Bùng nổ nạn bắt cóc trẻ em tại Iraq

12/10/2009 11:00 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Thời gian gần đây, bắt cóc đã vượt qua loại hình trộm, cướp, ăn cắp xe để trở thành hoạt động tội phạm phổ biến nhất ở thủ đô Baghdad của Iraq. Nạn nhân phần lớn là trẻ em. Gia đình chỉ có hai lựa chọn: Hoặc bán sạch gia sản để chuộc, hoặc chấp nhận mất con vĩnh viễn.


 Amoore và đứa con trai Ahmed mới được chuộc về.
Bước sang ngày đàm phán thứ 3 với những kẻ bắt cóc con trai, Rasul Amoore đã bán xe, rút sạch tiết kiệm và vay mượn người thân, bạn bè một khoản tiền lớn. Nhưng ông cũng chỉ gom được có 8.000 USD, chưa được 1/5 số tiền chuộc lên tới 50.000 USD mà bọn bắt cóc ra giá để chuộc đứa con trai 6 tuổi. Về sau khoản tiền chuộc giảm xuống còn 20.000 USD. Nhưng tất cả những gì mà Amoore, chủ cửa hàng bánh kẹo ở phía Đông Baghdad, có trong tay cũng chỉ mới bằng một nửa con số đó.


Những kẻ bắt cóc nghĩ rằng Amoore giàu có nên liên tục gây sức ép. Bị tra tấn về tinh thần kéo dài, Amoore không tự chủ được nữa. Ông hét lên qua điện thoại: “Cứ giết nó đi”. 4 giờ sau cậu bé Ahmed được thả sau khi bọn bắt cóc nhận được 10.000 USD. Giờ thì Amoore không biết lấy gì để nuôi thân và 4 đứa con.

Thời gian gần đây, các tay súng phiến loạn và giới tội phạm thích bắt cóc trẻ em hơn là cướp cửa hàng và trộm xe vì dễ bề đòi tiền chuộc.

Theo tướng Faisal Malik Mohsin, chỉ huy Lực lượng Cảnh sát Liên bang Iraq tại quận Al- Rasheed (ở Tây Bắc Baghdad), tiền chuộc là động cơ chính của các vụ bắt cóc, không giống thời kỳ bạo loạn hồi các năm 2006, 2007 - các vụ bắt cóc và giết hại có động cơ tôn giáo. Ông cho biết lực lượng phiến loạn chuyển qua việc bắt cóc để kiếm thêm thu nhập vì dòng tiền từ ngoài chảy về cho các hoạt động khủng bố trong nước đã bị chặn lại. Các tổ chức tội phạm cũng chọn bắt cóc thay vì trộm cướp bởi “dễ làm và hiệu quả”. Kết quả là bắt cóc chiếm hơn 50% các vụ phạm tội tại Baghdad.

Theo Mohsin, phụ nữ đang đóng vai trò ngày càng lớn trong các vụ bắt cóc do ít bị nghi ngờ. Phụ nữ trực tiếp bắt cóc trẻ em nhưng các cuộc đàm phán lại do đàn ông thực hiện. Trẻ em ở các khu vực giàu có của Baghdad như phố Palestine, Zayouna, Mansoor là những mục tiêu chính. Việc tờ rơi tìm trẻ mất tích xuất hiện ở những khu này đã không còn là chuyện lạ. Điều đáng nói là trẻ em ở các khu vực nghèo hơn giờ cũng không được an toàn trước các vụ bắt cóc. Tại ngoại ô thành phố Sadr mới đây người ta đã tìm thấy vài xác trẻ em bị chặt đầu, vùi vào thùng rác do cha mẹ chúng không trả được khoản tiền chuộc quá nặng.


Thi thể một đứa trẻ bị sát hại do gia đình không trả tiền chuộc.
Mặc dù 7 đêm liền gia đình Amoore mất ngủ, đau đớn và căng thẳng nhưng câu chuyện vẫn có cái kết hậu. Những nạn nhân khác không có được sự may mắn như vậy. Tháng trước, xác cậu bé Mohammed Muhsin, 11 tuổi, được tìm thấy trong bãi rác, cổ bị cắt, hai tay bị chặt. Bố mẹ cậu bé xấu số không thể trả 100.000 USD trong vòng 48 giờ để chuộc con. Cha của Mushin cho biết 3 ngày sau khi tìm thấy xác con ông, người ta còn phát hiện thi thể của hai đứa trẻ khác tại cùng một địa điểm, một em còn bị móc mắt.


Cha Muhsin, thợ máy ở thành phố Sadr, đã báo cảnh sát nhưng cho biết ông không tin tưởng vào cơ quan bảo vệ pháp luật. Quan điểm của ông được Amoore chia sẻ. Trong cả quá trình tìm cách cứu con người cha thậm chí còn không báo cho cảnh sát vì sợ rằng tình hình còn tồi tệ hơn. “Tôi không gọi cảnh sát vì tôi không tin họ. Họ đã không giải quyết được vụ này và sẽ không bao giờ giải quyết được” - Amoore nói. Thay vì nhờ cảnh sát, ông cho dán các tấm áp phích in ảnh của bé Ahmed, đưa ra tên, tuổi của cậu bé và số điện thoại liên lạc.

Giới quan sát khẳng định rằng những kẻ bắt cóc đang hưởng lợi do người dân mất tin tưởng vào lực lượng bảo vệ pháp luật. Cho rằng gia đình có con mất tích sẽ không vội nhờ cậy cảnh sát, bọn tội phạm chủ động gọi lien hệ và mặc sức vòi tiền. Theo Bộ Nội vụ Iraq, đã có rất nhiều vụ bắt cóc không được khai báo và chỉ dưới 10% nạn nhân trong số 265 vụ bắt cóc diễn ra trong năm nay được cảnh sát giải cứu.

Nhằm giảm bớt tình trạng này, tại Diyala, phía Bắc Baghdad, cảnh sát đã lập chương trình nâng cao nhận thức, kêu gọi các gia đình có con mất tích tìm tới cơ quan cảnh sát để được giúp đỡ. Thiếu tá Ghalib al-Joubri, phát ngôn viên cảnh sát tỉnh Diyala, nói rằng kể từ đó văn phòng của ông đã nhận được nhiều tin báo về các vụ bắt cóc. “Chúng tôi đang động viên người dân khai báo về tình trạng bắt cóc và chúng tôi đã nhận được sự cộng tác của nhiều người “ - Ghalib nói. Ông cho biết năm nay cảnh sát Diyala đã cứu được 18 - 19 nạn nhân bắt cóc.

Mặc dù vậy, nỗi sợ hãi trước nạn bắt cóc vẫn còn mạnh, nhất là sau khi tướng Qassim al- Moussawi, phát ngôn viên của cành sát Baghdad, nói rằng lực lượng phiến loạn trước đây đã chuyển thành các băng tội phạm có tổ chức, gây ra 60 - 70% các vụ phạm tội tại Iraq.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm