04/08/2016 07:03 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Hai tháng trước, Aiden Webb, chàng thanh niên 23 tuổi người Anh, gặp nạn và qua đời trong hành trình khám phá đỉnh Fansipan của Việt Nam. Thi thể Aiden được tìm thấy và bàn giao cho gia đình để đưa về Anh an táng. Rồi 2 tháng sau, ngày 2/8 vừa qua, một lễ tưởng niệm đã được người thân và bạn bè Aiden tổ chức tại quê nhà.
1. Chuyện ủng hộ những đồng bào đang gặp khó khăn không phải là cái cái gì quá xa lạ với chúng ta.Và trong đó, sự tham gia của các tổ chức quốc tế cũng không phải là thiểu số. Nhưng với trường hợp của gia đình Aiden, đã có tờ báo điện tử gọi đây là câu chuyện "không tưởng".
Lực lượng cứu hộ di chuyển thi thể nạn nhân bằng cáp treo. Ảnh: Hương Thu - TTXVN
Không tưởng, bởi dù có sự khác biệt về văn hóa và truyền thống, hẳn gia đình và bạn bè của Aiden đều giống với người Việt ở nỗi đau dai dẳng khi mỗi lần nhớ lại tai nạn khủng khiếp này. Bởi, ngoài sự mất mát, những diễn biến đột ngột về cảm xúc từ khi Aiden mất tích cho tới ngày tìm thấy thi thể cậu cũng là một bi kịch đặc biệt với người thân của cậu - điều mà chắc chắn, không ai muốn trải qua trong cuộc đời mình.
Và, khi sự ra đi của Aiden, cũng như những sang chấn tâm lý với người ở lại, đều gắn với cái tên Fansipan của Việt Nam, một phản ứng tự nhiên rất dễ xảy ra: tâm lý muốn chối bỏ, để bớt phải nhìn lại nỗi đau trong quá khứ. Là chúng ta, chúng ta hẳn sẽ không hề muốn tới mảnh đất ấy một lần nữa, hoặc không muốn nghe nói về cái tên ít nhiều là khởi nguồn cho bi kịch của người thân mình.
Thậm chí, cũng dễ hiểu (và nên được thông cảm), nếu với nỗi đau ấy, gia đình của Aiden có những lời bày tỏ sự thiếu thiện cảm của họ với mảnh đất Việt Nam.
Thế nhưng, những gì được đưa ra lại là lời cám ơn tới những người Việt Nam đã giúp đỡ gia đình trong việc tìm kiếm Aiden. Và như khẳng định từ gia đình, họ muốn thông qua quỹ từ thiện để gửi một lời cám ơn thiết thực nữa tới đất nước này. Tức là bằng hành động - mà cụ thể trước mắt là dì của Aiden sẽ đi bộ để gây quỹ.
2. Có một điểm khác biệt giữa câu chuyện của Aiden với những trường hợp tương tự: đó là chuỗi thời gian 6 ngày kể từ khi cậu mất tích, cho tới khi thi thể được tìm ra.
6 ngày ấy là nỗi đau đớn của gia đình, nhưng cũng gắn liền với chuỗi ngày vất vả lật tìm từng bụi cây, từng khe đá của những người Việt Nam. Họ là bộ đội biên phòng, là cán bộ kiểm lâm ở rừng Hoàng Liên Sơn, là những người dân Hmong tại Xín Chải. Và cả những phượt thủ say mê du lịch bụi, khi nghe câu chuyện đã cùng tập hợp, tìm đến Fansipan để góp sức cho cuộc cứu nạn này.
Tất nhiên, sự nhiệt tình ấy, ít nhiều đến từ "trách nhiệm" của đội chủ nhà. Nhưng, chắc chắn, vẫn phải bổ sung thêm một lý do nữa: sự thông cảm, chia sẻ một cách rất con người, giữa chúng ta với gia đình của Aiden.
Nhiều tờ báo đã nhắc tới sự bông đùa, hoặc những tranh cãi rất "trời ơi", quanh việc Aiden mất tích. Nhưng, nếu đọc lại những gì xuất hiện trên không gian mạng vào thời điểm ấy, chúng ta sẽ thấy không ít những lời than tiếc và chia sẻ chân thành mà cộng đồng dành cho gia đình cậu.
Bởi, lại một lần nữa phải nhắc tới điểm chung về cảm xúc của con người: cũng như gia đình và bạn hữu của Aiden, chúng ta đều hiểu rõ sự đau đớn và âu lo, khi người thân của mình mất tích và có thể đã chết tại một mảnh đất lạ, cách gia đình hàng ngàn cây số.
Người Việt vốn giàu tình cảm, và trong một chừng mực nào đó là duy tình. Có thể, ở một bối cảnh nào đó, đấy là nhược điểm. Nhưng, ở câu chuyện này, sự giàu tình cảm ấy lại là lý do để nhiều người sẵn sàng chia sẻ, hoặc trực tiếp tham gia vào việc tìm kiếm Aiden như đã kể.
Bởi thế, câu chuyện đáng buồn ấy đã có một cái kết đẹp, khi gia đình Aiden tin rằng trong sự cố, những người Việt Nam vẫn sẵn sàng chia sẻ với họ bằng tình người.
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất