Cải lương 'nghe ngóng' Tết

17/11/2021 18:44 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sân khấu cải lương quanh năm èo uột, nhưng Tết Âm lịch vẫn là dịp để anh chị em nghệ sĩ dựng vở, không chỉ vì mong muốn được diễn một tuồng trọn vẹn, mà còn là tấm lòng với tổ nghề.

Cải lương cần những 'kẻ điên' như thế!

Cải lương cần những 'kẻ điên' như thế!

Suốt nhiều năm qua, kể từ đầu thập niên 1990, có rất nhiều hội thảo kêu gọi hành động chấn hưng cải lương. Thế nhưng càng họp bàn, đời sống của cải lương ngày càng sa sút - khi chính các nghệ sỹ cải lương không thể sống với nghề theo trọn vẹn ý nghĩa của nó.

Mọi năm là vậy, nhưng vì Covid-19, không khí cải lương mùa Tết năm nay ở khu vực phía Nam có vẻ đìu hiu, vì đến nay mới chỉ có Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dựng vở mới, các đoàn tư nhân vẫn im hơi lặng tiếng, nghe ngóng tình hình.

Theo thông lệ, tầm tháng 11 Dương lịch, hoặc sớm hơn 1, 2 tuần, các đoàn cải lương phía Nam đã phúc khảo xong tuồng mới để diễn dịp Tết. Nhưng kể từ mùa Tết 2021, việc hát Tết đã trở thành một dấu chấm lửng, vì giãn cách xã hội do Covid-19. Tình hình khó khăn ấy tiếp tục diễn ra trong mùa Tết năm nay.

Tuy nhiên, cũng có một số nghệ sĩ linh hoạt với hoàn cảnh, để tìm cơ hội làm nghề.

Đoàn tư nhân gặp khó khăn về kinh phí

Khi lệnh nới lỏng giãn cách được ban hành, ngay lập tức Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang lên sàn tập cùng lúc 3 vở: Đứa con họ Triệu, Người yêu của đảo chúa, Tiếng trống Mê Linh. Các nghệ sĩ tham gia 3 tuồng này đều phải được chích 2 mũi vaccine, được xét nghiệm mỗi lần lên sàn tập, đeo khẩu trang ngay cả lúc diễn. Thậm chí phải đeo khẩu trang ngay cả lúc phúc khảo.

Chú thích ảnh
Vở “Đứa con họ Triệu” đã chuẩn bị sẵn sàng cho dịp Tết 2022. Ảnh: Đông A

Đây là 3 vở diễn nằm trong kế hoạch diễn dịp Tết 2022, nhưng theo giám đốc Phan Quốc Kiệt, cũng cần chờ lệnh từ Chính phủ. Khi nào sân khấu được phép mở cửa thì mới diễn, còn không xếp kho chờ đợi tiếp.

Sở dĩ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang có thể chuẩn bị sẵn các vở, dù chưa biết khi nào mới được công diễn, là vì họ có nguồn kinh phí từ Nhà nước. Các đoàn cải lương tư nhân thì “đồng tiền đi liền khúc ruột”, nên bầu gánh phải chắt chiu, cẩn thận đầu tư từng vở diễn, tránh tình trạng xếp kho.

Nếu quyết định dựng tuồng là phải lo trả lương cho tác giả, đạo diễn, diễn viên, thiết kế cảnh trí, ánh sáng và nhiều khâu khác nữa. Nếu như tập tuồng xong mà không được công diễn thì nguồn kinh phí đã đầu tư xem như mất trắng. Vậy nên các đoàn như Đại Việt, tuồng cổ Huỳnh Long, Chí Linh - Vân Hà, sân khấu Kim Ngân… vẫn đang “án binh bất động”, phải linh hoạt với hoàn cảnh, dù đam mê cháy bỏng. Nếu hết tháng 12/2021 mà tình hình dịch bệnh hoàn toàn ổn định, họ sẽ lao vào tập luyện, còn không thì tiếp tục nghỉ hát.

Sân khấu Chí Linh - Vân Hà có sẵn vở Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài từ đầu năm 2021, đã dời hợp đồng biểu diễn với Nhà hát Thành phố sang sau Tết Âm lịch, dự kiến tái diễn vào 12 tháng Giêng. Còn Đoàn Cải lương Tuồng cổ Minh Tơ thì đang sẵn sàng trở lại với vở Lưu Bị cầu hôn Giang Tả. Còn thực tế đến thời điểm đó có được diễn hay không vẫn là dấu hỏi còn bỏ ngỏ, phải tiếp tục chờ đợi.

Linh hoạt để tồn tại

Nhìn chung, phần lớn anh chị em nghệ sĩ cải lương đang buồn vì cơ hội hát ở thời điểm tốt nhất trong năm là mùa Tết đang rất mong manh. Nhưng cũng có một số anh chị em nhờ được yêu mến, nhờ nhạy bén, đã bắt đầu có đất diễn ngay sau khi có lệnh chấp nhận đời sống bình thường mới. Nghệ sĩ Linh Trung được mời dàn dựng và hát cho các hoạt động văn nghệ của ngành phòng cháy chữa cháy tỉnh Bình Dương, được mời vào chương trình nhà nông của Đài Truyền hình Hậu Giang. Nghệ sĩ Bình Tinh được mời vào trò chơi truyền hình ẩm thực Đất sen hồng của Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp...

Chú thích ảnh
Vở cải lương tuồng cổ “Lưu Bị cầu hôn Giang Tả” cũng hy vọng trở lại. Ảnh: Đông A

Nhìn chung, khán giả của miền Đông và miền Tây Nam bộ rất mê nghệ sĩ cải lương. Vậy nên các đài tỉnh vẫn mời các ngôi sao cải lương về tham gia các chương trình và quảng cáo để tạo sức hấp dẫn. Ví dụ như chương trình quảng cáo phân bón, thuốc trừ sâu, hướng dẫn nhà nông kỹ thuật canh tác… cũng thường mời nghệ sĩ cải lương tham gia.

Một số nghệ sĩ trẻ năng động hơn thì tham gia mạng xã hội, giao lưu với khán giả trực tuyến, hát cho họ nghe và được tặng tiền. Số khác mở kênh YouTube tường thuật lại các sinh hoạt ca hát và đời thường của họ. Những người mở kênh từ lâu, có số lượt đăng ký nhiều, cũng có thu nhập, đủ để trang trải căn bản cho cuộc sống thường nhật, duy trì tình cảm với khán giả.

Trong lĩnh vực cải lương, soạn giả và hậu đài là các nhóm gặp khó khăn nhiều nhất. Dù vậy, năm 2021 đã rục rịch Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc, nên các đoàn khắp cả nước đặt tuồng tích nhiều, soạn giả nào viết cứng tay sẽ có cơ hội nhiều việc làm. Mặc dù vì lý do dịch bệnh, liên hoan này được dời sang năm 2022, nhưng các đoàn vẫn cần kịch bản mới để chuẩn bị.

Soạn giả Hoàng Song Việt chia sẻ: “Khó khăn là một tình cảnh mà nghệ sĩ cải lương đã quá quen thuộc trong nhiều năm nay. Giờ đây, mọi thứ đều ngưng trệ, toàn xã hội ai cũng khó khăn như nhau, nên nỗi buồn cũng không thê thảm gì cho lắm. Nhưng nghệ sĩ thì ai cũng thèm được hát, nhất là hát trong dịp Tết. Với tư cách soạn giả, tôi may mắn là vẫn được âm thầm cống hiến, nhờ viết tuồng cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, viết các trích đoạn hoặc tuồng dài cho hải ngoại, cho anh chị em nghệ sĩ làm video, quay YouTube. Đặc biệt, Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc sắp tới cũng là cơ hội tốt để anh chị em làm nghề. Những cơ hội này sẽ giúp cho cải lương bớt rơi vào quên lãng”.

Tam Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm