Whitney Houston: Và cái chết cũng không thể chia lìa (Bài kết)

18/02/2012 07:00 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH Cuối tuần) - Clive Davis, ông trùm của những ông trùm trong ngành ghi âm, người đến tận nơi xem Whitney biểu diễn khi cô mới chân ướt chân ráo đến New York lập nghiệp, bảo rằng: “Whitney Houston là một tặng phẩm từ trời, ngày đầu tiên khi tôi được cộng sự bảo rằng hãy đi xem cô ấy diễn ở một quán bar tại New York, khi đến xem tôi đã sững người và việc đầu tiên tôi làm là ký ngay một hợp đồng ghi âm với cô ấy và sau đó cho cô ấy tự do trong 2 năm. Chẳng phải tôi dư tiền gì mà chẳng qua tôi phải mất đến 2 năm mới tìm được nhà sản xuất và nhạc sĩ sáng tác đẳng cấp cho cô ấy. Giọng hát ấy phải có những tay thật sự giỏi mới làm lộ rõ được hết tất cả vẻ đẹp tiềm ẩn”.

>> Chuyên đề sự kiện: Whitney Houston qua đời

Đó là năm 1983, khi trước đó Whitney Elizabeth Houston vẫn còn hát hàng đêm tại một quán bar bình dân ở New York, cô hát cùng với mẹ, tiền công chia đôi và ước mơ đi theo nghiệp hát cứ lấp lửng ở trên cao. “Đi hát tiếp hay quay trở lại nghề người mẫu?” là câu hỏi thường trực trong đầu Whitney. Trước đó nữa cô cũng khá nổi tiếng trên các bìa báo thời trang, là người da màu đầu tiên lên bìa tờ Seventeen nhưng nghiệp mẫu không làm “con chim sơn ca bé nhỏ” (lời Clive Davis sau này) thôi hoài nhớ tiếng hát của chính mình. Cô vẫn đi hát để mơ tưởng mình sẽ trở thành Chaka Khan, Gladys Knight, Roberta Flack hay ít ra cũng phải như bà chị họ Dionne Warwick. Whitney mơ được ngân cổ hát trước sân vân động Super Bowl, trước hàng chục nghìn người, như Diana Ross. “Tôi chỉ có một niềm đam mê duy nhất là được ca hát, tôi phụng sự cuộc đời tôi bằng giọng ca, tôi khao khát giọng hát của tôi làm cho mọi người hạnh phúc chứ không phải cuộc sống riêng tư của tôi. Hãy dẹp hết nó đi, chỉ có giọng ca của Whitney là thật mà thôi”, Whitney trả lời báo giới vào năm 1997 khi đang ở đỉnh cao vinh quang, cùng Mariah Carey, Céline Dion, Gloria Estefan và Shania Twain hàng năm giúp cho ngành công nghiệp ghi âm Mỹ tiêu thụ hơn 200 triệu đĩa nhạc.

Whitney đã phải nuôi ước mơ ấy từ năm 14 tuổi (1977) khi đi hát cùng mẹ để nhận vài đô lẻ mỗi tối cho đến khi Clive Davis chìa ra một tờ giấy trong đó cô có thể điền bất cứ số tiền nào cô muốn vào năm 1983.

Vẻ đẹp mặn mòi trong bộ phim rất được yêu thích, The Bodyguard (1992)

Giấc mơ thành cổ tích

Gặp Davis, cuộc đời Whitney Houston rẽ sang một trang mới, cô được xem là một Michael Jackson của hãng đĩa Arista, một người đủ sức trở thành một tượng đài thay thế những huyền thoại mun đen trước đó. Trong hai năm, 1983-1985, Davis đi tìm những nhà sản xuất tài năng nhất để làm sao, ngay album đầu tay, cả thế giới sẽ phải tròn mắt với giọng hát Whitney. Rất nhiều nhà sản xuất được chọn rồi bị loại, cũng có nhiều người nổi tiếng đã cự Davis “tại sao lại nuông chiều một con bé chưa có gì, nhất là giọng hát ấy chỉ hợp với gospel chứ làm sao mà hát pop?”. Đáp lại, Davis xóa luôn quan hệ với lý do: “cái tai như thế mà đòi làm sản xuất âm nhạc!”. Cuối cùng, một bộ sậu được hình thành gồm Michael Masser, Kashif, Jermaine Jackson (anh trai Michael Jackson) và Narada Michael Walden, tất cả đã sẵn sàng cho album đầu tay cùng tên Whitney Houston ra mắt vào ngày 14/3/1985.

Nếu như một album chỉ cần một đến hai bài “hit” là đã thành công rực rỡ thì ngay album đầu tay của mình, Whitney đã chễm chệ trên Billboard đến 3 bài. Chưa kể trong tổng số 10 bài thì hết 6 bài đến bây giờ bất cứ ai mê giọng ca này cũng đều nhớ tới. Những Saving All My Love for You, How Will I Know, All at Once, Greatest Love of All… đều trở thành quán quân trên các bảng xếp hạng, được “cover” hàng trăm lần và ở Việt Nam không thiếu những ca sĩ ngôi sao hát lại. Chỉ riêng tại Mỹ, khi vừa phát hành, album này đã bán 13 triệu bản, 13 lần nhận giải Bạch kim, đứng đầu bảng tổng sắp năm của Billboard, album bán chạy nhất ở Mỹ năm 1986, 46 tuần liên tiếp đứng Top 10, bản thân Whitney Houston được đề cử 4 giải Grammy và sau đó giành được hai giải. Tờ Rolling Stones ví giọng ca của Whitney là đến từ hành tinh khác và khẳng định “còn rất lâu nữa mới có giọng ca lạ lùng mà đắm say thế này” (đồng thời xếp album này vào Top 500 album hay nhất mọi thời). Tờ New York Times bình phẩm “một thanh quản đặc biệt, hát mà cứ như chơi”... Trong căn phòng dán đầy hình Whitney ở tổng hành dinh Arista, ông trùm Davis xoa tay cười khoan khoái.

Tôi chỉ có một niềm đam mê duy nhất là được ca hát, tôi phụng sự cuộc đời tôi bằng giọng ca, tôi khao khát giọng hát của tôi làm cho mọi người hạnh phúc chứ không phải cuộc sống riêng tư của tôi. Hãy dẹp hết nó đi, chỉ có giọng ca của Whitney là thật mà thôi - Whitney Houston

Từ đó trở đi, như truyện cổ tích, cuộc đời âm nhạc của Whitney Houston tràn đầy hạnh phúc. Tất cả những album cô phát hành đều là nguồn thu đáng kể cho Arista, tất cả các giải thưởng âm nhạc lớn nhỏ đều có tên Whitney Houston. MTV luôn dành riêng đất cho Whitney và bản thân sự thành công của cô cũng mở đường cho các giọng ca nữ mun đen như Janet Jackson, Anita Baker vào thị trường đại chúng và thành công vang dội. Các ca khúc như Didn’t We Almost Have It All, I Wanna Dance with Somebody (Who Loves Me), Where Do Broken Hearts Go, I Know Him So Well, When You Believe (hát cùng Mariah Carey)… liên tục đi vào niềm nhớ và Whitney lại tiếp tục đánh bật The Beatles, Bee Gees… để xác lập những kỷ lục mới mà ngay cả ông hoàng nhạc pop đương thời, Michael Jackson, cũng không qua nổi.

Các buổi diễn đều cháy vé và quan trọng nhất Whitney không lấy đó làm thước đo thành công, cô chỉ muốn được hát, được là con chim sơn ca bé nhỏ lảnh lót giữa cuộc đời.

Năm 1992, một lần nữa Whitney lại làm bùng nổ cả rạp chiếu bóng lẫn rạp hát khi cô cùng Kevin Costner đồng diễn trong The Bodyguard, bộ phim thành công vang dội (thu 420 triệu USD toàn cầu) và bài hát chính trong phim, I Will Always love you (hát lại của Dolly Parton năm 1974), đã đoạt 2 giải Grammy và 7 giải thưởng âm nhạc khác. Tờ The Washington Post chạy hàng tít chơi chữ “Whitney hát còn hay hơn cả Houston”, Whitney hát như thể đó là bài hát mới toanh và những ai đã từng hát thành công trước đó, đều không còn trọng lượng gì.

Whitney tiếp tục làm mưa làm gió, chất nhạc R&B được xưng tụng khắp mọi nơi nhờ giọng hát của cô. Cô được mời vào Nhà trắng, được gặp gỡ Nelson Mandela, được trở thành một người da màu đáng tự hào nhất, trở thành biểu tượng của việc chống phân biệt chủng tộc…

Với chồng cũ, Bobby Brown những ngày còn mặn nồng

Một cuộc đời đáng quên

Whitney trên sân khấu và Whitney của đời thường là hai thái cực. 15 năm trước cô nói rằng “hãy quên đi đời thường của tôi mà hãy chỉ nghĩ về giọng hát. Cuộc đời tôi chẳng có gì hay ho để được quan tâm”. Đó là Whitney muốn ám chỉ báo chí cứ xông vào nhà cô và đem vấn đề ma túy cũng như lục đục chuyện vợ chồng ra mổ xẻ.

Thực tế Whitney Houston là một người nghiện nặng. Cô đã ra vào trại cai nghiện rất nhiều lần và chưa bao giờ dứt cơn. Và người đem đến cho cô “chất giảm đau” ấy là Bobby Brown, chồng cô, một ca sĩ nổi tiếng và cũng là một người nghiện có thâm niên. Sau này Whitney thổ lộ thật ra cô đã có thể chia tay Bobby từ rất lâu nhưng rồi chính ma túy đã khiến họ không thể xa nhau. Họ cưới nhau vào năm 1992 và phải đến năm 2007 cả hai mới chính thức ly dị. Đã rất nhiều lần Whitney như sống trong địa ngục khi bị Bobby thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Nhưng lần nào cô cũng nuốt giận vào trong để mong yên ổn và cũng để giữ gia đình hạnh phúc trước mặt con gái.

Ngày 11/2 khi hay tin Whitney Houston qua đời Bobby Brown đã khóc hết nước mắt. Lúc ấy anh đang trình diễn trên sân khấu và người ta thấy Bobby khóc như một đứa trẻ. Câu: “Anh yêu em, Whitney” được lặp lại nhiều lần.

Nhưng không chỉ Bobby đã khóc, rất nhiều người đã khóc cho tài năng yểu mệnh Whitney Houston. Khi mà tiếng chuông Grammy chuẩn bị cất lên, khi mà Valentine bắt đầu đỏ hồng ở mọi nơi, khi mà tiếng hát của Whitney thay lời muốn nói cho tình yêu thì ca sĩ của nó đã ra đi. Trong lời cuối bài hát One moment in time, Whitney đã hát “Hãy cho tôi một khoảnh khắc trong cuộc đời, khi tôi vẫn đang chạy đua cùng số phận để tôi được tự do”. Whitney đã tự do và bây giờ Arista của ông trùm một thời Clive Davis sẽ phải tự lo.

Tôi yêu Whitney đơn giản Whitney là Whitney mà thôi vì giọng hát ấy đối với tôi từ trước đến giờ vẫn là duy nhất. Tôi chưa bao giờ tìm được một giọng hát nào đầy ma lực, đầy cảm xúc, tinh tế và âm sắc giọng thì lại cực kỳ đặc biệt. Tôi nghe Whitney năm 11 tuổi và album đầu tiên tôi sưu tầm cho bằng được là album nhạc phim Bodyguard. Đó là album người lớn đầu tiên mà tôi chủ động nghe và sau đó cực kỳ yêu thích. Bài I will always love you theo tôi không ai hát hay hơn Whitney, một giọng hát không thể gặp lại. Whitney Houston chưa bao giờ có ngã rẽ riêng, cô đi theo R&B một cách xuất sắc, chò dù sau này có pha thêm một chút dance thì tôi vẫn nhận ra cô ấy ở R&B và thời kỳ nào cô ấy cũng rất tuyệt. Giọng hát của cô đa màu và có thể “trị” bất cứ ca khúc có tiết tấu như thế nào. Album cuối cùng của cô phát hành năm 2009, I look to you, cho dù nhiều người có vẻ không thích nhưng theo tôi đó vẫn là một album tuyệt vời. Bạn không thể đòi hỏi một giọng ca ở tuổi gần 50 xử lý thanh quản như 20 năm trước nhưng cái quan trọng nhất là chất của Whitney vẫn tồn tại ở đấy. - Ca sĩ Đức Tuấn

Đối với tôi Whitney Houston là giọng ca vĩ đại nhất của thời đại chúng ta. Là người duy nhất có thể xóa bỏ mọi rào cản về ngôn ngữ và là nguồn cảm hứng không chỉ cho các ca sỹ mà còn cho các nhạc sĩ, nhạc công, nhà sản xuất trên toàn thế giới. - Nhạc sỹ Huy Tuấn

Vì yêu những bài hát của Whitney mà tôi đã học để có được kỹ thuật hát, hơi thở, sự luyến láy và cả thần thái trên sân khấu giống như bà. Giọng hát của Whitney không chỉ là tài sản của riêng bà mà là của tôi, của bạn, của toàn thể nhân loại, vậy mà tại sao bà ấy lại không biết giữ gìn? - Ca sĩ Thu Minh

Nguyên Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm