Phát hiện dao găm Đông Sơn dưới lòng sông Đà

16/04/2024 07:56 GMT+7 | Văn hoá

Một nhà sưu tầm được tin thông báo có một nhóm thợ máy xúc sàng cát hút từ sông Đà đoạn chảy qua La Phù (Thanh Thủy, Phú Thọ) vừa phát hiện một con dao găm Đông Sơn khá nguyên vẹn. Theo địa chỉ cho sẵn, tôi đã đến gặp thợ xúc cát đang sở hữu con dao đó để kiểm tra độ tin cậy của con dao.

1. Đó là một dao găm đồng mang phong cách Đông Sơn điển hình: Lưỡi mỏng cân đối hình đỉnh tháp nhà thờ, chia làm 2 nửa rõ rệt với gân nổi ở giữa sống lưỡi dao. Phần chắn tay có 2 trụ bản tròn trang trí vòng xoắn ốc như ngọn dương xỉ làm nền cho khối tượng người đứng chống nạnh, tạo ra phần cán dao găm tượng người quen thuộc của dao găm quý tộc Đông Sơn.

Phát hiện dao găm Đông Sơn dưới lòng sông Đà - Ảnh 1.

Cán dao găm Đông Sơn với kiểu trang trí hai ngọn dương xỉ trên phần chắn tay, bên trên là tượng người đàn ông đeo dao găm lưng treo đầu lâu người (sưu tập Phạm Lan Hương, Paris, Pháp)

Tượng thể hiện một thủ lĩnh namở trần, đóng khố thắt eo bản rộng, trang trí hoa văn bện thừng và kẻ sọc thẳng, thả dài đến gối. Hai tay đeo vòng chống nạnh. Đầu tượng để trần, đặc tả 2 tai to căng xòe ra như hình tam giác, trên đó vẫn còn lủng lẳng 2 vòng đồng. Khuôn mặt đặc tả đôi mắt to hình bầu dục nằm ngang, mũi cao nhòm mồm, trên mỗi bên má còn vết mờ của 2 đường rạch. Phía sau gáy còn vết tích một như một quai treo nhạc khí đã gãy ở đúng vị trí của búi tóc.

Do phát hiện ở La Phù, tôi tạm đặt tên con dao găm Đông Sơn này là dao La Phù. Đo chiều dài từ đỉnh chóp đầu tượng đến mũi dao La Phù là 33cm, bề ngang chỗ chắn tay nơi rộng nhất đạt 7cm.

Phát hiện dao găm Đông Sơn dưới lòng sông Đà - Ảnh 2.

2 mặt của dao găm La Phù

Do nằm lâu ngày dưới đáy sông, bề mặt dao bị mòn và phủ lớp gỉ màu rêu xanh ghi. Khi quệt nhẹ a xít loãng sẽ lộ ra dưới đó lớp gỉ xanh lá cây điển hình. Phần lưỡi dao nổi sần chi chít những nốt hợp kim chì nhỏ như hạt cát, giúp xác nhận phản ứng tự nhiên của đồ đồng đã gỉ nằm lâu năm dưới đáy sông.

Có lẽ con dao găm này đã từng chôn trong một ngôi mộ Đông Sơn một thời gian đủ khiến hình thành lớp gỉ nhẹ bên ngoài trước khi ngôi mộ bị lở xuống sông. Nước sông đã ngăn lại quá trình gỉ mục trong đất nên con dao qua vài ngàn năm vẫn còn khá cứng chắc.

Phát hiện dao găm Đông Sơn dưới lòng sông Đà - Ảnh 3.

Bản vẽ lại tượng người trên cán dao găm La Phù

2. Loại dao Đông Sơn có kiểu trụ tròn xoắn hình ngọn dương xỉ tuy không quá phổ biến nhưng đã xuất hiện 4, 5 chiếc. Trong đó chiếc đẹp nhất thuộc về sưu tập Phạm Lan Hương (Paris, Pháp), thể hiện một thủ lĩnh nam hông đeo dao găm, lưng mang một đầu lâu người. Lưỡi dao và chắn tay rất giống con dao chúng ta đang bàn đến hôm nay. Dao găm có hình người giống như dao La Phù này tôi đã từng thấy một lần trên mạng internet. Điều này chứng tỏ phong cách dao găm kiểu La Phù không phải chỉ là độc bản, tương tự kiểu dao găm Quả Cảm đã từng thấy có tới hàng chục tiêu bản mang cùng phong cách.

Phát hiện dao găm Đông Sơn dưới lòng sông Đà - Ảnh 4.

Tượng cán dao găm La phù (hình trái) và khuôn mặt với đường rạch trên má và vết mòn trên dái tai (hình phải)

Đáng chú ý là việc phát hiện 2 má có 2 đường rạch mờ trên khuôn mặt khối tượng. Việc vẽ hay rạch 2 đường ngang trên má tượng bắt gặp rất phổ biến ở các nhóm thổ dân từ Nam Mỹ, châu Phi, châu Úc và có lẽ ở vùng Đông Nam Á cổ đại, trong đó có Việt Nam.

Tôi đã từng nhiều năm khảo sát hiện tượng này khi tìm hiểu về tượng những người tóc xoăn da đen xuất hiện tại địa điểm khảo cổ học Đông Sơn (Thanh Hóa) và Sa Thầy (Kon Tum). Tư liệu khảo cổ hiện có về 2 vết rạch trên má thuộc về nhóm tượng da đen nói trên. Đây là nhóm tượng lạ khác khá xa với phong cách Đông Sơn.

Phát hiện dao găm Đông Sơn dưới lòng sông Đà - Ảnh 5.

Đặc tả mặt người da đen với 2 vết rạch trên má phát hiện trên tượng đồng ở Sa Thầy (Kon Tum)

Chiếc đầu tiên được giáo sư khảo cổ học Diệp Đình Hoa phát hiện tại Đông Sơn trong khi ông khai quật địa điểm này năm 1970. Bức tượng đã được ông đính kèm trong bài viết về cuộc khai quật này cùng giáo sư Chử Văn Tần trong tạp chí Khảo cổ học năm 1977. Đó là hình một người đàn ông đang uốn múa cao khoảng 12cm.

Bức tượng thứ 2 cùng kích thước cũng được một người dân làng Đông Sơn (Thanh Hóa) phát hiện năm 1987. Đó là một tượng nữ, hiện khuôn tượng còn lưu tại Viện Khảo cổ học Việt Nam (Hà Nội). Còn bức tượng thứ 3 tôi đang giữ, được người dân vùng Sa Thầy (Kon Tum) làm nương nhặt được.

Phát hiện dao găm Đông Sơn dưới lòng sông Đà - Ảnh 6.

Tượng người da đen phát hiện ở Sa Thày (Kon Tum) thuộc niên đại Đông Sơn mang trên má những đường rạch song song

Tôi đã viết một số bài về 3 pho tượng này, gợi ý về sự giao lưu với những nền văn hóa khác của văn hóa Đông Sơn. Điều dễ nhận ra là ở cả 3 tượng da đen nói trên đều có chung đặc điểm là những vạch 2 đường rạch ngang trên 2 má. Và hôm nay, điều đó lặp lại khi tôi nhận ra những đường rạch đó. Dù đã bị nước bào mòn, vẫn còn vết đủ khẳng định người trên bức tượng dao găm La Phù cũng có những đường rạch đó trên má.

3. Một điểm nữa cũng đáng lưu tâm về con dao găm La Phù này, đó là 2 chiếc vòng tai rời đang còn lúc lắc trên 2 tai bức tượng. Tôi đã gặp hiện tượng đôi vòng đeo trên 2 cánh tay của bức tượng nam trên cán dao găm Đông Sơn vớt ở Thạch Hãn (Quảng Trị) năm 2017. Có lẽ đồ vớt dưới sông đã giúp những chiếc vòng như vậy ở nguyên trạng thái ban đầu của mình, khác với những đồ Đông Sơn chôn trong lòng đất sẽ bị oxy hóa trong đất, tạo gỉ sét dính vào nhau. Như vậy, vật dụng Đông Sơn với những chiếc vòng rời như vậy và đôi khi cả chiếc lục lạc nhỏ gắn phía sau gáy tượng người sẽ luôn tạo âm hưởng leng keng dễ chịu khi sử dụng.

Phát hiện dao găm Đông Sơn dưới lòng sông Đà - Ảnh 8.

Dao găm La Phù

Quan sát kỹ nơi những chiếc vòng cọ xát vùng dái tai bức tượng ta thấy rõ vết mòn nguyên thủy. Điều này càng khẳng định tính bản gốc của hiện vật và giúp nhà nghiên cứu có thêm bằng chứng về việc sử dụng vòng treo trong đồ vật Đông Sơn. Những vòng trên tượng cán dao La Phù được cuốn bằng một sợi đồng, khe hở vẫn còn nguyên trạng ban đầu.

"Việc vẽ hay rạch 2 đường ngang trên má tượng bắt gặp rất phổ biến ở các nhóm thổ dân từ Nam Mỹ, châu Phi, châu Úc và có lẽ ở vùng Đông Nam Á cổ đại, trong đó có Việt Nam" - TS Nguyễn Việt.

TS Nguyễn Việt

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm