh là 1 đỉnh cao của cầu lông Việt Nam và của cả TP.HCM, nhưng tiếc là đằng sau đỉnh cao ấy, lại là khoảng trống lớn mà ngay lúc này vẫn chưa nhìn thấy khả năng lấp đầy.
10. Lê Quang Liêm: Rạng danh kỳ đài Việt
7 tuổi đến với cờ vua khi được anh trai là Lê Quang Long hướng nhất và chỉ mất đúng 3 năm sau Lê Quang Liêm đã có ngôi á quân U10 thế giới và năm 2005 là ngôi quán quân U14 thế giới. Một tài năng mới của cờ vua Việt Nam đã ra đời như thế.
Cho đến lúc này, Quang Liêm đã trở thành Đại kiện tướng quốc tế với hệ số Elo là 2678, hạng 63 thế giới (tháng 1/2015 - hệ số Elo cao nhất là 2717 vào tháng 9/2011). Và bộ sưu tập của chàng trai TP.HCM càng trở nên đồ sộ hơn với chức vô địch thế giới nội dung cờ chớp năm 2013; vô địch châu Á nội dung cờ chớp 2013; vô địch Aeroflot mở rộng 2010, 2011; SPICE Cup 2011; HD Bank Cup mở rộng 2013, 2015; 2 HCV SEA Games 2011...
Đầu năm nay sau khi giành cúp đúp chiến thắng tại HD Bank Cup mở rộng và suất dự VCK World Cup, Quang Liêm cho biết, mục tiêu của anh là lọt vào Top 50 thế giới. Bên cạnh đó là các giải đấu quan trọng. “Tôi sẽ phấn đấu thi đấu tốt tại giải vô địch châu Á và World Cup sắp tới vào tháng 9. Tất cả vì vinh quang cho thể thao nước nhà”.
V.M
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất