Khinh khí cầu sẽ ngự trị bầu trời?

22/02/2011 11:05 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Khi chiếc khí cầu Zeppelin (*) khổng lồ mang tên Hindenburg bốc cháy trên bầu trời nước Mỹ và rớt xuống đất vào năm 1937, nó đã đánh dấu chấm hết cho ngành công nghiệp khí cầu. Tuy nhiên người Anh hiện đang có ý định đưa những phương tiện bay khổng lồ này trở lại bầu trời trong dự án tham vọng mang tên Hybrid Air Vehicle (Tạm dịch Phương tiện bay lai).

Di chuyển bằng khí cầu Zeppelin đã là một giấc mơ xa xôi, kể từ thảm họa nổ khí cầu LZ-129 Hindenburg hồi năm 1937, khi nó tới gần điểm dừng tại New Jersey, khiến 35 người trên khí cầu và 1 người dưới mặt đất thiệt mạng. Liệu ngành công nghiệp khí cầu có thể vượt qua dư chấn của thảm kịch và tìm được công nghệ phù hợp để đưa nó trở lại bầu trời.

Phương tiện bay ưu việt

Bộ Quốc phòng Mỹ tin rằng khả năng này hoàn toàn khả thi. Vì thế họ mới trao một hợp đồng trị giá 472 triệu USD cho Hybrid Air Vehicles, một công ty nhỏ ở Anh quốc đóng tại vùng Bedfordshire, nơi sẽ chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng Hybrid Air Vehicle (HAV), phương tiện bay được coi là lớn nhất thế giới.

Riêng việc giành được hợp đồng là một kỷ lục với công ty, sau khi họ đã đánh bại gã khổng lồ Lockheed Martin và chỉ mất có 4 tháng để chế tạo bộ khung của khí cầu, khoang chứa hàng, các thùng nhiên liệu, 4 động cơ cực mạnh với mỗi chiếc có công suất 8.000 mã lực, các ống dẫn khí giúp nâng khí cầu và hệ thống đẩy khí cầu di chuyển.

Mô hình khí cầu Zeppelin thời hiện đại đang được công ty Hybrid Air Vehicles của Anh phát triển, sản xuất

Gordon Taylor, giám đốc bán hàng của Hybrid Air Vehicles nói rằng khí cầu hoạt động giống một chiếc xe lai Toyota Prius. Ở trường hợp này, HAV bay bằng cách sử dụng hình dáng khí động học. Về cơ bản, hình dáng của nó giống một chiếc cánh lớn và khi không khí di chuyển qua, nó sẽ nâng khí cầu lên. Tiếp đó, HAV sử dụng công nghệ đẩy vector góc giống một chiếc phản lực Harrier, giúp nó có thể bay tốt trong điều kiện chở hàng nặng. Cuối cùng là hệ thống hạ cánh của khí cầu giống như một chiếc xuồng hơi. Công nghệ này khiến HAV có thể hạ cánh xuống bất kỳ bề mặt phẳng nào, thậm chí là trên mặt nước.

Thử nghiệm đã cho thấy đạn bắn, thậm chí tên lửa tấn công cũng không làm nổ khí cầu bởi lớp vỏ công nghệ cao của nó có áp suất rất thấp, chỉ 0,1 PSI. Để tiện so sánh, áp suất lốp xe thông thường dao động từ 20 – 40 PSI. Theo Hybrid Air Vehicles,  khí cầu mới đã có bước tiến rất dài so với giai đoạn những năm 30. Hỗn hợp khí được sử dụng hiện nay gồm có 60% helium và 40% không khí bình thường. Hỗn hợp này sẽ thay thế hữu hiệu chất hydro dễ cháy nổ của thời kỳ trước.

Trong khi những chiếc Zeppelin cổ điển mang hình chiếc tẩu vất vả chống lại gió mạnh, khí cầu mới sử dụng hình dáng khí động học sẽ dễ dàng vượt qua trở ngại này. Ưu điểm nữa của các khí cầu công nghệ cao này là chúng đốt rất ít nhiên liệu trong khi có thể chở nhiều hàng hơn và không cần đường băng để hạ cánh.

Triển vọng trở lại thống trị bầu trời

Nơi chế tạo HAV hiện nằm ở Nhà chứa Khí cầu Cardington thuộc vùng Bedfordshire. Vào năm 1924, đây đã là nơi người ta sản xuất khí cầu R101 dài 233m, cũng là khí cầu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên khí cầu yểu mệnh này đã đâm xuống đất vào ngày 4/10/1930, khiến 48 hành khách thiệt mạng, qua đó đánh dấu chấm hết cho những chiếc khí cầu dạng Zeppelin ở Anh.

Nhưng giống như các con tàu biển đã sống sót sau thảm họa Titanic, vẫn có những người muốn đưa khí cầu trở lại bầu trời. Trong số họ có Roger Munk, một kỹ sư với tầm nhìn rất xa. Ý tưởng cho ra đời chiếc HAV là của Munk và ông đã dành gần 40 năm qua chỉ để thiết kế và chế tạo khí cầu.

Cá nhân Munk đã không ít lần gặp họa khi làm việc với khí cầu. Đơn cử như năm 1995, một vụ cháy lớn đã xảy ra do tai nạn liên quan tới hoạt động hàn điện, đã thiêu cháy nhà chứa khí cầu Weeksville ở Bắc Carolina. Vụ cháy đã phá hỏng chiếc khí cầu Zeppelin mang tên Sentinel 1000 của ông.

Tuy nhiên tai nạn không khiến Munk bỏ cuộc. Ông quyết định tạo nên một dự án mới để sản xuất chiếc HAV với mục tiêu loại bỏ hết nhược điểm của khí cầu loại cũ. Munk đã phác thảo ra các ý tưởng ban đầu của mẫu khí cầu lai, vừa sử dụng các nguyên tắc khí động học, vừa dùng động cơ đẩy để nâng khí cầu lên khỏi mặt đất. Mẫu thử nghiệm đầu tiên bay thành công vào năm 2000, cho thấy ý tưởng đã thành công. Rất tiếc Munk qua đời hồi đầu năm 2000, trước khi biết tin công ty của ông giành được hợp đồng quân sự với Mỹ.

Ban lãnh đạo Hybrid Air Vehicles cho biết nếu mọi chuyện đi đúng kế hoạch, các bộ phận của HAV sẽ rời xưởng sản xuất vào tháng 5 tới và lên đường tới bang Arizona, Mỹ. Nơi đây, chúng sẽ được lắp ráp để trở thành khí cầu hoàn chỉnh và sẽ trải qua các thử nghiệm trước khi trở lại Anh vào đầu năm 2012. Đó sẽ là lần đầu tiên một khí cầu dạng Zeppelin xuất hiện trên bầu trời nước Anh kể từ những năm 30. Phương tiện bay đặc biệt này sẽ đóng tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Anh và sẵn sàng phục vụ làm thiết bị do thám hoặc chở hàng nặng khi có yêu cầu.

Taylor cho biết HAV sẽ là những phương tiện chở hàng hữu hiệu, với khả năng di chuyển nhanh, mang theo lượng hàng lớn tới các vùng đất khó tiếp cận. Ông thổ lộ rằng công ty đã có kế hoạch sản xuất những chiếc khí cầu với tải trọng tới 1.000 tấn và qua đó sẽ giúp khai trương một dịch vụ chở hàng mới với chi phí rẻ, hiệu quả cao. Bước đầu HAV sẽ được sử dụng như một thiết bị thăm dò quân sự và tải hàng nặng. Nhưng Taylor phỏng đoán sẽ chỉ mất vài năm trước khi HAV bắt đầu chở khách và theo đó đưa khí cầu Zeppelin thời hiện đại trở lại tung hoành trên bầu trời như giai đoạn trước đây.

(*) Khí cầu Zeppelin là những chiếc khinh khí cầu (máy bay tĩnh) được đặt tên theo nhà chế tạo chúng là Ferdinand Graf von Zeppelin

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm