Đội tuyển Anh: Chứng tỏ đi, Capello!

07/09/2008 22:44 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Cuối tuần) - ĐT Anh chuẩn bị cho chuyến đi đặc biệt quan trọng mở màn chiến dịch World Cup 2010 bằng một thông tin chẳng vui chút nào. Trong bảng xếp hạng mới nhất của FIFA, họ rơi xuống vị trí thứ 15, chỉ hơn Scotland 1 bậc và đã kém cả...Cameroon. Với một nền bóng đá có Premier League lừng lẫy, đây như một cái tát đầy xúc phạm. Nhưng dường như, một cái tát lúc này là cần thiết cho họ.

Khi quê hương của bóng đá không kiếm nổi một suất ở EURO mùa Hè qua, sau những màn "khóc lóc" và giận dữ, giới truyền thông Anh đã phần nào tỉnh táo hơn khi đặt ra câu hỏi: "Phải chăng, chúng ta tự xếp mình quá cao?". Đúng là Premier League đang thống trị châu Âu về tiền bạc lẫn thành công trên sân cỏ với trận CK Champions League nội bộ M.U-Chelsea vừa qua nhưng ngược lại, giải này cũng bị thống trị bởi ngoại binh. Các ngôi sao nội dù có sáng thật đấy song quanh quẩn vẫn là những gương mặt cũ mèm vốn quen với nỗi thất vọng trên đấu trường quốc tế. Và dường như, cái "thế hệ vàng" này đang đứng trước viễn cảnh buồn là không thể chói lọi, dù chỉ một lần.

World Cup 2010 là cơ hội cuối cho những Steven Gerrard, Frank Lampard, Rio Ferdinand, John Terry...Nhưng trước khi nghĩ đến mùa Hè 2 năm nữa ở Nam Phi, họ sẽ phải lo âu cho chặng đường tìm vé ở phía trước. Sau cú sốc tại vòng loại EURO 2008, giờ thì điều gì cũng có thể xảy ra với ĐT Anh bởi cũng như trước đây, ít người dám nghĩ họ lại vắng mặt ở Áo và Thụy Sĩ.

Chính vì vậy, hành trình ngày hôm nay của Tam Sư tới Barcelona để gặp Andorra vào cuối tuần đang được dõi theo với một sự quan tâm đặc biệt trên khắp xứ sở sương mù. 90 phút này thì chẳng đáng nói. Nếu không thắng được "bé hạt tiêu" này, tốt nhất ở nhà luôn còn hơn. Nhưng quan trọng hơn, 4 ngày sau đó, ĐT Anh sẽ phải làm khách tại Zagreb trước đối thủ đầy duyên nợ Croatia, kẻ phá bĩnh họ ở VL EURO 2008 và cũng là mối đe dọa lớn nhất trong bảng. Như Fabio Capello nhận định: "Đây là 90 phút có ý nghĩa sống còn".

 
Một đội bóng hay vẫn chỉ là 11 cầu thủ?
 
Sự chú ý dành cho ĐT Anh ở những lượt trận khởi đầu chiến dịch này còn đi kèm với nỗi lo âu. Họ không có được đội hình mạnh nhất khi chấn thương khiến một loạt cái tên như Steven Gerrard, Owen Hargreaves, Michael Carrick, Micah Richards phải ngồi nhà. Nhưng sự vắng mặt gây sốc nhất là việc Michael Owen bị loại. Capello đã châm ngòi cho vô số cuộc tranh cãi nảy lửa xung quanh những lựa chọn của ông.

Tại sao David Beckham vẫn có mặt? Tại sao không Owen lẫn Peter Crouch mà lại là Theo Walcott, cái tên không có nổi suất chính ở Arsenal? Tại sao Jimmy Bullard được trao cơ hội? Tất nhiên, mỗi khi công bố đội hình của bất cứ ĐTQG nào, những câu hỏi đại loại "tại sao cầu thủ này mà không phải là cầu thủ khác" luôn xuất hiện. Nhưng đặc biệt với ĐT Anh, nó đang tạo cảm giác lộn xộn, nhất là khi triều đại của Capello đứng trước thử thách đầu tiên và cũng có thể coi là quan trọng bậc nhất ở Zagreb. Với 23 mảnh ghép rời rạc này, liệu HLV người Italia có chọn ra được 11 cái tên hợp lý nhất để lắp ráp thành chỉnh thể hoàn chỉnh?

Suốt những năm qua, không ai ngồi trên chiếc ghế của Capello hiện nay làm được điều đó. Luôn là hình ảnh một đội bóng thiếu bản sắc và độ kết dính. Giống như chỉ nhồi nhét 11 cầu thủ hay nhất vào một chỗ vậy. Câu hỏi muôn thủa về sự kết hợp vô duyên giữa Gerrard và Lampard là điển hình. Giờ đây không có Gerrard, biết đâu ĐT Anh lại "Tái ông thất mã" tìm được lối chơi đỡ "nhạt" hơn ở hàng tiền vệ?

Xứ sở sương mù quen đổ lỗi. Thất bại ở World Cup 1998 biến David Beckham thành tội đồ. Đến World Cup 2006, Cristiano Ronaldo lại phải giơ đầu chịu báng. Giờ nếu không khởi động suôn sẻ, họ có thể than vãn vì không có được đội hình mạnh nhất với sự thiếu vắng Gerrard chẳng hạn. Giống hệt như nhân vật chính trong câu chuyện "Nếu không có ruồi" của nhà văn trào phúng Thổ Nhĩ Kỳ Aziz Nesin. Từ lúc sinh ra, con người đó luôn than vãn nếu không thiếu thốn thứ này điều kia, anh ta sẽ trở thành vĩ đại để rồi điều ngăn cản cuối cùng là nếu không có...ruồi! Đã hơn 9 tháng trôi qua kể từ khi bắt đầu "cuộc tình" của Capello với bóng đá Anh. Đã đến lúc HLV này phải trình làng được một "đứa con", một diện mạo mới cho Tam Sư. Không còn lí do gì để biện minh hay bào chữa nữa. Người ta đang chờ một ĐỘI TUYỂN Anh thực sự. Mà đã là ĐỘI TUYỂN, thì chuyện thiếu cầu thủ này hay ngôi sao nọ không phải là chuyện quan trọng.

Ngày 11/10/2006, ở Zagreb, người Anh đã gục ngã, mở màn cho cú tụt dốc thê thảm nhất trong nhiều năm trở lại đây. Ngày 10/9/2008, cũng ở Zagreb, họ có mở màn cho một cuộc hồi sinh được không? Người có trách nhiệm trả lời câu hỏi đó chính là Capello!

Loại Michael Owen: Một sai lầm?

Khi Capello công bố danh sách cuối cùng không có "cựu thần đồng" Owen, cả xứ sở sương mù xôn xao. Người ủng hộ thì ít, người phản đối thì nhiều. Mà quả thực, nhìn vào hàng công mà ĐT Anh mang lên đường, thiếu vắng cái tên này thực sự là cú sốc.

Theo Walcott ư? Mới chỉ tham dự các trận giao hữu và thậm chí còn từ băng ghế dự bị. Emile Heskey ư? Lần gần nhất tiền đạo này ghi bàn cho Tam Sư là cách đây hơn 5 năm trong trận...giao hữu với Nam Phi. Jermain Defoe ư? Mới có 29 lần khoác áo ĐTQG mà trong đó chỉ 10 lần đá chính. Ghi được 5 bàn (trung bình 222 phút mới ghi được 1 bàn) nhưng chủ yếu là vào lưới...Andorra (2) và Trinidad & Tobago (2)! Wayne Rooney ư? Đã đến lúc phải nhìn vào thực tế. Rooney tài năng và rất quan trọng với toàn đội. Nhưng anh không phải là người săn bàn. Hơn 4 năm qua, Rooney mới đóng góp vẻn vẹn 2 bàn ở các giải lớn trong màu áo Trắng. Hiệu suất của anh cũng tương đương với Defoe, 222 phút mỗi bàn!

Trong khi đó Owen đã có 40 bàn trong 89 trận, chỉ kém kỷ lục của Sir Bobby Charlton 9 bàn. Đành rằng anh vẫn chưa hoàn toàn bình phục sau chấn thương nhưng hiệu suất vẫn đáng nể khi ghi 2 bàn trong 3 trận vừa qua cho Newcastle. Tất nhiên, những con số thống kê chỉ mang tính tham khảo (nếu xét về hiệu suất thì David Nugent là chân sút hoàn hảo nhất của ĐT Anh với trung bình 11 phút 1 bàn. Nhưng chỉ vì lần duy nhất anh ra sân là ở phút 79 gặp Andorra và ghi được bàn!). Có thể nói Owen chưa là chính mình, chưa tìm lại được phong độ đỉnh cao ngày nào nhưng nói rằng anh không đủ thể lực là không hợp lý chút nào. Người duy nhất không đủ thể lực là...David Beckham. Nhìn lão tướng này thi đấu ở trận giao hữu với CH Czech vừa qua, người ta có cảm giác Beckham như thể mới từ sân bay đến thẳng sân cỏ sau một cuộc hành trình dài 12 tiếng từ Mỹ về Anh!

Vậy tại sao Capello lại ngoảnh mặt với Owen? Vì trong chiến thuật "cây thông" 4-3-2-1 mà ông áp dụng ở ĐT Anh, mẫu tiền đạo như Owen không thích hợp ở thời điểm này. Capello là một HLV hiện đại với những quan điểm bóng đá hiện đại. Mà bóng đá hiện đại thì đang tôn vinh hàng tiền vệ 5 người còn vai trò mũi nhọn trên cùng nhiều khi chỉ đóng vai "chim mồi" để tuyến giữa tìm kiếm bàn thắng. Hiện một Defoe sung sức được Capello đánh giá cao hơn một Owen chưa thể năng động khắp mọi nơi mà chỉ có thể rình rập săn bàn. Nhất là khi ĐT Anh đến Zagreb không đặt mục tiêu ghi bàn bằng tránh để thủng lưới. Trên sân nhà, Croatia chưa thua một trận chính thức nào. Nếu ra về với tỷ số 0-0 cũng có thể xem là thành công cho Capello.

Nhưng để làm được điều đó, họ cần phải hạn chế tối thiểu những sai lầm. Năm 2006, ĐT Anh của Steve McClaren đến đây với chiến thuật tiêu cực đến mức...5-3-2. Mọi chuyện suôn sẻ đến khi Paul Robinho chọn sai vị trí và bị Eduardo Da Silva đánh bại bằng cú đánh đầu nhẹ hều ở phút 61. Trong phần còn lại, với một đội hình quá thiên về phòng ngự, ĐT Anh không tài nào tạo được cơ hội gỡ hòa. Mà sai lầm như thế thì luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thử hình dung kịch bản họ lại bị Croatia dẫn 1-0. Ai sẽ lãnh nhiệm vụ khó khăn là đảo ngược tình thế bằng bàn gỡ hòa? Đáng lẽ, Capello vẫn nên gọi Owen vào đội hình dù chỉ là dự bị. Vì lúc khẩn cấp, ông vẫn có một con bài chắc chắn hơn nhiều những Walcott non nớt hay Heskey già nua!

Trung Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm