Ca khúc 'Reach Out (I'll Be There)' của The Four Tops: 'Hãy xin, sẽ được'

01/01/2023 20:07 GMT+7 | Giải trí

Điều thế giới cần giờ đây là tình yêu, một tình yêu ngọt ngào - và lòng trắc ẩn. Năm 1966, Four Tops, nhóm hát nam vĩ đại thứ hai ở Motown, sau The Temptations, đã mang tới cùng lúc cả hai điều đó trong hit đặc trưng của họ là Reach Out (I'll Be There) (Vươn tới, tôi ở ngay đây).

Reach Out cũng đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong phong cách của cả Motown lừng lẫy.

Quá khác biệt

Năm 1966, bộ ba nhạc sĩ nổi tiếng của Motown là Holland-Dozier-Holland - gồm Lamont Dozier và anh em Brian và Eddie nhà Holland - đang viết nhạc cho album mới của Four Tops - bộ tứ tới từ Detroit do Levi Stubbs đứng đầu. Trong đó, Dozier và Brian Holland nhận nhiệm vụ sản xuất và viết nhạc còn Eddie Holland viết lời và hòa âm.

Khi bắt tay vào viết Reach Out, Dozier nói rằng ông muốn đó là "một hành trình cảm xúc với căng thẳng kéo dài, như bolero". Để làm được điều này, họ thậm chí đã thay đổi cả phong cách của Motown.

"Cho tới lúc đó, hầu hết các ca khúc về cơ bản chỉ có ba hợp âm. Chúng rất đơn giản và, theo một nghĩa nào đó, rất rock & roll, nhưng tôi nghĩ rằng thử kết hợp cổ điển với phúc âm đã phát huy hết tác dụng của Reach Out. Theo tôi được biết thì cấu trúc đó chưa từng được khai phá trước đây, và trong ca khúc này, chúng tôi đã tiếp cận âm nhiều âm thanh và hướng khác nhau"- theo Dozier.

Ca khúc 'Reach Out (I'll Be There)' của The Four Tops: 'Hãy xin, sẽ được' - Ảnh 1.

Bộ ba sáng tác Holland-Dozier-Holland

Chưa hết, thời điểm đó, họ cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Bob Dylan. Thế nên, Eddie Holland đã hướng Stubbs "hét-hát lên ca từ, như một lời tri ân tới Dylan", giống như cách Dylan thể hiện trong ca khúc Like A Rolling Stone.

Ngoài ra, "Eddie Holland nhận thấy rằng khi Levi (Stubbs) lên tới đỉnh âm vực của cậu ấy, nghe như ai đó đang đau đớn, thế nên phải để cậu hát ở quãng đó" - Abdul Fakir của Four Tops có lần kể - "Mọi người có thể nghe thấy nước mắt trong giọng của cậu ấy".

Nhưng bản thân Stubbs lại không có vẻ thích thú.  DJ nổi tiếng của Detroit là Scott Regan nhớ lại mình đã tình cờ gặp Stubbs sau phiên thu âm: "Anhkhông thích cách họ bắt mình hét lên như thế. Rồi tôi nghe bản thu và chết lặng khi anh cảm thấy như vậy. Tôi nói với anh: "Stubbs, anh sai rồi! Giọng hát tuyệt quá. Nó sẽ là bản thu No.1"".Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua sức mạnh tạo nên từ giọng hát nền và nhạc cụ, được làm tương phản rất tài tình.

Sau tất cả, Four Tops vẫn… không phục. Họ muốn loại bỏReach Out vì âm thanh không giống như các chất liệu còn lại. Họ cũng xin ông chủ của Motown là Berry Gordy đừng phát hành ca khúc vì cảm thấy nó hơi kỳ quặc. Ngược lại, Gordy nhắc họ hãy chuẩn bị kỹ chuyện thuế má vì "chúng ta sắp phát hành bản thu lớn nhất các anh từng làm" và khi được hỏi: "Thế là chúng ta sắp thu âm ca khúc tuyệt vời này" thì lời đáp là: "Các anh đã thu rồi còn gì". Bởi đó chính là Reach Out!

Ca khúc vắt kiệt sức của cả người hát và người nghe “Reach Out”

"Tôi đang lái xe khi lần đầu nghe ca khúc phát trên đài. Tôi bị choáng nặng. Tôi quay xe một vòng và lái thẳng tới văn phòng của Berry. Ông ấy đang họp nhưng tôi cứ mở cửa vào và nói: "Gordy, từ sau đừng nói với chúng tôi ông định phát hành gì. Cứ thế mà làm theo ý ông. Chào""- Fakir hài hước nhớ lại.

Giải thoát

Không chỉ âm nhạc, ca từ của Reach Out cũng vô cùng đặc sắc.

Trước khi viết Reach Out, bộ ba Holland-Dozier-Holland đã có buổi thảo luận dài hơi về những gì phụ nữ muốn. "BrianHolland, Eddie Hollandvà tôi thường thảo luận về điều mà phụ nữ thật sự muốn nhất từ đàn ông. Sau khi nói về một số trải nghiệm của chúng tôi với phụ nữ, cả ba đều đồng tình rằng họ muốn có ai đó ở đó bên họ, lúc thăng hay lúc trầm, và xuất hiện ngay lập tức khi họ cần. Và ca khúc đã ra đời như vậy" - Dozier kể.

Họ cũng tham chiếu phúc âm vào ca từ, tạo thêm sức nặng cho Reach Out. Ca khúc hướng về một người phụ nữ u uất dường như sắp tự tử, hứa hẹn tình yêu vĩnh cửu, sự hỗ trợ và an ủi để dẫn cô vượt qua những khó khăn của mình. Người kể chuyện được miêu tả như một lực lượng gần như toàn năng có khả năng cứu rỗi. Tất cả những gì người phụ nữ cần phải làm là cầu xin và lời cầu nguyện sẽ được đáp lại.

Ca khúc 'Reach Out (I'll Be There)' của The Four Tops: 'Hãy xin, sẽ được' - Ảnh 3.

Levi Stubbs (thứ hai từ phải qua) cùng nhóm Four Tops

Stubbs, đúng như Gordy viết trong tự truyện To Be Loved, "có thể giải thích và truyền tải ý nghĩa của một ca khúc hay hơn bất kỳ ai". Trong cả Reach Out, cường độ giọng nam trung của Stubbs gần như không giảm sút, thậm chí đôi khi mạnh lên đến mức méo đi. Sức mạnh đó tạo nên niềm tin không thể hoài nghi về khả năng giải cứu cô gái. Sự hồi hộp tăng tới đỉnh điểm ở đoạn nối giữa phiên khúc và điệp khúc, khi giọng hát đệm như vỡ ra, "Vươn ra!", leo thang và lời cầu xin của Stubbs thêm thống thiết ("Nào cô gái, vươn tới tôi!"). Giọng hát bị cắt ra và, trong vài khoảnh khắc, số phận của cô gái chững lại lửng lơ. Liệu cô có khuất phục nỗi sợ hãi và lo lắng? Hay cô sẽ chấp nhận sự giúp đỡ? Cuối cùng, Stubbs "HAH!" một câu giải tỏa, như thể anh đã bắt được tay cô và kéo cô tới nơi an toàn. Tiếng cầu xin nay nhường chỗ cho lời khẳng định trấn an: "Tôi sẽ ở đó/Luôn ở đó để giúp em vượt qua". Đến phiên khúc cuối, cô gái không cần phải tìm kiếm nữa, anh đã gần kề ở đây (Chỉ cần nhìn qua vai em). Kiệt sức, cho cả Stubbs và người nghe!

Tác động thể chất đáng kể này làm cho các đĩa đơn này trở nên hữu hình, không như những bản thu âm sân khấu ở thời kỳ này. Nhưng ngay cả khi so sánh với các chị em của nó như Standing in the Shadows of Love hay Bernadette, tính cấp bách sinh tử của Reach Outvẫn chứa sức hấp dẫn vô song. Tuy nhiên, sức căng trong giọng hát có thể làm lu mờ tính triết lý trong Reach Out: Đó là sự thấu hiểu chiều sâu của sự chán nản, đồng thời, tôn vinh tính chắc chắn của giải thoát.

Nâng tình cảm lên mức thần thánh, ca khúc kinh điển của Four Tops là liều thuốc giải mạnh cho sự tuyệt vọng kinh niên, nhưng vẫn chất chứa hi vọng như những bản thánh ca người Mỹ gốc Phi trong thập niên 1960- thời điểm họ đang quay cuồng với những bất công của nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống, giữa phong trào dân quyền dâng cao.

Nhưng không chỉ mang tính thời điểm, Reach Out tới nay vẫn là ca khúc được mến chuộng cho những ai đang lâm vào tình cảnh ngặt nghèo. Giọng hát không chút lung lay của Stubbs cho người nghe niềm tin xác quyết rằng "Hãy xin, sẽ được" như Kinh thánh viết. Nó cũng giống như kiệt tác trên vòm nhà nguyện Sistine của Michelangelo, khi Chúa đưa tay về phía Adam; và Adam - dù trong bức tranh, không chạm vào tay Chúa - chỉ cần vươn ngón tay ra là có thể chạm tới.

Thành tích

Khi được phát hành vào tháng 8/1966, Reach Out nhanh chóng đạt vị trí xứng đáng: Đứng đầu các BXH khắp thế giới. Ca khúc chỉ mất bốn tuần để lọt Top 10 Billboard Hot 100 và hai tuần sau, đã có mặt trên đỉnh. Ở Anh, đĩa đơn ra mắt ở Top 20, và chỉ mất hai tuần nữa để lên No.1 - nơi nó tại vị trong ba tuần (lâu hơn ở Mỹ một tuần).

Niềm đam mê của người Anh dành cho Reach Out lớn tới nỗi bản thu trở lại Top 20 - chính xác là chỉ còn một bậc nữa là lọt Top 10 - vào mùa Hè năm 1988. Tượng đài không bao giờ mất đi vẻ sáng bóng của nó!

Trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone, Reach Out đứng thứ 78. Năm 2022, ca khúc được Thư viện Quốc hội Mỹ chọn để lưu giữ trong Viện lưu trữ ghi âm quốc gia.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm