Cái ăn của người Đông Sơn (kỳ 4): Cơm xôi Đông Sơn

20/06/2024 09:28 GMT+7 | Văn hoá

Kết quả nghiên cứu từ các hạt gạo, thóc khảo cổ học do chúng tôi gom được từ các di tích, di vật Đông Sơn đã đưa ra một nhận định rất thú vị: Hầu như toàn bộ thóc lúa từ 4.000 năm đến khoảng 2.000 năm trước trong các địa điểm khảo cổ học Việt Nam đều có dạng hạt bầu (large type).

1. Cho đến cuối thế kỷ 20, về cơ bản, nghiên cứu phân loại thóc lúa trồng (loài Orisa Sativa) vẫn dựa vào kích thước loại hình chứ chưa có tiếp cận bằng genetic (gene). Chúng tôi chịu ảnh hưởng bởi cách phân loại có tính thuyết phục cao của giáo sư lịch sử nông học Nhật Bản Todayo Wantabe: dựa vào những phát hiện dấu tích lúa trong các di tích khảo cổ học có niên đại chắc chắn.

Theo đó, ông chia lúa trồng ra làm ba loại hình chính tương ứng với tỷ lệ chiều dài trên chiều rộng hạt thóc hay gạo: Dạng hạt tròn (round type), dạng hạt bầu (large type) và dạng hạt dài (slinder type). Dạng hạt tròn tương ứng với dạng japonica (lúa phương Bắc), nhiều nhựa, dạng hạt dài tương ứng dạng indica (lúa phương Nam) ít nhựa và dạng trung gian là loại hạt bầu (japonica-like). Lúa nếp Việt Nam thuộc dạng hạt bầu này trong khi lúa tẻ hay lúa "ma" thuộc dạng hạt dài.

Cái ăn của người Đông Sơn (kỳ 4): Cơm xôi Đông Sơn - Ảnh 1.

Vết in lúa nếp bên trong chiếc trống đồng phát hiện ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Sưu tập CQK (California, Mỹ)

Như vậy, hóa ra thói quen ăn nếp và luôn dùng nếp như một món ăn dành cho tổ tiên khi cúng (xôi, oản, các loại bánh trưng, dày…) có nguồn gốc xa xưa rất chân thực.

Tôi muốn các bạn dừng lại ít phút để cùng ngắm nghía một trong hàng trăm bức ảnh tôi chụp từ vết in những giạ lúa còn hằn lại rõ nét đến từng sợi gân, râu lúa trong lòng một trống đồng Đông Sơn. Đối với các nhà nông học, đây là hình ảnh tiêu biểu, đặc trưng của nếp nương hiện còn thấy phổ biến trong nhiều dân tộc miền núi Việt Nam.

Cùng với những hình khắc trên trống, thạp đồng và các hiện vật khai quật trực tiếp từ các khu mộ táng Đông Sơn thì chu trình từ ruộng lúa đến bữa cơm xôi Đông Sơn đã hiện ra rất gần gũi: Lúa nếp trồng đại trà ở những chân ruộng phù sa tốt nhất trong điều kiện cho phép giữa tương quan dân số và đất lúa. Chân ruộng phù hợp để duy trì lúa nếp trong các làng bản luôn là các chân ruộng ven làng. Đấy là loại thế đất ruộng không quá thấp để bị ngập nước nhưng cũng không quá cao để luôn giữ được độ ẩm quanh năm. Nhưng quan trọng nhất, ruộng ven làng là nơi luôn nhận được chất thải hữu cơ do dân cư, gia súc trong làng đổ ra như một dạng phân hữu cơ tuần hoàn nuôi dưỡng đất nếp.

 Lúa chín theo mùa (lúa mùa) ở nước ta muôn thuở là mùa Thu nhờ những cơn mưa trời Hè Thu tưới tắm. Và Rằm Trung Thu chính là Tết lúa mới đó với cốm non và các nghi lễ kèm theo gắn với Chị Hằng, Chú Cuội…

"Hóa ra, thói quen ăn nếp và luôn dùng nếp như một món ăn dành cho tổ tiên khi cúng có nguồn gốc xa xưa rất chân thực" - TS Nguyễn Việt.

2. Trong bộ đồ đồng Đông Sơn có một bộ dao cắt lúa làm bằng những phiến đồng mỏng có hai lỗ buộc dây, hoặc hay quai đồng đúc liền để xỏ vừa ngón tay cái. Nhiều dao hái được trang trí rất đẹp. Xin đừng đơn giản xếp bộ dụng cụ này vào bộ đồ nông cụ sản xuất của người trồng lúa Đông Sơn. Thực nghiệm cắt lúa với những dao này thì cả ngày chỉ được chục cân lúa mà thôi. Quan sát nghi lễ tâm linh về tín ngưỡng thờ Mẹ Lúa, có thể nhận ra hậu duệ của những dao này ở nhiều nhóm dân tộc trồng lúa miền núi nước ta.

Cái ăn của người Đông Sơn (kỳ 4): Cơm xôi Đông Sơn - Ảnh 3.

Bộ dụng cụ dùng trong nghi lễ cắt bông cúng lúa mới (Sưu tập Bảo tàng Phạm Huy Thông, Kim Bôi, Hòa Bình)

Ở người Mường, thời Colani nửa đầu thế kỷ 20, các thày Mo, bà Mỡi hay các bà mẹ trong các gia đình Mường vẫn dùng một loại dao cắt lúa nhỏ gọi là "nái tọm" (hái tóm, túm). Lưỡi các dao này chỉ nhỏ như nửa lưỡi dao cạo râu, được gài trong khe một cán gỗ đẽo hình chim có dây móc vào cổ tay hoặc một ván gỗ nằm ngang  vừa chỗ đặt hai ngón tay giữa và ngón tay trỏ khớp với ngón tay cái đủ để "ngắt" được từng bông lúa một.

Hiện tại, chúng tôi chưa thể kết luận chắc chắn người Đông Sơn thu hoạch lúa đại trà bằng cách nào. Vài lưỡi liềm đồng phát hiện ở Gò Mun và Gò Chiền Vậy không đủ thuyết phục cho năng xuất thu hoạch hàng tấn thóc mỗi đầu người hàng năm. Chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm lý giải hiện tượng này.

Cái ăn của người Đông Sơn (kỳ 4): Cơm xôi Đông Sơn - Ảnh 4.

Hình ảnh rất quen thuộc trên đồ đồng Đông Sơn: Nhà kho có hình các “giạ lúa” nằm ngang và cạnh đó là ba người giã, sàng thóc cùng chim, gà nhặt thóc rơi vãi. Bản rập hoa văn thạp Đào Thịnh (Yên Bái) của tác giả

Tuy nhiên, lúa thuộc loại cọng dai như lúa nếp, thu hoạch được bó thành từng giạ khoảng 2kg một, mang về gác bếp, ăn đến đâu mới mang xuống tãi ra "đuống" - một nửa thân cây khoét rỗng, dùng chân đạp cho thóc rời khỏi thân rạ mới đem vào cối giã tách vỏ trấu khỏi hạt rồi dùng sàng xảy tách phần vỏ trấu ấy ra, mới có những hạt gạo sẵn sàng đồ thành cơm xôi !

Khảo cổ học ghi nhận được những "giạ" lúa như vậy, còn nguyên cọng lúa và vỏ trấu lẫn râu thóc như hình in trong lòng trống đồng mà tôi đã nói ở phần trên. Hình ảnh những "giạ" lúa bó thành các "cum" trông như những chiếc nơm gà thu nhỏ hay lọ mực học sinh được thể hiện trên một trống đồng của người Đông Sơn Tây Âu, mô tả đoàn người đội các giạ lúa đó trên đầu mang đến nhập vào một nhà kho.

Cái ăn của người Đông Sơn (kỳ 4): Cơm xôi Đông Sơn - Ảnh 5.

Hình khắc trên trống đồng thuộc nhóm Đông Sơn Tây Âu thuộc Điền khai quật ở Vân Nam (Trung Quốc) mô tả cảnh chuyển lúa vào kho, trong đó hàng bên dưới là những người đội các “giạ” lúa trên đầu

 Những nhà kho chứa các hình "giạ" lúa như vậy thường bắt gặp trên mặt trống hay trên thân thạp đồng Đông Sơn, thường hiện diện bên cạnh cụm hình ba người đứng giã lúa, sàng xảy gạo cùng đàn gà nhặt thóc - những cảnh tượng rất quen thuộc còn thường bắt gặp ở Tây Nguyên đến tận những năm tháng gần đây.

3. Người Mường hoặc một số nhóm Thái, Lào…vẫn lưu giữ nếp văn hóa lúa gạo rất gần với người Đông Sơn. Đó là dùng các nồi hông đun nước xôi tạo hơi để làm chín gạo nếp trong các "chõ" hấp đậy kín bên trên. Quả là hiếm khi khảo cổ học Việt Nam bắt gặp những nồi đồng hay nồi đất có tầng "cơm cháy" ở đáy, thay vào đó là những nồi đất hai tầng với rìa ngăn ở giữa để đỡ một vỉ tròn đan bằng tre nứa hoặc những chiếc "chõ" gốm đáy thủng nhiều lỗ, tương tự bộ "ninh", "ớp" của người Mường gần đây còn sử dụng.

Cái ăn của người Đông Sơn (kỳ 4): Cơm xôi Đông Sơn - Ảnh 7.

Ảnh bên phải: Toàn cảnh ngôi mộ Đông Sơn ở Bãi Cọi (Hà Tĩnh) có bộ đồ gốm chôn theo với chiếc nồi hấp dạng “chõ” (chiếc lớn nhất bên rìa trái). Ảnh bên trái: Đặc tả ảnh và bản vẽ chiếc “chõ” gốm trong mộ (Sưu tập Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội)

Cơm xôi nếp làm theo cách này rất tiện sử dụng. Sau khi dỡ xôi đã chín để ngoài trời một lát là xe hạt, dùng tay bốc ăn không dính. Xôi có thể mang theo người ăn cả ngày trên rừng hay ngoài đồng. Thìa, đũa cá nhân đã gần như vắng bóng trong bộ đồ ăn Đông Sơn có lẽ xuất phát từ thói quen ăn nếp đồ, hấp thế này.

Sau này tôi sẽ nói về bộ đồ ăn khá phong phú dùng trong nghi lễ, yến tiệc Đông Sơn, sẽ thấy những chiếc muôi múc… nhưng đó không phải là dụng cụ ăn uống cá nhân.

Buổi "rì rầm" hôm nay phải tạm dừng. Tôi xin kể tiếp về chuyện ăn uống Đông Sơn trong những thứ Năm tuần sau.  

"Thì thầm với Mẹ Lúa"

"Vào một ngày trước khi gặt lúa đại trà, thày mo, mẹ Mỡi hay các bà già trong mỗi gia đình ra ruộng làm lễ cúng, thì thầm với Mẹ Lúa xin lúa về để thờ. Những dao nhỏ được dùng để Mẹ Lúa không bị đau khi họ cắt những cọng lúa chín sớm đầu tiên về cúng, mong một vụ mùa bội thu và mùa sau may mắn".

(Còn tiếp)

TS Nguyễn Việt

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm