Vấn đề & Sự kiện: Bóng tối sau những quả pháo sáng

27/07/2010 11:14 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Rất khó để kiềm chế trong một khung cảnh mà mỗi cái đầu là một quả bom và người xem nhìn người giữ trật tự với ánh mắt hình viên đạn. Những gì diễn ra trên khán đài B sân Hàng Đẫy chiều Chủ nhật mới rồi đã không lặp lại câu chuyện của mùa trước, vì thế được xem là điều quá may mắn.

Thế nhưng, nó vẫn quá nguy hiểm. Sự an toàn của một trận đấu không thể chỉ là chuyện hên xui, và càng không phải là vấn đề riêng của lực lượng cảnh sát cơ động. Nó phải là của bóng đá, của những người điều hành giải đấu, khi bản thân họ đã có những công cụ trong tay để giải quyết vấn đề.
XM.HP trở lại V-League trong 3 năm là chừng ấy thời gian các BTC sân khốn khổ
vì pháo sáng Hải Phòng. Ảnh: VSI
Sẽ không bất ngờ nếu như BTC trận đấu giữa HPHN – XMHP, hay nói đúng ra là CLB HPHN sẽ bị phạt 15 triệu đồng, giống như HN T&T đã bị xử phạt cách đây khoảng 1 tuần, cho việc pháo sáng đã được đốt trên khán đài.

15 triệu là mức phạt thủ tục, nhưng cũng đủ nói lên bản chất của vấn đề. Nó gián tiếp khẳng định BTC cũng thừa nhận những người bật lửa châm ngòi cho những quả pháo sáng ấy không phải là các CĐV Thủ đô. Vì nếu là HPHN, hẳn là mức phạt sẽ nặng nề hơn. Cái án treo sân, đá ở địa điểm trung lập lơ lửng trên đầu họ.

Nhưng, nếu không phải là CĐV HPHN, thì những người đốt pháo sáng là ai?

Dĩ nhiên, khó có thể là các CĐV trung lập. Chỉ cần để ý tới vài chi tiết, rằng chỉ khi có XMHP đá ở sân Hàng Đẫy, thì mới có pháo sáng. Và các CĐV ngồi ở khán đài B, hầu như đều là những người cổ vũ cho đội bóng đất Cảng. Cũng có những người Hà thành thích tìm cảm giác mạnh, đã ngồi ở khán đài B, nhưng họ chỉ là thiểu số.

Khá hài hước là cho tới ngày hôm nay, BĐVN lại không thể xác định nổi những người ngồi trên khán đài là CĐV của đội bóng nào. Dĩ nhiên là không thể chủ quan “gắn mác” cho bất cứ cá nhân hay nhóm người nào, nhưng không phải là không có biện pháp.

Thế giới bóng đá từ lâu đã sử dụng camera gắn trên các khán đài như là một công cụ để phòng chống, theo dõi “tội phạm bóng đá”. Hôm qua, một cán bộ an ninh (không muốn tiết lộ tên) nói rằng, xác minh thân nhân các CĐV chỉ là một biện pháp nghiệp vụ giản đơn, nhưng từ trước tới nay họ chưa được VFF cậy nhờ để làm cái việc đó.

Liệu có thể hiểu là mặc dù VFF rất muốn loại trừ pháo sáng khỏi các trận bóng đá Việt Nam (một cách cổ vũ đôi khi vẫn được chấp nhận ở một số nền bóng đá khác), nhưng chính bản thân VFF lại chưa triệt để trong cuộc chiến này?

Liệu có phải án phạt dành cho XMHP mới đây, phải đá trận đấu với HAGL trên sân trung lập, chỉ là một sự miễn cưỡng?

Chiều Chủ nhật, 2 người đốt pháo sáng đã bị các lực lượng cảnh sát cơ động tạm giữ, dẫn giải từ khán đài. Đó sẽ là manh mối để lần ra gốc gác, xác minh liệu XMHP có phải chịu trách nhiệm cho những hành vi của các CĐV của mình (nếu 2 người nói trên đến từ Hải Phòng).

Quy chế kỷ luật sau những lần nâng cấp liên quan tới sự an toàn, trật tự trên các khán đài (từ năm 2007) đã quy định rõ là đội bóng của nhóm CĐV gây rối sẽ phải “trả giá” thay (hoặc cùng) các CĐV của mình.

XMHP đã và đang đạt khá nhiều những tiêu chí để vượt qua giới hạn của một đội bóng ở cấp độ địa phương, khi ngày càng có nhiều những CĐV trung lập yêu thích họ, mê lối chơi cống hiến và thần tượng cầu thủ có cái chân trái siêu việt Leandro. Các CĐV Hải Phòng đa phần được thừa nhận đã tạo nên một nét đẹp cho nền bóng đá VN.

Không lẽ lúc nào người ta cũng phải đối xử với mỗi trận đấu có sự hiện diện của họ như một nguy cơ? 

Phong Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm