Câu chuyện 'gậy tự sướng' của ngành điện

10/07/2015 05:39 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Năm 2013, giám đốc điều hành nhà bán lẻ trực tuyến của Australia Kongan.com tung ra sản phẩm mang tên “gậy hỗ trợ tự chụp ảnh Zuckerberg”. Đó là một thiết bị hỗ trợ chụp ảnh selfie ở khoảng cách xa để đáp ứng nhu cầu “tự sướng” của các tín đồ công nghệ. Sau đó, sản phẩm này được cả thế giới biết đến với những tên gọi: gậy tự sướng, gậy selfie...

Năm 2014, sản phẩm đặc biệt này được liệt kê vào danh sách 25 phát minh tốt nhất của tạp chí Time. Quyết định này của Time đã gây ra những phản ứng trái chiều khi có nhiều ý kiến cho rằng, tuy nó có sức ảnh hưởng rộng rãi nhưng công dụng quá... lãng xẹt. Thêm nữa, nhiều lời chỉ trích cũng nhắm đến sản phẩm này vì kẻ xấu có thể sử dụng thiết bị để chụp trộm trong nhà tắm, phòng thay đồ, dưới váy phụ nữ...

Năm 2015, dư luận Việt Nam xôn xao khi chứng kiến Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội) sử dụng thiết bị như “gậy tự sướng” kết nối với máy tính bảng để... ghi số điện.

Có lẽ, đây là lần đầu tiên trên thế giới, sản phẩm gây tranh cãi này được sử dụng với mục đích công việc. Và cũng hiếm khi, công năng của sản phẩm vượt ra ngoài giới hạn chụp ảnh cho vui.


Nhân viên điện lực dùng gậy 'tự sướng' ghi chỉ số công-tơ

2. Sáng kiến của EVN Hà Nội có thể coi là táo bạo và hiệu quả phần nào trong việc nâng cao năng suất, giảm nhân lực trong bối cảnh của ngành điện Việt Nam.

Cụ thể, những chiếc “gậy tự sướng” nhỏ gọn tiết kiệm sức người khi nhân viên EVN chỉ cần chụp ảnh số điện thay vì phải khênh những chiếc thang cồng kềnh trên phố. An toàn lao động cũng được đảm bảo bởi nhân viên ngành điện không còn phải leo lên những cột điện chằng chịt dây. Hình ảnh chụp được bằng “gậy selfie” cũng giúp minh bạch thông tin khi khách hàng có thể xem trực tiếp số điện nhà mình nếu cảm thấy khúc mắc.

Song, quyết định này của EVN Hà Nội không được nhiều người dùng ủng hộ. Những sự phản đối không hẳn xuất phát từ tâm lý “ghét cái lạ”, “sợ cái mới” của dư luận. Nguồn cơn của thái độ này là câu chuyện lòng tin. Vì chỉ số lòng tin của người dân với ngành điện tỷ lệ nghịch với giá điện mỗi lúc một tăng...

Vì vậy, bất cứ sự thay đổi nào của EVN lúc này cũng đều có thể trở thành mục tiêu của sự nghi vấn.

Vẫn biết, ngành điện đang muốn lấy lại hình ảnh bằng những ý tưởng đột biến (đột biến mang tầm quốc tế, đột biến hơn cả mức tăng trong hóa đơn điện tháng 5; tháng 6 vừa qua). Nhưng, điều cần thiết với ngành điện lúc này là thái độ cởi mở, minh bạch và chân thành với người dân.

Khi niềm tin trở lại, dù ngành điện có đột phá mang tầm... vũ trụ chăng nữa, người dân vẫn bình tâm suy ngẫm chứ không nhao nhao phản đối như trường hợp “gậy selfie” này.

Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm