24/08/2017 09:55 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - James Dresnok, lính Mỹ cuối cùng sống tại CHDCND Triều Tiên đã qua đời. Câu chuyện về hành trình đến với Triều Tiên và cuộc sống của người đàn ông Mỹ này tại đất nước này trong hơn 5 thập niên qua cũng mang nhiều hồi ly kỳ.
Xuất hiện trong video được đăng tải trên trang web Triều Tiên Uriminzokkiri ngày 18/8, hai con trai của James Dresnok xác nhận ông đã qua đời tháng 11/2016, hưởng thọ 74 tuổi và đến giây phút lâm chung ông vẫn thề trung thành với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Hai con trai của ông Dresnok đều mặc quân phục và nói tiếng Triều Tiên trôi chảy.
Hành trình đến với Triều Tiên
Theo tờ Guardian (Anh), ông James Dresnok đã vượt qua khu vực phi quân sự đến Triều Tiên vào năm 1962. Và từ đây, một chương mới trong cuộc đời ông bắt đầu.
Dresnok là một trong 4 lính Mỹ đào tẩu đến Triều Tiên trong thập niên 60 của thế kỷ trước. Trước khi trốn sang Triều Tiên, ông chuẩn bị phải đối mặt với việc ra tòa án binh.
Trong bộ phim tài liệu năm 2006 có tên "Vượt ranh giới" của các nhà làm phim Anh, ông Dresnok kể lại rằng: “Tôi chán ngấy tuổi thơ của mình, cuộc hôn nhân, sự nghiệp quân sự. Tất cả mọi thứ. Tôi đã kết thúc. Chỉ còn một nơi để tới”. Được biết, khi vượt biên đến Triều Tiên, ông Dresnok đã li dị vợ.
Trưa ngày 15/8/1962, Dresnok lên đường, không chắc chắn rằng bản thân sẽ sống sót khi đi qua Khu phi quân sự (DMZ) giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Nhưng ông đã vượt qua và khởi đầu cuộc sống mới ở Triều Tiên. Tại đất nước này, ông Dresnok kết hôn với một người phụ nữ Romania và họ có với nhau hai người con là Ted và James Jr. Người vợ khẳng định bà bị lừa đến Bình Nhưỡng và không được phép rời đi.
Sau khi người vợ Romania qua đời, ông Dresnok tái hôn với cô gái là con của một phụ nữ Triều Tiên và nhân viên ngoại giao một quốc gia châu Phi. Năm 2001 họ có với nhau một cậu con trai.
Giống như những người đào tẩu khác, Dresnok giữ vai trò cốt yếu trong các bộ phim của Triều Tiên từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, thường đóng vai người Mỹ. Ông còn dạy ngoại ngữ tại đại học và dịch các văn bản của lãnh đạo Triều Tiên sang tiếng Anh.
Trong bộ phim tài liệu năm 2006, ông Dresnok nói: “Tôi chưa bao giờ tiếc nuối khi đến CHDCND Triều Tiên. Tôi cảm thấy như mình được ở nhà. Tôi thực sự cảm thấy được ở nhà… Tôi sẽ không tráo đổi nó lấy bất cứ thứ gì”.
Sự tiếp nối của thế hệ sau
Trong video đăng trên trang web Uriminzokkiri, con trai cả của ông Dresnok là Ted khẳng định cha mình “nhận được tình yêu và sự quan tâm của Đảng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng”. “Điều mà cha tôi muốn chúng tôi thực hiện là trở thành người lao động trung thành cống hiến cho lãnh tụ kính yêu Kim Jong-un và nuôi dạy con cái chúng tôi theo con đường này”.
Con trai thứ James Jr thì nói ông Dresnok ra đi mà không có bất cứ tiếc nuối gì. James khẳng định: “Từ thời điểm được sinh ra, chúng tôi được sống dưới sự quan tâm và tình yêu của lãnh đạo Triều Tiên. Chúng tôi được cung cấp mọi thứ quà, từ quần áo, đồng phục, bút chì và sách vở”.
Hai con trai của ông Dresnok cho biết họ phục vụ trong quân đội Triều Tiên và đã lập gia đình, có con cái. Họ cũng đóng vai người Mỹ trong các bộ phim tại Triều Tiên.
Đoạn video này đã đặt ra dấu hỏi lớn về thời điểm phía Triều Tiên lựa chọn để công bố bởi ông Dresnok đã qua đời từ năm 2016.
Đài BBC (Anh) cho rằng đoạn video được đưa ra trước khi Mỹ và Hàn Quốc tổ chức tập trận chung, sự kiện thường gây “khó chịu” đối với Triều Tiên. Ngoài ra, đối tượng được nhắm tới là khán giả nước ngoài bởi video được đăng trên kênh YouTube của Uriminzokkiri và không xuất hiện trong truyền thông nội địa Triều Tiên.
Hà Linh/Báo Tin Tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất