08/01/2012 13:15 GMT+7 | Thể thao
(TT&VH)- Solo từng hát: “Có Cannavaro, có người đội trưởng”. Người danh ca ấy đã dành cả một bản ballad cho riêng Cannavaro. Ở Tân Sơn Nhất, các tifosi Việt Nam hát điệp khúc “po po po po” mà những người hâm mộ Italia đã ca lên ở World Cup 2006 bất hủ. Còn trên sân Thống Nhất, không có bản nhạc nào cho anh, trừ những nụ cười và tiếng chạm bóng từ chân anh.
Hai lần cáu của Fabio
Fabio đáng yêu có vẻ hơi giận dữ. Nụ cười vẫn nở trên môi anh, nhưng dường như khi không hài lòng (giống như cách anh đối xử với các tiền đạo đối phương), anh hơi nhăn mặt. Điều ấy xuất hiện hai lần trong buổi sáng anh đến xem một buổi tập và sau đó hướng dẫn các cầu thủ nhí U15 của trường năng khiếu bóng đá thành phố Hồ Chí Minh.
Lần thứ nhất, Cannavaro tự cáu với chính mình khi thay đồ thể thao để chuẩn bị xỏ giày ra sân đá với lũ trẻ: anh mang nhầm giầy. Đôi giầy cả hai chân đều là chân phải, trong một sự cố mà anh bảo là chưa từng mắc phải trong rất nhiều năm sử dụng loại giày ấy. Nó trở nên đặc biệt và Fabio luôn mang đi theo mình ở bất cứ đâu, bởi trên đôi Nike màu trắng, có thêu rất đẹp ở một cạnh tên của ba con anh, Christian, Martina và Andrea. Anh bảo: “Đây sẽ là lần đầu tiên các con tôi không ở cùng tôi trên sân trong một trận đấu”.
Nhưng lũ trẻ con anh chắc chắn sẽ không buồn nếu chúng biết cha chúng đã trở thành một hình tượng sống như thế nào trong mắt lũ trẻ Việt Nam chỉ với gần một tiếng buổi sáng trên sân. Mà thực tế chúng vẫn luôn bên anh, bởi tên của chúng cũng như tên vợ anh, Daniela, đã được xăm lên tay trái anh. Lần thứ hai, khi tôi nhắc Cannavaro, rằng có một cậu bé không được đá vì thừa người, khi đội đã chia làm đôi đá với nhau và anh là thành viên của một đội trong đó, Cannavaro bảo chúng tôi đưa cậu bé ấy đến và kêu lên với tôi: “Tại sao cậu bé này không được đá cùng với tôi? Thật là bất công. Tại sao không nói với tôi để cậu bé được chơi?”. Linh, tên cậu bé, đã nở một nụ cười hạnh phúc đến choáng ngợp, bởi cậu là người duy nhất trong cả đội được chụp riêng với Cannavaro. Cậu đã vô cùng buồn bực khi đứng đường piste theo dõi trận đấu tập của đồng đội và không có cơ hội dù chỉ một lần được chuyền bóng cho một trong những thần tượng của cậu (người kia là Cristiano Ronaldo). Đấy sẽ là một trong những ngày hạnh phúc nhất đời cậu.
Cannavaro là như thế đấy. Cậu bé Cannavaro được sinh ra ở phường Loggetta, cách sân San Paolo luôn nóng bỏng và rực lửa ở Napoli dăm trăm mét, hơn 20 năm trước cũng loẻo khoẻo như những cậu bé Việt Nam anh đã gặp trong một buổi sáng ngắn ngủi ở sân Thống Nhất. Anh từng là trẻ nhặt bóng ở San Paolo dõi theo thần tượng Maradona, để rồi bây giờ cũng trở thành một huyền thoại như số 10 Argentina, hơn thế nữa, là “hàng xóm” của Diego vĩ đại ở giải vô địch UAE. Giờ thì lũ trẻ và cả HLV đội U15 Lê Thanh Tùng, người thú nhận với Cannavaro là ông thần tượng anh và ông cũng từng là một trung vệ, cũng đang nhìn anh đóng vai thầy của mình và đang mang trong mình nỗi khát khao của chính cậu bé Cannavaro 20 năm trước ngây người ngắm Maradona từ đường piste: trở thành một cầu thủ lớn của bóng đá thế giới. Cannavaro chỉ các cậu bé trên sân và bảo tôi, rằng thể lực và vóc người chỉ là một phần của cuộc chơi. Bản thân anh không cao, nhưng điều quan trọng chính là khả năng phán đoán tình thế và đánh chặn. Sự thật là Fabio chỉ lãng mạn trong nụ cười. Trên sân cỏ, anh là chàng hậu vệ ít hào hoa hơn Maldini, Baresi và Nesta. Nhưng anh cũng như những người kia cùng sở hữu một đặc tính bằng vàng của truyền thống phòng ngự Italia: chơi bằng đầu, theo cả nghĩa đen và bóng. Thế hệ của anh là như thế, và anh, một hậu vệ thấp đậm, đã một ngày lên đỉnh thế giới nhờ luôn cao hơn đối phương một cái đầu hoặc đôi khi chỉ một tích tắc.
Anh sẽ đưa Napoli đến Việt Nam?
Những gì anh làm với lũ trẻ ở sân Thống Nhất là đưa ra các bài tập phòng ngự cơ bản nhất. Nhưng liệu có tồn tại những Cannavaro mới và liệu có thể tìm thấy ở Việt Nam, từ những cậu bé này? Fabio cười: “Tôi không biết, nhưng tôi sẽ nói với những đứa trẻ muốn trở thành Cannavaro rằng chúng cần phải biết hy sinh và không bao giờ đầu hàng”. Điều ấy thì Fabio có thể đã nói với con trai lớn Christian. Trong bữa ăn sáng trước khi ra sân, tôi hỏi anh về Christian, cậu bé đã ngủ trên giường anh cùng với chiếc Cúp vàng vô địch thế giới vào đêm mà Italia đăng quang trên đất Đức. Người cha của đứa trẻ 12 tuổi và đang mang trên vai cái họ của một huyền thoại cười và bảo rằng: “Andrea (con út của anh-A.N) không mê bóng đá. Nhưng Christian thì có, và nó muốn trở thành một cầu thủ lớn như tôi”. Điều ấy không dễ dàng với bất cứ đứa trẻ nào có cha quá thành đạt.
Nhưng ngay cả những đứa trẻ có cha là người bình thường mà anh đá cùng vào một buổi sáng nóng nực ở Sài Gòn cũng cảm thấy điều đó là một thách thức khủng khiếp. Những thách thức ấy, anh đã vượt qua tất cả, để rồi một ngày ở đây, trở thành thần tượng của biết bao người. Bố của một cậu bé 4 tuổi gốc Nghệ An đã đưa con ra để được Cannavaro chạm vào với hy vọng cậu bé sẽ trở thành một Cannavaro mới. Một cô gái trẻ đã khóc khi được Cannavaro ôm hôn. Những thanh niên đã ùa về phía anh chỉ để nhìn thấy anh mà có rất ít hy vọng xin được chữ kí vì có quá nhiều người cùng mục đích như họ. Cannavaro đã làm sân Thống Nhất chiều thứ bảy trở nên nóng bỏng khi dự khán trận Saigon FC-Hoàng Anh Gia Lai. Anh thậm chí đã rời sân muộn gần nửa tiếng so với dự định ban đầu, bởi anh bảo anh thích thế. Anh tò mò chứng kiến những pha bóng, ngắm những khán đài đầy tiếng trống, cười rất tươi khi những cô gái ríu rít quay về phía anh chụp ảnh và vui vẻ kí vào vai một nữ cổ động viên. Vậy cảm giác của anh về bóng đá Việt Nam thế nào? “Trận đấu sôi động, khán giả cuồng nhiệt. Đấy là cơ sở cho sự phát triển của bóng đá ở bất cứ đâu”.
Giữa những đoạn nói chuyện ngắn của chúng tôi là Napoli. Người đội trưởng xuất sắc của Italia ở World Cup 2006 có một tiếc nuối duy nhất: anh không thể kết thúc sự nghiệp ở đội bóng anh đã khởi đầu. Anh nhớ đến khu Posilipo nhìn ra vịnh Napoli đã từng có villa của anh ở đó. Anh bật cười khi tôi hỏi về một chính trị gia cánh hữu tranh cử chức thị trưởng Napoli đã từng tuyên bố sẽ bổ nhiệm anh làm Giám đốc sở chính sách thanh niên của thành phố. Anh tỏ ra vui hơn nữa khi biết tờ báo xuất bản ở Napoli, Il Mattino, từng tôn anh lên làm bậc vĩ nhân, muốn nhờ tôi phỏng vấn anh về chuyến thăm Việt Nam, đất nước mà nhiều người Ý vẫn chưa biết là đang nằm đâu trên bản đồ. Anh cười khi tôi gửi đến anh lời chào của người bạn cũ cùng đội thiếu niên Napoli với anh, Fabio Cappiello, hiện đang sống và làm việc ở Việt Nam sau khi lập gia đình với một cô gái Việt. Và rồi anh bỗng nhiên hỏi tôi: “Cậu nghĩ thế nào nếu một ngày nào đó, tôi đưa đội Napoli đến Việt Nam”. Napoli đến đây, tại sao không?
Anh Ngọc (Thành phố Hồ Chí Minh)
Buổi giao lưu của Cannavaro với đội năng khiếu U15 TP.HCM:
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất