11/10/2011 07:01 GMT+7 | Âm nhạc
Đĩa nhựa (vinyl) ra đời cách đây hơn 70 năm và đến giờ vẫn chưa chết, chỉ có điều nó không có được một đời sống rộn ràng như CD hay nhạc số. Nếu như ngày xưa đĩa nhựa là thứ lựa chọn duy nhất của người nghe thì bây giờ nó chỉ còn là thứ để dành của dân sưu tầm hoặc những người mê âm thanh (audiophile). Âm thanh từ đĩa nhựa được xem là ông hoàng và cách nghe đĩa nhựa được xem là một thứ nghi lễ. Nghi lễ để thưởng thức một bữa tiệc tinh thần cho chính mình. Nghe đĩa nhựa như thể rửa tội, như thể sống chậm. Và khi cuộc sống càng tăng tốc, khi những chiếc iPod chứa được cả hàng nghìn bản nhạc thì chưa bao giờ đĩa nhựa bị lạc lõng trong thời đại kỹ thuật số. Tổ chức chuyên đề: NGUYỄN VIỆT CƯỜNG |
Chất lượng hay không chất lượng?
Hiện tại trong giới yêu nhạc vẫn đang tồn tại sự tranh luận gay gắt về độ hấp dẫn của âm thanh từ đĩa nhựa LP (long play) hay từ CD… Thế nhưng, bỏ qua các nhược điểm như dễ trầy xước, dễ mòn, phạm vi dải động hạn hẹp, bạn sẽ thấy một đĩa vinyl chất lượng cao được chơi trong một hệ thống âm thanh tốt vẫn luôn cho ra một màn trình diễn âm thanh tuyệt vời và nhiều người đánh giá rằng đó mới là đỉnh cao của âm thanh, các âm thanh từ kỹ thuật số không thể nào so sánh được. Tạm bỏ qua các quá trình phát triển chỉ để thấy một điều rằng âm thanh đĩa nhựa vẫn là thứ âm thanh trung thực nhất mà bất cứ những người yêu nhạc nào cũng muốn nghe và vì thế sự kiện Mỹ Linh ra vinyl lập tức tạo được sự chú ý rất lớn của nhiều người.
Hình ngoài cùng bên trái là chiếc đĩa của nữ danh ca Bạch Yến được hãng Polydor sản xuất tại Pháp và đến giờ người ta chưa biết giá trị của nó là bao nhiêu. Hình bên phải là đĩa nhựa Việt Nam sản xuất (trong Nam và ngoài Bắc) qua nhiều thời kỳ |
Mạng Nghe nhìn Việt Nam (VNAV) - nơi quy tụ hầu hết những audiophile (dân nghiện âm thanh) Việt Nam hết sức hăm hở chờ đón sản phẩm từ Mỹ Linh. Thậm chí ban quản trị còn được ê-kíp sản xuất của ca sĩ Mỹ Linh mời tới nghe thử bản LP tại một phòng nghe được setup kỹ lưỡng, đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để kiểm nghiệm chất lượng. Theo lời ban quản trị: “Thật bất ngờ, hầu hết những người tham dự buổi nghe thử đều hết sức phấn khích và thừa nhận chất lượng âm thanh tuyệt vời của bản LP Tóc ngắn Acoustic”.
“Nhóm nghe thử nghiệm rất ngỡ ngàng với chất lượng thu âm, phối khí của LP này so với các album LP kinh điển của nước ngoài, chứng tỏ khả năng hòa âm phối khí và chất lượng phòng thu của gia đình Mỹ Linh - Anh Quân đã đạt chuẩn mực quốc tế. Không gian âm nhạc rộng mở và rất có chiều sâu. Vị trí nhạc cụ rõ ràng, âm sắc rất rõ nét. Khi so sánh giữa CD và LP thì bản LP có khả năng thể hiện tốt hơn về độ động và phần trầm ấn tượng hơn rất nhiều. So sánh với các bản LP mà nhiều người từng đắm say thời gian gần đây như Susan Wong với LP 511, Jheena Lodwick với LP All My Loving... thì rõ ràng LP Tóc ngắn Acoustic của Mỹ Linh không hề thua kém về chất lượng mà có nhiều điểm vượt trội”.
Tuy nhiên sau đó (khi đĩa vinyl chính thức có mặt tại Việt Nam), trong phần tranh luận của các thành viên với nhau đã có rất nhiều ý kiến trái chiều, người đồng ý, người bất đồng. Có thành viên còn cho rằng với giá 1.500.000 đồng thì LP đôi này chưa thật sự thỏa mãn đôi tai (chưa kể với giá ấy có thể mua được một album vinyl chuẩn 180g của Diana Krall), thiết kế bìa vẫn khá non, gáy đĩa không có tên album, âm thanh chưa thật chuẩn, rồi chất lượng âm thanh với master làm từ digital vẫn chưa phải là thứ âm thanh tinh tuyền mà LP mang lại… Có rất nhiều ý kiến nhưng tiếc rằng, cuối cùng chủ đề tranh luận này bị đóng lại không rõ lý do.
Theo thông cáo báo chí thì ấn bản đĩa nhựa của Tóc ngắn Acoustic - Một ngày hoàn toàn được sản xuất tại Mỹ. Người “đứng máy” hoàn thiện toàn bộ phần âm thanh của album và thực hiện công đoạn master là chuyên gia âm thanh nổi tiếng Hollywood, Doug Sax.
Một thời gian sau, trên diễn đàn của trang nhạc Giai điệu xanh có một bài phân tích của tác giả Đắc Tâm, cho rằng đây vẫn chưa thực sự là một đĩa đúng chuẩn. “Điều cần phải nói rõ thêm ở đây là âm thanh được ghi âm trên đĩa nhựa là âm thanh analog. Để có được âm thanh analog thì âm thanh phải được ghi trên băng từ (magnetic tape), nhưng nếu được ghi trên băng kỹ thuật số (DAT - digital audio tape) hoặc chuyển vào hard disc recorder (đầu thu đĩa cứng) qua bộ digital audio interface (bộ giao diện âm thanh kỹ thuật số) thì âm thanh không còn là analog nữa mà đã trở thành digital rồi! Mà âm thanh, khi đã được ghi bằng kỹ thuật số, nếu được sản xuất ra đĩa nhựa LP thì chất lượng âm thanh chẳng khác gì so với audio CD, mà không chừng âm thanh nghe ồn hơn audio CD do âm thanh đầu kim chạy trên rãnh của đĩa nhựa”.
Về điều này thì anh Tuấn, chủ cửa hàng Audiophile khá tiếng tăm với dân mê đĩa ở Sài Gòn, cho rằng: “Có khá nhiều vinyl quốc tế sau này phát hành master là từ digital và tôi cũng không nghĩ chuyện đó là quá quan trọng”.
Nhạc sĩ Lương Dũng, nguyên giám đốc của nhà xuất bản Âm nhạc (hãng đĩa Dihavina) nhìn nhận ở khía cạnh khác. “Ngày trước, phải nói thật lòng, những chiếc đĩa nhựa của Dihavina phần lớn là được làm theo chỉ đạo chứ sức mua của nó rất thấp. Nhưng vẫn phải làm và đến giờ, theo tôi, những đĩa ấy có giá trị khá lớn về mặt thời gian, còn về chất lượng thì vẫn chưa thể bằng những đĩa nhựa đúng đẳng cấp. Ở Việt Nam trước đây chưa từng có những dây chuyền sản xuất đĩa tốt và sau này điều đó sẽ lại càng khó khăn hơn. Chính vì thế chúng ta vẫn phải mở lòng với sản phẩm của Mỹ Linh, tôi rất hy vọng đó sẽ là sự đột phá”.
Đĩa nhựa Tóc ngắn acoustic - Một ngày của ca sĩ Mỹ Linh
(sản xuất 1.000 đĩa, phát hành 2011)
Khi nào thì đột phá?
Trước đây, vào thời hoàng kim của đĩa nhựa (cùng thời với băng cối và trước băng cassette, những năm từ 1950 - 1980), ở phía Bắc Việt Nam cũng có một hãng ghi âm của Bộ Văn hóa tên là Đĩa hát Việt Nam, tên giao dịch là Dihavina. Ở phía Nam trước giải phóng cũng có các nhà xuất bản sản xuất loại đĩa này, sau này ở TP.HCM có xí nghiệp Đĩa hát TP.HCM (tiền thân của Sài Gòn Vafaco sau này). Sản phẩm của Dihavina không nhiều và kém chất lượng, bây giờ khó còn bản nào có thể sử dụng được. Sản phẩm của các nhà xuất bản phía Nam do sử dụng công nghệ tốt hơn nên cho ra sản phẩm chất lượng hơn về mặt tái tạo âm thanh.
Nhạc sĩ Lương Dũng nhận xét: “Tôi thì nghĩ rằng, chất lượng vinyl của Dihavina là tốt nhất ở Việt Nam thời bấy giờ. Vì chúng tôi mang băng master sang Tiệp Khắc để sản xuất hàng loạt. Lúc đó Dihavina được hãng Suprafon nhận đào tạo kỹ thuật, đạo diễn âm thanh và sản xuất đĩa hát cho Dihavina theo nghị định ký kết hợp tác giữa hai Bộ Văn hóa Việt Nam và Bộ Văn hóa Tiệp khắc. Sau năm 1975 mới sản xuất phần nào tại TP.HCM”. Dân mê nhạc hẳn chẳng lạ gì hãng đĩa Suprafon của Tiệp Khắc. Trong thú chơi đĩa, thì các đĩa xuất xứ từ các nước XHCN ngày xưa bao giờ cũng có giá thấp nhất. Tuy nhiên, đĩa của Suprafon nếu còn ngon lành, ít trầy xước vẫn có thể bán được 200.000 đ/đĩa.
Công nghệ sản xuất đĩa nhựa ở Việt Nam khá cồng kềnh, phải qua nhiều công đoạn. Lo nhất là về kỹ thuật khi phải xử lý giải tần hẹp, kỹ thuật âm thanh thì hạn chế, tạp âm nhiều, qua mỗi công đoạn sản xuất thì chất lượng giải tần lại bị suy giảm… Thời điểm những năm 1980, Dihavina có xin Nhà nước tiền để đầu tư chất lượng âm thanh và sản xuất nhưng trong hiện trạng kinh tế khó khăn lúc ấy, điều này là bất khả thi. “Ngay cả cái máy ép đĩa để sản xuất hàng loạt mà chúng tôi cũng không có máy nào cho tử tế thì hỏi làm sao đĩa vinyl Việt có đẳng cấp được”, nhạc sĩ Lương Dũng bày tỏ.
Thời điểm những năm 1985 trở về trước, ngoài các sản phẩm trong nước (đa phần là nhạc cổ điển, thính phòng, nhạc dân tộc), thì nguồn đĩa nhựa chính mà người Việt Nam sử dụng là của nước ngoài (phía Bắc chủ yếu sử dụng đĩa nhựa do Liên Xô cũ và các nước Đông Âu sản xuất, phía Nam chủ yếu sử dụng đĩa nhựa do các nước phương Tây sản xuất). Nhưng khi băng cassette ra đời, thì đĩa nhựa Việt gần như biến mất. Hiện trên nhiều trang mua bán, các đĩa nhạc Việt đang săn lùng rất gắt gao và có nhu cầu mua rất lớn. Thế nhưng, người thì giữ để sưu tầm và nếu có “nhả” thì giá cũng rất chát và điều đó cứ tiếp tục tạo nên những cơn sốt đĩa nhựa.
Bên cạnh đó, những người từng sản xuất đĩa nhựa ở Việt Nam trước đây đều cho rằng rất khó để sản xuất đĩa nhựa tại Việt Nam cho dù ai cũng biết âm thanh của nó là trung thực nhất. Đi kèm với đĩa nhựa là cả một vòng quay, nhà máy sản xuất, thị trường máy quay đĩa, phụ kiện đi kèm, người nghe đại trà và giá thành sản xuất. Và như thế, có rất ít những tia hy vọng về sự đột phá của thị trường đĩa nhựa sản xuất tại Việt Nam và những ai mê nó chỉ còn cách tìm lại những giá trị cũ và tìm mua những tên tuổi mới ở nước ngoài.
Bài 2: Đĩa nhựa - Tình yêu không tuổi
Cung Tuy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất