Các triệu chứng Covid kéo dài có thể làm suy giảm chất lượng cuộc sống suốt 15 tháng

25/05/2022 11:50 GMT+7 | Tin tức 24h

Hầu hết những người mắc hội chứng COVID kéo dài sẽ chịu đựng các triệu chứng ảnh hưởng thần kinh, mệt mỏi và suy giảm chất lượng cuộc sống trong suốt 15 tháng kể từ sau khi mắc bệnh COVID-19.

Nỗ lực giải mã nguyên nhân gây ra hội chứng 'Covid kéo dài'

Nỗ lực giải mã nguyên nhân gây ra hội chứng 'Covid kéo dài'

Ngày 23/5, các bác sĩ và các nhà khoa học tại Mỹ đã công bố những kết quả nghiên cứu đầu tiên nhằm giải mã nguyên nhân khiến một số người phải vật lộn với hội chứng Covid kéo dài.

Đó là kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Annals of Clinical and Translational Neurology mới đây. 

Báo cáo đã tổng hợp những diễn tiến về các triệu chứng thần kinh ở những người mắc hội chứng COVID kéo dài, nhưng không nhập viện, tới khám tại Trung tâm Northwestern Medicine Neuro COVID-19 Clinic ở Chicago (Mỹ).

Qua đó, các nhà khoa học phát hiện ra rằng hầu hết những người mắc bệnh vẫn tiếp tục gặp các triệu chứng như sương mù não, tê bì / ngứa ran, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt, ù tai và mệt mỏi trong khoảng thời gian trung bình là 15 tháng sau khi phát hiện mắc bệnh COVID-19. 

Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Northwestern Medicine áp dụng khoảng thời gian theo dõi dài nhất về hậu quả ảnh hưởng thần kinh đối với các trường hợp mắc hội chứng COVID kéo dài nhưng không nhập viện.

Covid kéo dài, triệu chứng Covid kéo dài, covid kéo dài ảnh hưởng cuộc sống, chất lượng cuộc sống ảnh hưởng từ covid kéo dài, triệu chứng covid kéo dài ảnh hưởng
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 17/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Phân tích hồ sơ các bệnh nhân từ 6-9 tháng sau lần khám đầu tiên tại trung tâm, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng sự thay đổi về nhịp tim và huyết áp, cũng như các triệu chứng tiêu hóa tăng lên ở những người mắc hội chứng COVID kéo dài. Ngoài ra, các bệnh nhân này cũng suy giảm chức năng vị giác và khứu giác.

Trong nghiên cứu tiến hành hồi tháng 3/2021, các nhà khoa học thuộc trung tâm Northwestern Medicine cũng phát hiện ra rằng có tới 85% trong số những bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài phải trải qua ít nhất 4 triệu chứng về thần kinh, theo đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ. Ở một số bệnh nhân, sự tác động này nhằm vào cả khả năng nhận thức của họ.

Ông Igor Koralnik - Giám đốc Trung tâm Northwestern Medicine cho biết: “Nghiên cứu này là mới mẻ và có khoảng thời gian theo dõi dài nhất các triệu chứng thần kinh ảnh hưởng đến những bệnh nhân không nhập viện điều trị nhưng bị hội chứng COVID kéo dài. Chúng tôi rất ngạc nhiên bởi sự tồn tại của hầu hết các triệu chứng suy nhược thần kinh của bệnh nhân và việc các triệu chứng này xuất hiện muộn cho thấy sự rối loạn chức năng của hệ thần kinh tự chủ”. 

Các nhà khoa học tập trung nghiên cứu các bệnh nhân được đánh giá sơ bộ từ tháng 5 đến tháng 11/2020, những người có các triệu chứng mắc COVID-19 ở thể nhẹ (ví dụ: húng hắng ho, đau họng) và không phải nhập viện vì viêm phổi hoặc nồng độ oxy thấp. Tổng số có 52 bệnh nhân đã hoàn thành nghiên cứu theo dõi, có độ tuổi trung bình 43, trong đó 73% là nữ giới, 77% đã được tiêm chủng ngừa COVID-19. 

Covid kéo dài, triệu chứng Covid kéo dài, covid kéo dài ảnh hưởng cuộc sống, chất lượng cuộc sống ảnh hưởng từ covid kéo dài, triệu chứng covid kéo dài ảnh hưởng
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 13/5/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Kết quả cho thấy hầu hết trong số họ tiếp tục trải qua các triệu chứng suy nhược thần kinh, mệt mỏi và chất lượng cuộc sống bị giảm sút 11-18 tháng sau khi bệnh khởi phát, trung bình là 15 tháng.

Nhìn chung, không có sự thay đổi đáng kể nào về mức độ ảnh hưởng của hầu hết các triệu chứng thần kinh giữa lần hẹn khám đầu tiên và tái khám, trong đó bao gồm sương mù não (81% so với 71%), tê bì / ngứa ran (69% so với 65%), đau đầu (67% so với 54%), chóng mặt (50% so với 54%), mờ mắt (34% so với 44%), ù tai (33% so với 42%) và mệt mỏi (87% so với 81%).

Mức độ cải thiện sau lần khám đầu tiên ghi nhận rõ ở các trường hợp mất vị giác (63% so với 27%) và mất khứu giác (58 so với 21%). Tuy nhiên, một số triệu chứng khác lại có xu hướng nghiêm trọng hơn, như sự thay đổi nhịp tim và huyết áp (35 so với 56%) và các triệu chứng tiêu hóa (27 so với 48%).

Các bệnh nhân cho biết họ cảm nhận được sự cải thiện về khả năng phục hồi, chức năng nhận thức và tình trạng mệt mỏi, tuy nhiên, những chỉ số đánh giá chất lượng cuộc sống vẫn thấp hơn so với dân số trung bình của Mỹ. 

Ông Koralnik cho biết: “Trong bối cảnh các biến thể mới xuất hiện và số lượng bệnh nhân bị hội chứng COVID kéo dài tăng lên, chúng tôi đang tập trung nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của hội chứng này. Chúng tôi cũng đang đưa ra các biện pháp can thiệp để cải thiện việc quản lý những bệnh nhân đó và tìm ra các lựa chọn điều trị tốt nhất cho họ”.

   Thanh Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm