10/12/2011 07:00 GMT+7
(TT&VH Cuối tuần) - 1. Quê tôi có một bà làm nghề hàng xáo (buôn gạo) bị dị tật ở mũi. Sống mũi bà ta bẹt hẳn xuống và không có cánh mũi, chỉ có hai lỗ mũi sâu hoắm. Sau này, chúng tôi mới biết bà bị “cam tẩu mã” (một loại bệnh viêm làm sụp mũi), chứ suốt cả tuổi thơ, chúng tôi luôn bị dọa rằng vì bà ấy buôn gian bán lận nên quỷ sứ đã hiện lên, giằng lấy cái đấu đong gạo, đập bẹt mũi bà ta để trị tội.
Bà hàng xáo có buôn gian bán lận không, cho đến nay, chúng tôi không biết, nhưng trong thời bao cấp khó khăn, chả cứ một đấu, chỉ một nắm gạo gian lận thôi cũng thành chuyện to rồi. Mà thương lái ở xứ ta thì có “truyền thống” là gian lận.
Tôi rất ám ảnh với chuyện Cái cân thủy ngân (đã dựng thành phim hoạt hình). Nhà nọ cho thủy ngân vào trong một cán cân rỗng để gian lận khi cân, kết quả là con cái bị quả báo. Đến khi bẻ cái cân đi thì thủy ngân đã biến thành cục máu.
Xem ra, dân gian căm ghét buôn gian bán lận đến tận xương tủy.
Ảnh minh họa
2. Thời nay, mặc dù đã có các phương tiện đo lường hết sức tiện dụng và chính xác đến từng miligam, nhưng không vì thế mà việc đo đếm đã minh bạch hơn. Chứng cớ là người bán hàng rong có thể cho bạn lựa chọn về giá và cân: trả giá đủ thì cân đủ, mặc cả lắm thì cân... tám lạng. Giá nào thì cân đó.
Sự gian lận không chỉ có ở những người buôn thúng bán mẹt. Không ít những cây xăng bày trò gắn chíp điện tử và nhiều thủ đoạn khác để bớt xén xăng của khách. Đáng quan ngại là nhiều chủ cây xăng lại coi đó là một thủ pháp kinh doanh, chứ không phải một trò đê tiện, đáng bị quỷ sứ đập cái đấu vào mặt.
Hôm 6/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Luật Đo lường, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2012, theo đó, luật cho phép phạt từ 1-5 lần số tiền thu lợi bất chính từ việc cân đo gian lận, cùng một số biện pháp xử phạt bổ sung khác.
Nhưng theo tôi, xử phạt một hành vi vi phạm vừa mang tính chiếm đoạt tài sản của người khác, vừa vi phạm nghiêm trọng về mặt đạo đức như vậy vẫn còn nhẹ. Nếu pháp luật hiện đại không cho phép “đập cái đấu vào mặt” như luật cõi âm, hay chịu quả báo đến đời con cháu như chuyện Cái cân thủy ngân, thì cũng cần phải xem xét tước quyền hành nghề vĩnh viễn đối với những người vi phạm.
3. Lề luật cũ có lời răn như sau: “Nếu ngươi đong cho người khác bằng cái đấu nào thì Cha các ngươi ở trên trời cũng đong cho ngươi bằng cái đấu đó”. Cái “đấu” ở đây không còn là công cụ về thương mại nữa, mà nó còn là công cụ đo đếm tình yêu thương và đối xử công bằng trong các quan hệ giữa người với người.
Và chúng ta luôn nhớ rằng biểu tượng của công lý cũng là một cán cân. Và sự công bằng ở cán cân công lý dĩ nhiên không thể điều chỉnh bằng Luật Đo lường.
Nobita
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất