08/06/2024 06:54 GMT+7 | Văn hoá
Tổ tiên người Đông Sơn đã trồng và ăn cơm lúa gạo từ hàng trăm thế hệ trước đó. Với người Đông Sơn thì câu chuyện lúa gạo đã đạt đến đỉnh cao rồi.
1. Những năm sau thế chiến thứ hai, giới khảo cổ nói riêng và giới nhân học nói chung trên toàn thế giới rầm rộ lao vào chủ đề "Cách mạng đá mới" (Neolithic revolution). Khoa học nhân văn khi đó nhận ra rằng xã hội hiện đại mà chúng ta đang sống thực sự mới chỉ bắt đầu từ 10 ngàn năm nay mà thôi.
Trước đó là cuộc sống săn bắt hái lượm hàng triệu năm đã giúp hình thành một "loài người" (homo) đang tách dần khỏi thế giới vượn để trở thành người đứng thẳng (homo erectus). Khoảng 200 ngàn năm gần đây nhất, loài người vượn đó mới hoàn thiện thành người hiện đại (homo sapien - modern human), chính là loài người chúng ta hiện nay.
Thế nhưng, để gắn với xã hội hiện đại mà chúng ta đang sống, khoa học nhân văn nửa sau thế kỷ 20 đã nhấn mạnh vào không chỉ là trồng trọt chăn nuôi chung chung mà là sự ra đời những làng trồng ngũ cốc quảng canh đầu tiên và những trang trại, nơi người du mục chăn nuôi bầy đàn thú ăn cỏ lớn. Chỉ những loại hình xã hội người này mới có cơ hội tạo ra những tụ cư kiểu thành lũy sớm nhất - con đường dẫn đến văn minh nhà nước.
Lịch sử khảo cổ học thế giới ghi dấu từ những cuộc khai quật các làng đá mới ở Tiểu Á, Trung Cận Đông do các chuyên gia khảo cổ học Anh thực hiện ngay sau khi thế chiến thứ hai kết thúc. G.Child đã đưa ra thuật từ "cách mạng Đá mới" nhằm nhấn mạnh tính chất biển đổi to lớn khi loài người bước vào xã hội làm nông quảng canh, chăn nuôi bầy đàn lớn.
Những thành phố đầu tiên của loài người được ghi nhận như Trata Hueuyk (Thổ Nhĩ Kỳ) từ 8 ngàn năm trước cùng nhiều phát hiện tiếp theo ở cả xã hội trồng lúa lẫn kê mạch như Ngưỡng Thiều, Hà Mẫu Độ, Lương Chử … ở Phuơng Đông. Con người bắt đầu tự tạo ra thiên nhiên cho riêng mình để đảm bảo nguồn lương thực ổn định có tích lũy, bước vào một xã hội văn minh đa dạng như chúng ta ngày nay.
"Năng suất lúa Đông Sơn có thể đạt 1 tấn/người trồng lúa" - TS Nguyễn Việt.
2. Ở Việt Nam, dựa trên phát hiện khảo cổ học đến hôm nay thì những làng lúa quảng canh tạo đà cho sự phát triển ổn định một xã hội tiến đến văn minh bắt đầu vào khoảng 4.500 năm cách ngày nay, trước thời kỳ Đông Sơn mà chúng ta sẽ bàn đến khoảng 2.000 năm.
Diện mạo của những làng trồng lúa hậu kỳ đá mới sớm nhất như Phùng Nguyên, Xóm Rền, Hoa Lộc, Gò Mả Đống, An Sơn cho thấy đó không phải tình trạng "khởi đầu" của trồng lúa quảng canh, mà đã bước vào giai đoạn phát triển ổn định của một xã hội trồng lúa hạt bầu dạng Japonica với thặng dư lương thực đủ nuôi những thợ gốm mỹ nghệ, thầy cúng, thợ đá chế công cụ và trang sức… Những địa điểm khảo cổ học trải qua nhiều tầng cư trú liên tục như Đình Tràng (Đông Anh, Hà Nội), Đông Tiến, Thiệu Dương (Thanh Hóa) cho thấy sự tồn tại liên tục và ổn định những làng lúa ngày càng đông đúc hơn trên các đồng bằng cao khai thác đất lúa phù sa sông Hồng, Đáy, Mã, Chu…
Xã hội trồng lúa Đông Sơn là sự tiếp tục ở đỉnh cao nhất của nghề nông trồng lúa tiền sử, khi mà cả ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa đồng nhập ở thiên kỷ I trước Công nguyên trong khu vực đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ nước ta. Đó là quá trình biển rút từ độ cao khoảng +6m trên mực nước biển ngày nay theo tốc độ trung bình 3mm hàng năm, tức 30cm một thế kỷ, tương ứng hàng trăm km2 đất lúa phù sa mọc ra. Đó cũng là quá trình bồi tụ bề mặt sú vẹt cạn mới bởi triệu triệu mét khối phù sa tươi, khiến xuất lộ vô vàn cơ hội đất lúa trong điều kiện mật độ dân số Đông Sơn ở các vùng tụ cư đất lúa chính chưa đạt 10 người/ km2.
Làng Châu Can (Phú Xuyên, Hà Nội) là một kiểu lập làng Đông Sơn điển hình đã được tôi nghiên cứu năm 2001. Dựa trên một cồn cao, tầng văn hóa Đông Sơn kiểu Đường Cồ phủ chừng 30cm trên một diện tích chừng 500m2, đủ dùng cho khoảng chục hộ gia đình cùng huyết thống. Đất xung quanh thấp hơn một chút, nhưng cũng khá khô cạn, trở thành khu mộ táng mà cho đến nay đã khai quật được gần 20 mộ. Niên đại C14 một quan tài khai quật năm 2000 cho biết chiếm cư Đông Sơn tại Châu Can muộn nhất là thế kỷ 4 trước Công nguyên.
Một "làng lúa" khác ở Động Xá (Kim Động, Hưng Yên) cũng đã được chúng tôi khảo sát. Vùng này trở nên khô ráo và được phủ phù sa đất lúa chậm hơn Châu Can khoảng một vài thế kỷ. Chiếm cư Đông Sơn tại đây diễn ra sớm nhất vào khoảng thế kỷ 3 trước Công nguyên. Đất làng người sống ở cũng đã được phát hiện, nhưng chỉ một vệt mương đào năm 1993 - 1994, rộng 8m dài 200m đã làm lộ ra 70 ngôi mộ của làng lúa Đông Sơn ở đây.
3. Những làng lúa nho nhỏ như vậy mọc ra rất nhanh, dân trồng lúa từ đồng bằng cao bạc màu tràn xuống… dần mở rộng thành khu tụ cư mới mà thống kê của Viện Khảo cổ học cũng như của tiến sĩ Nishimura lên tới hàng trăm làng ven rìa phía Bắc, Tây Bắc vịnh Hà Nội cổ. Phù sa hàng năm trong điều kiện lai láng đã tạo ra một lợi thế đất lúa trời cho: chất mùn, độ tơi xốp và độ ẩm lý tưởng.
Tôi không bao giờ nghĩ đến những lưỡi cày đồng dùng cho đất lúa Đông Sơn, bởi nó quá xa xỉ, khi những người bình dân Đông Sơn khi chết chỉ được "chia" mang theo những mảnh đồng vụn sang thế giới bên kia. Những người vãi lúa Cửu Long Mê Công gần đây không cần những dụng cụ làm đất quá cầu kỳ phức tạp đến như vậy. Các lưỡi vời bằng gỗ khai quật được nhiều trong mộ thân cây khoét rỗng có vẻ phù hợp hơn với "đồng đất" phù sa Đông Sơn khi đó. Đó chính là "thiên thời, địa lợi" Đông Sơn.
Con người Đông Sơn như đã trình bày ở loạt bài "rì rầm" trước đó đã đạt đến trình độ văn minh khá cao cả trong chế ngự tâm linh, thẩm mỹ và kỹ thuật đúc đồng, chế đá, thủy tinh và thương mại cả nông sản. Khoảng đầu Công nguyên, viên Thứ sử Giao Châu có làm một biểu tấu về triều đình kê khai số khẩu và thóc thuế của các quận huyện Giao Châu, trong đó, nếu quy đổi ra đơn vị đo lường hiện nay thì mỗi "khẩu" Giao Chỉ hàng năm đã nộp tới khoảng 700kg thóc. Cộng với số thóc tối thiểu để "khẩu" đó ăn mà tái sản xuất (khoảng 300kg/năm) thì năng suất lúa Đông Sơn có thể đạt 1 tấn/người trồng lúa… Đó cũng chính là bức tranh mà khi người Pháp vào chiếm lục tỉnh Nam Kỳ hồi cuối thế kỷ 19 đã chứng kiến. Họ chỉ tạo ra một số trục kênh mương lớn đã đủ biến toàn vùng thành "vựa lúa" Đông Dương xuất khẩu ra thế giới.
Để tiếp tục đi sâu hơn vào bữa cơm Đông Sơn tôi muốn dành buổi "rì rầm" hôm nay định vị thiên thời, địa lợi, nhân hòa nghề lúa Đông Sơn, trong đó nhấn mạnh đến tương quan đất lúa phù sa trời cho với mật độ dân cư lý tưởng để khai thác đất lúa mở rộng hàng năm đó.
"Trong buổi "rì rầm" tuần sau, tôi sẽ giới thiệu chi tiết quá trình đi tìm những hạt lúa Đông Sơn thế nào, và mô tả chi tiết chúng cùng các bạn".
(Còn tiếp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất