Tùng Dương: Tôi sẽ học múa...

14/09/2010 14:41 GMT+7 | Âm nhạc

"Tôi muốn hướng đến một hình mẫu singer/performer nên sẽ đi học múa đương đại. Điều đó không đơn giản vì ai cũng biết học múa người nghệ sĩ phải được đào tạo bài bản từ nhỏ.." - ca sĩ Tùng Dương tiết lộ về dự định mới của mình.

* Những tháng qua anh chạy sô hải ngoại miệt mài. Cuối tháng 9 này lại cùng Mỹ Linh, Quang Dũng sang Pháp biểu diễn trong chương trình "Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long". Những chuyến bay sô anh được gì và mất gì?

- Qua những chuyến đi tôi thấy mình trưởng thành hơn và học hỏi nhiều điều. Ngoài việc biểu diễn, tôi được thăm quan, du lịch và khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, lịch sử từng nước. Tôi may mắn được xem những show ca nhạc của những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, hiểu thêm về đời sống thường ngày của bà con việt kiều, chia sẻ với họ những thiếu thốn tinh thần khi sống xa người thân, bạn bè...


Ca sĩ Tùng Dương. Ảnh: NVCC
Mỗi nơi để lại cho tôi những kỷ niệm, những dư vị, cảm xúc không thể quên. Nhưng quan trọng hơn là cho tôi dồi dào cảm xúc để sáng tạo thật nhiều cho nghệ thuật, để tiếng hát của mình luôn được thăng hoa và rực cháy.

* Sản phẩm mới của bạn thực hiện với êkíp tại nước ngoài. Phải chăng phong cách âm nhạc Electronic mà bạn theo đuổi còn xa lạ và các nhạc sĩ Việt Nam chưa "đủ tầm" để bạn tin tưởng nhờ cậy?

- Electronic quả thực là dòng nhạc khá mới mẻ và lạ lẫm với khán giả Việt. Dù đã có nhiều nhân tố thành công ở dòng nhạc này với nhiều nhánh rẽ khác nhau như Quốc Trung (World Music), Trí Minh  (Ambient), Vũ Nhật Tân - Kim Ngọc (Expremental),...

Trong thời buổi giao lưu quốc tế như hiện nay giữ được bản sắc dân tộc là điều cần thiết. Mặt khác vẫn phải tiếp thu những tinh hoa âm nhạc thế giới một cách chọn lọc. Nếu không tiếp thu sẽ dẫn đến sự cực đoan, dậm chân tại chỗ, xáo mòn.

Thể loại Electronic/Indie mà tôi theo đuổi phát triển mạnh ở Châu Âu. Tôi may mắn vì đã tìm được êkíp làm việc tại Đức đáng tin cậy để thực hiện dự án âm nhạc mới. Đó là nhạc sĩ Vincent Nguyễn cùng những nhạc sĩ và DJ người Đức. Họ là những người hòa âm, làm nhạc cho album theo thể loại điện tử mang tên "Li ti" gồm những bài hát mới của 3 tác giả Lưu Hà An, Nguyễn Xinh Xô, Sa Huỳnh... sẽ phát hành vào cuối tháng 10 tới.

Dự án này là sự pha trộn và kết hợp hòa quyện giữa những thanh âm điện tử với dàn nhạc giao hưởng được chơi bởi những nghệ sĩ trong dàn nhạc giao hưởng của Bonn (Đức) sẽ tạo nên một không gian âm nhạc đầy suy tưởng, màu sắc giữa sự kết hợp, giao thoa giữa 2 văn hóa Á và Âu. Nhưng điều quan trọng nó là một album mang tính công nghệ nhưng lại không mất đi tính Việt. Tôi đang có một cuộc dạo chơi, khám phá đầy thử thách và thú vị trong âm nhạc.


Tùng Dương: Tôi coi trọng và đánh giá cao những giá trị nằm trong tư duy của con người. Ảnh: NVCC
* Trong quá trình hợp tác, anh gặp những khó khăn và thuận lợi nào?

- Tôi mất nhiều công sức thực hiện album này. Từ việc phải bay đi bay về cũng đã rất tốn kém. Ai cũng biết chi phí để thực hiện đầu tư một CD ở nước ngoài là rất lớn, có thể gấp đôi, gấp ba so với sự đầu tư một dự án được thực hiện trong nước. Để có được sản phẩm chúng tôi đã phải bàn bạc cụ thể về tính thể loại và cùng nhau ngồi nghe lại những âm thanh điện tử từ những nghệ sĩ/ban nhạc của thế giới mà chúng tôi chịu ảnh hưởng từ họ như Bjork, Massive Attack, Portishead, Depeche Mode...

Quá trình thực hiện cũng không đơn giản vì rào cản lớn nhất vẫn là ngôn ngữ và văn hóa giữa hai nước. Theo thanh âm mở của tiếng Anh, các ca sĩ nước ngoài họ hát một cách rất "buông, lạnh và đựng" và ít biểu cảm hơn. Còn cách phát âm của tiếng Việt lại toàn "đóng âm" nên ca sĩ Việt hát thường biểu cảm nhiều và "chua chát" hơn nên trong quá trình thu thanh tôi đã phải thay đổi cách suy nghĩ về kỹ thuật hát sao cho phù hợp với thể loại Electronic.

Trong album này, tôi không thể hiện những trạng thái "dằn vặt, đau đớn" như trong "Những ô màu khối lập phương" mà hát bình thản hơn. Không gian âm nhạc cũng tràn ngập nhiều âm thanh điện tử hơn.  Việc thu thanh rất kỹ, chi tiết đến mức một tiếng động dù rất nhỏ phát ra từ chiếc vòng hay chiếc nhẫn tôi đeo trong phòng thu cũng phải làm lại từ đầu. Tôi hoàn toàn yên tâm về chất lượng âm thanh khi được làm việc trong một phòng thu hiện đại và tối tân của nước ngoài.

* Album "Những ô màu khối lập phương" dù được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng sự tiếp cận tới công chúng vẫn còn hạn chế. Với sản phẩm mới, bạn lại tiếp tục có sự thử nghiệm. Bạn luôn muốn thách thức tai nghe khán giả?

- Tôi thấy rằng trong một vài năm trở lại đây bên cạnh những điều còn bất cập trong âm nhạc Việt Nam, thẩm mỹ cũng như thị hiếu âm nhạc của một bộ phận khán giả đã được nâng lên rõ rệt. Họ thực sự hứng thú và đón nhận những xu hướng âm nhạc mới lạ. Ít người thích không có nghĩa là không có người thích.

Làm nghệ thuật phải thách thức bản thân, sự sáng tạo nghệ thuật là vô hạn nhưng cũng không nên quá xa lạ và viển vông, phải cân bằng và tỉnh táo. Album tới của tôi chính là sự phát triển tiếp nối từ album trước nhưng không nặng về tính ý tưởng, không gian âm nhạc sẽ bớt gai góc và dễ nghe hơn.

* Mấy năm trở lại đây, bạn được nhận xét là một trong số nam ca sĩ hát nhạc nhẹ hàng đầu Việt Nam. Về tên tuổi đã có chỗ đứng trong làng nhạc nhưng mọi người vẫn thấy bạn lúc đi taxi, lúc đi xe ôm, lúc thì trợ lý trở đi và vẫn ở nhờ nhà bố mẹ. Dường như tên tuổi không đi đôi với chất lượng cuộc sống?

- Tôi không phủ nhận những giá trị mà vật chất mang lại cho con người. Đối với tôi, việc mua một chiếc xe ô tô riêng làm phương tiện đi lại không phải khó dù tôi không phải là người quá giàu có... Nếu không tính đến việc giải quyết "khâu oai" mà chỉ tính trên phương diện giá trị đi lại thì đi taxi hay đi phương tiện riêng là như nhau. Đi taxi không phải lo chỗ đỗ xe, không phải lo việc đi sớm về khuya, không lo kẻ trộm rình rập...

Tôi còn những đam mê khác và dùng tiền kiếm được để dồn vào nó. Bố mẹ chỉ có mình tôi, có một thời gian tôi phải sống xa bố mẹ nên nên việc sống chung cũng là để tôi đổi lại những thiếu thốn tinh thần ấy...


Tùng Dương: Tôi sẽ đi học múa! Ảnh: NVCC
* Bạn có thấy chạnh lòng không khi có người hát không bằng mình những vẫn có đầy đủ nhà lầu, xe hơi...?

- Số phận và sự may mắn của mỗi con người là khác nhau. Lợi ích của vật chất là cần thiết nhưng đối với tôi nó không phải là tất cả. Tôi coi trọng và đánh giá cao những giá trị nằm trong tư duy của con người. Những giá trị về sự biểu biết, học vấn, thẩm mỹ... vẫn đứng cao hơn tất cả những giá trị khác.

* Bạn mời Thanh Lam hay Thanh Lam chủ động đề nghị bạn hợp tác trong liveshow chung vào tháng 11 tới?

- Chị Lam luôn là thần tượng của nhiều lớp ca sĩ trẻ. Tôi và chị đã hát cùng song ca nhiều chương trình và đều được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Chính vì vậy, ý tưởng làm một dự án song ca được cả hai tán đồng và cảm thấy hứng thú vì chúng tôi có nhiều điểm tương đồng trong âm nhạc.

Sẽ có 2 đêm nhạc Acoustic (Mộc) tại Nhà hát Lớn vào tháng 11 tới gồm những bài hit của cả hai cùng những tình khúc bất hủ theo năm tháng. Sau đó là sản phẩm âm nhạc của chúng tôi kết hợp với dàn nhạc giao hưởng Việt Nam dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng Lê Phi Phi và nhạc sĩ phối khí Trần Mạnh Hùng.

* Mối duyên nào bạn và Thanh Lam lại mời được nhạc trưởng Lê Phi Phi hợp tác?

- Anh Phi là một nhạc trưởng chỉ huy nổi tiếng hiện đang sống tại Macedonia. Anh tham gia hoạt động trong nước với nhiều chương trình hòa nhạc lớn. Gần đây nhất là chương trình Điều còn mãi. Thời điểm chương trình này diễn ra tôi đi lưu diễn nước ngoài nhưng một số đồng nghiệp đi dự đã dành nhiều lời khen ngợi cho chương trình đầu tư công phu về nghệ thuật và có ý nghĩa lớn. Tôi hi vọng sang năm mình sẽ "bén duyên" với Điều còn mãi.

Dự án song ca giữa tôi và chị Lam với những bản tình ca bất hủ sẽ được hát và phối khí trên nền nhạc giao hưởng. Anh Lê Phi Phi là người có khả năng chỉ huy dẫn dắt một dàn nhạc giao hưởng lớn. Vì vậy, chúng tôi quyết định mời anh hợp tác và anh đã nhận lời.

* Có thông tin bạn chuẩn bị đi học múa?

- Đúng. Tôi muốn hướng đến một hình mẫu singer/performer nên sẽ đi học thêm múa đương đại. Điều đó không đơn giản vì ai cũng biết học múa người nghệ sĩ phải được đào tạo bài bản từ nhỏ. Tôi quan sát và thấy phần đông những đồng nghiệp khác hiện nay vẫn thích cách biểu diễn đóng và thu hẹp không gian lại, trong số họ có những người hát rất hay nhưng những biểu cảm khi diễn lại chưa hoàn toàn đúng với tinh thần tác phẩm.

Bởi vậy tôi muốn học thêm múa đương đại để giải phóng năng lượng, giải phóng cơ thể khi biểu diễn, làm sao cho những chuyển động của mình được linh hoạt và phóng khoáng. Còn lại tôi sẽ dành thời gian đi học để trở thành DJ, cũng có thể chỉ là nghề tay trái nhưng việc học giúp tôi uyển chuyển hơn, có nhiều khả năng và hiểu sâu hơn với dòng nhạc Electronic mà mình theo đuổi. Tóm lại những đam mê khác của tôi vẫn là những nhánh rẽ nhỏ trong khuôn khổ nghệ thuật để tôi tự hoàn thiện mình hơn.

* Cảm ơn Tùng Dương về cuộc trò chuyện!

Theo VNN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm