Những chiếc vòng Đông Sơn mang hình tượng rắn

22/02/2024 20:23 GMT+7 | Văn hoá

Có hai loại vật dụng Đông Sơn hay được thợ cả Đông Sơn hay tạo hình tượng thú gắn vào. Đó là ốp thắt lưng và vòng đeo tay quý tộc. Tôi cũng đã đề cập đến chủ đề này trước khi mở đầu chuỗi bài nói về tượng người trên cán dao găm trong các số trước.

1. Kiểu ốp thắt lưng đồng khá được quý tộc Đông Sơn ưa chuộng là loại ốp đơn đôi hay chuỗi kép bốn hoặc sáu mảnh trên gắn tượng cá sấu, rùa, bồ nông - kiểu như chiếc khai quật ở Làng Cả (Việt Trì, Phú Thọ) hay chiếc trong sưu tập của Bảo tàng Barbier-Mueller ở Geneva, (Thụy Sĩ). Đặc biệt có một vài chiếc bên trên gắn khối tượng nhạc công (sưu tập Đặng, Hà Nội) hay quần tượng gia đình (sưu tập nhà hàng Trống Đông Sơn, Hà Nội).

Hầu như tất cả những ốp thắt lưng đồng này đều được tạo hình bằng sáp ong, bọc đất tạo khuôn bên ngoài. Hiện vật đúc ra móc sẵn vào nhau từ trước và còn giữ nguyên hình các vệt ghép nối sáp ong mềm mại.

Những chiếc vòng Đông Sơn mang hình tượng rắn - Ảnh 1.

Sưu tập khóa thắt lưng đồng Đông Sơn (Nhà hàng Trống Đông Sơn, Hà Nội)

Những chiếc vòng tay Đông Sơn loại có mặt cắt ngang thân hình chữ V, đan bằng sợi mây gắn hình đàn ếch hay cá sấu bằng sáp ong trên sống lưng viền quanh trước khi ốp đất tạo khuôn, cũng đã được chuyên mục này nhắc đến. Còn trong bài hôm nay, tôi muốn đặc biệt kể về những chiếc vòng tay tạo hình rắn cuốn rất đặc trưng trong loại hình Đông Sơn Làng Vạc.

 Đề tài rắn trong nghệ thuật Đông Sơn cũng đã được tôi đề cập đến trong phần nói về chủ đề linh thú Đông Sơn. Nhưng khi nhắc đến nghệ thuật tượng khối Đông Sơn dùng cho những đồ vật riêng biệt, tôi thấy cần tách thành một bài riêng do tính biểu trưng đặc sắc của chúng.

Với đường kính chỉ khoảng 6 cm, có lẽ chủ nhân của chiếc vòng là một em bé con nhà quý tộc.

2. Đa số những vòng đeo tay Đông Sơn mang hình rắn mà tôi bắt gặp đều đang thuộc các bộ sưu tập ở nước ngoài. Những vòng này thường gồm hai nửa ghép lại, có chốt bản lề đóng mở dùng ngay phần miệng, lưỡi con rắn. Vì thế, mỗi vòng thường là một đôi rắn cuốn đối đầu.

Đầu tiên, đó là chiếc vòng trong sưu tập Gallery Hioco (Paris) có đường kính khoảng 8cm, đủ mở ra đeo cổ tay người lớn. Hai phần cân xứng giống nhau, gồm một đoạn thân gắn với đầu rắn, trong miệng há ra chứa chốt hãm có thể buộc gài cố định thành vòng tròn. Phần đuôi đã ngoàm chốt sẵn như một bản lề. Thân rắn có những vành ngấn ngang. Đầu rắn đặc tả rõ miệng há ra với đôi mắt to tròn.

Những chiếc vòng Đông Sơn mang hình tượng rắn - Ảnh 3.

Vòng tay hai đầu rắn (sưu tập CQK, California, Mỹ)

Chiếc vòng thứ hai tôi chọn mô tả hôm nay là của sưu tập CQK (California, Mỹ).  Trong cuốn sách do Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đứng tên xuất bản nhan đề Echo from Dong Son Drums (Vang vọng từ trống Đông Sơn), NXB Thế giới, Hà Nội, 2018, tác giả Chan Kieu đã đặt hình chiếc vòng này ở trang 249.

Đây là dạng vòng đúc liền, dùng đàn hồi của vòng đồng để căng ra lồng vào cổ tay chứ không dùng bản lề như chiếc vòng của Hioco Gallery. Thân vòng mỏng dẹt, phía trong phẳng, phía lưng bên ngoài cong vồng lên, trên đó là hình bện thừng tạo dáng vẩy rắn. Hai cái đầu rắn ngoàm vào nhau, có thể căng ra dễ dàng khi muốn đeo vào cổ tay người. Đầu rắn có đôi mắt tròn to, miệng thu, bành ra hai bên hai vành tròn như hai tia lưỡi cuốn. Tạo hình rất sinh động.

Với đường kính chỉ khoảng 6 cm, có lẽ chủ nhân của chiếc vòng là một em bé con nhà quý tộc.

3. Tôi sẽ dành nhiều lời nhất hôm nay dành cho chiếc vòng đồng đúc hình rắn cuốn cỡ lớn, với tạo hình xuất sắc, thể hiện tư duy kỹ-mỹ thuật rất cao của một thợ cả tạo hình Đông Sơn. Chiếc vòng này đang thuộc sở hữu của sưu tập Grussenmayer, Gent (Bỉ).

Đây là chiếc vòng đặc tả rắn cuốn lớn nhất mà tôi từng thấy. Nó có đường kính ngoài 12cm, bản rộng 3cm, đường kính bên trong chỉ còn khoảng 6 cm, thuộc loại vòng hai phần gắn với nhau bằng bản lễ và mộng ngoàm ở phần hai đầu miệng rắn. Khá giống với cung cách thể hiện rồng rắn trên các tác phẩm đá đời Lý như ở chùa Dạm (Bắc Ninh) hay bệ bia chân tháp Chương Sơn Bảo Tự (Hà Nam), phải lần rất kỹ mới ra toàn bộ họa tiết và số lượng rắn trong ổ vòng này.

Những chiếc vòng Đông Sơn mang hình tượng rắn - Ảnh 4.

Chiếc vòng tay với hai nửa rắn cuốn hai đầu ngoàm vào nhau được chế tác và bảo tồn rất tốt (sưu tập Grussenmayer (Gent, Bỉ)

Về nguyên tắc, vòng vẫn tạo dáng từ một đôi rắn với hai đầu ngoạm vào chốt mở. Nhưng nghệ nhân đã thể hiện mỗi nửa thành một ổ rắn quấn với một thắt nút hai đầu rắn. Như vậy, toàn thân chiếc vòng được tạo bởi hai nút xoắn thân rắn với tổng cộng 4 đầu rắn ngoạm nhau ở phần bản lề và chốt hãm. Cách tạo nút cuốn ở giữa thân mỗi nửa khiến người xem có cảm giác một ổ rất nhiều rắn.

 Đầu rắn làm theo mô-típ khá giống đầu rắn của chiếc vòng Làng Vạc trong sưu tập CQK mà tôi đã giới thiệu bên trên: Đôi mắt tròn rất to, sâu và hai vành lưỡi cuộn tròn ở hai bên miệng cái đầu thu nhọn. Rắn có dạng da trơn nhưng phần thân cuộn rất tinh tế, phức tạp với riềm thân tạo bởi những đoạn thừng tết rất tỷ mỷ, cầu kỳ.

Chiếc vòng được chủ nhân quý tộc cấp cao Đông Sơn sở hữu bảo quản khá cẩn thận bằng cách lau chùi đánh bóng thường xuyên với sáp ong nhằm chống hoen ố như cách bảo quản gương đồng đương thời. Nhờ vậy, dù đã nằm hàng ngàn năm trong đất, vòng vẫn giữ được lớp gỉ xanh bóng đẹp như ngọc. Quả là một tác phẩm mỹ thuật hoàn hảo.

Tôi may mắn được cả một buổi sáng ngày 15/7/2017 để chiêm ngưỡng, nghiên cứu vòng tay này tại Gent (Bỉ). Chủ nhân cũng vừa sưu tầm được hiện vật này đã trân trọng trao nó cho tôi nghiên cứu. Từ 2015, tôi bắt đầu làm quen và được phép nghiên cứu toàn bộ sưu tập Grusenmayer để chuẩn bị cho một cuộc trưng bày và in catalogue, nhưng phải đến giữa 2017 mới xuất hiện chiếc vòng tuyệt diệu này.

Hiện tại có một số bằng chứng gắn bó với việc tôn thờ thần rắn trong nhóm Đông Sơn Tây Âu (Vu). Rắn xuất hiện trên mặt trống đồng Đông Sơn lớn và đẹp trong mộ thủ lĩnh Tây Âu (có thể là mộ Câu Đinh) ở huyện Quảng Nam châu Văn Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) không xa biên giới Hà Giang, Lào Cai của Việt Nam.

Cán dao găm rắn và những chiếc vòng Đông Sơn thể hiện thần rắn như giới thiệu trên đây giúp hé mở một khía cạnh tâm linh của cư dân Đông Sơn vùng miền núi Thanh Nghệ - nơi phân bố những hiện vật đó. Việc những con rồng rất đẹp và linh thiêng thời Đại Việt sớm mang thân hình rắn rất có thể là sự hòa trộn một phần nào tín ngưỡng thờ rắn thần, trăn tinh in đậm trong tâm thức thờ Mẫu, Tam phủ, Tứ phủ của dân ta thời đó và thậm chí cho đến tận ngày nay.

"Việc những con rồng rất đẹp và linh thiêng thời Đại Việt sớm mang thân hình rắn rất có thể là sự hòa trộn một phần nào tín ngưỡng thờ rắn thần, trăn tinh in đậm trong tâm thức thờ Mẫu, Tam phủ, Tứ phủ của dân ta thời đó và thậm chí cho đến tận ngày nay" - TS Nguyễn Việt.

TS Nguyễn Việt

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm