MC Thùy Minh: Cô nàng IME

09/09/2008 15:10 GMT+7 | Truyền hình thực tế

Năm 2004, khi casting MC cho Tạp chí MTV của VTV3, qua được vòng sơ tuyển, Thùy Minh đinh ninh sẽ được lên hình – nhưng cuối cùng thì “mình không được một sếp của VTV3 duyệt do tóc quá ngắn”. Lúc ấy Minh đã rất thất vọng, nhưng cũng đồng thời tự nhủ: Mình tin là mình có thể làm tốt, thì sớm muộn gì mình cũng trở thành một MC.
 
Sau đó, Minh chuyển sang viết kịch bản cho Tạp chí MTV trong suốt hơn 1 năm. Công việc này đã giúp Thùy Minh xây dựng những kỹ năng đầu tiên về viết kịch bản truyền hình và quan sát một ê kíp truyền hình làm việc. Một thời gian sau, Thùy Minh tham gia một số công việc liên quan đến mảng xã hội dành cho giới trẻ, xây dựng thương hiệu và PR cho một số lĩnh vực – Minh lại có thể tìm hiểu sâu hơn về những ngóc ngách của truyền thông. Và rồi một ngày, nick name “Thùy Minh IME” chính thức xuất hiện…
 
* Bạn đã đến với chương trình IME như thế nào?

Vào đầu năm 2007, khi VTV6 chính thức được thành lập, Minh nhận được lời mời của chị Diễm Quỳnh để cùng thực hiện và xây dựng kênh truyền hình mới này. Do Minh đã từng cộng tác với chị Quỳnh ở VTV3 trước đó. Chương trình IME là một talkshow của chính Minh viết format nên cũng đảm nhiệm luôn việc dẫn chương trình. Lúc casting cho vị trí này chỉ có Minh là người duy nhất tham gia và vì thế cũng là người duy nhất... trúng tuyển!

* Bạn đã từng làm những việc liên quan đến truyền thông trước khi làm IME chưa?

Minh từ trước thường liên quan đến truyền thông. Điều này do bản thân Minh muốn mình thật hiểu biết về lĩnh vực truyền thông tại Việt Nam. Như việc Minh làm báo Hoa Học Trò suốt 7 năm nay và vẫn tiếp tục giữ chuyên mục riêng của mình. Ngoài ra, Minh cũng tham gia viết cho một số báo như Lao Động, Sài Gòn Tiếp thị. Vào năm 2006, Minh có 7 tháng tham gia vào một talkshow trên Đài tiếng nói Việt Nam có tên là “Đối thoại với người nổi tiếng”. Công việc này đã giúp Minh có những kinh nghiệm đầu tiên trong việc làm chủ một talkshow, cũng như hiểu những công đoạn thực hiện một chương trình trên radio. Đến giờ, cũng có rất nhiều người nhận ra giọng của Minh từ talkshow ngày đó.

MC Thùy Minh trong chương quay chương trinh IME

* Tại sao Thùy Minh chọn nghề MC để theo đuổi? Thùy Minh lựa chọn phong cách dẫn chương trình như thế nào và muốn mang lại điều gì cho khán giả qua phong cách của mình?

Nghề MC cũng như mọi nghề khác - lựa chọn của Thùy Minh với công việc này luôn xuất phát từ niềm tin: mình có thể làm tốt. Niềm tin ấy không đến từ những gì mọi người vẫn nghĩ về công việc truyền hình như: được nổi tiếng, được lên hình... Niềm tin ấy đến từ những kỹ năng truyền thông mà Minh đã học tập và xây dựng bấy lâu nay. Nói về phong cách dẫn cũng vậy, Minh gần như không lựa chọn một phong cách cho riêng mình. Nếu mọi người nhìn nó như một phong cách của Thùy Minh - thì đơn giản, nó đến từ những kỹ năng.

* Thùy Minh có thể cho những ví dụ cụ thể về cách sử dụng những kỹ năng của mình?

Ví dụ, để khai thác câu trả lời cuối cùng của nhân vật, Minh thường đặt những câu hỏi ngắn, đơn giản để người nghe có thể trả lời được ngay chi tiết, chứ không trả lời chung chung. Như một nhạc sỹ nói: “Tôi sáng tác được khá nhiều rồi", thì ngay sau đó Minh sẽ luôn hỏi là:“Khá nhiều là bao nhiêu ạ?".Tuy nhiên, nhiều khi Minh lại chọn một câu hỏi thật rắc rối, nhiều vế, để người trả lời tự lựa chọn và chia sẻ suy nghĩ riêng của mình, hay đơn giản chỉ để trả lời “” hay “Không” , “Đúng” hay “Sai”...
 
Qua những kỹ năng này, Minh muốn mang đến khán giả một cuộc nói chuyện mà trong đó, họ sẽ được lắng nghe, sẽ thu nhận được thông tin, sẽ có hình dung cụ thể về cá tính, thói quen, sở thích... của người đang nói chuyện, chứ không chỉ là những cảm nhận chung chung, không rõ ràng và thiếu sự ghi nhớ.

và cùng ca sĩ Tùng Dương trong một chương trình của IME 
* Thùy Minh đã bao giờ nghe những lời nhận xét của khán giả về cách dẫn của mình chưa? Minh có thay đổi phong cách nếu khán giả không thích (Ví dụ có người nhận xét cách dẫn của Minh quá Tự nhiên chủ nghĩa)

Thùy Minh không ngại và luôn luôn cố gắng nghe thật nhiều ý kiến của khán giả, không chỉ về cách dẫn , mà về cả show nói chung. Sau khi nghe, Minh rút ra kết luận: ai thích cách dẫn này thì rất thích, khen Minh tự nhiên, cá tính, thông minh... Còn ai không thích thì cũng chê Minh tẹt ga: nào là Tự nhiên chủ nghĩa, nói nhiều hơn cả khách mời, hoặc đơn giản là nhìn không... xinh, không... bình thường như các MC khác. Nhưng đặc điểm chung của cả hai luồng khen - chê này là: họ luôn nhớ ra Thùy Minh là ai, chứ không bao giờ đến nỗi: “À, xem chương trình đấy rồi, nhưng không nhớ lắm...". Minh nghĩ như vậy là thành công. Vì quan điểm của Minh về truyền thông là: phải được khán giả ghi nhớ. Có rất nhiều khán giả, làm sao có thể điều chỉnh để ai ai cũng thích mình?

* Cái khó khi khai thác những người nổi tiếng là gì?Tại sao IME lại chọn cách khai thác những người nổi tiếng bằng Kokology (trắc nghiệm)?

Như mọi người cũng biết, người nổi tiếng luôn giữ hình ảnh của họ rất kỹ trước mắt mọi người, và còn cẩn thận nhiều hơn khi được lên hình. Chính vì thế một đặc điểm rất thường gặp khi được hỏi về những vấn đề riêng tư, chia sẻ quan điểm cá nhân - thì họ thường trả lời chung chung hoặc né tránh. Ví dụ như Hà Anh Tuấn - nếu hỏi: Có phải từng yêu Phương Linh?, tất nhiên sẽ trả lời: Chúng tôi chỉ là bạn! Hay như Đoan Trang - nếu hỏi: Bao giờ chị sẽ lấy chồng?, thì trả lời: Trong tương lai gần, vẫn chưa biết được!... Thế nên rất khó khai thác những quan điểm và cảm xúc thực sự.
 
Khi Johnny Trí Nguyễn ly thân với vợ, ngay trước khi quay hình, anh dặn Minh là đừng nói về chuyện gia đình. Vậy làm thế nào để khán giả yêu mến chân dung Johnny khi anh nói về con cái, mà vẫn phải tránh nhắc về vợ anh! Kokology có một đặc điểm là luôn đặt người chơi vào một tình huống mà họ không phải là mình. Khi đó, người chơi thoải mái bày tỏ quan điểm, mà gần như không ý thức được Kokology sẽ có lời giải đáp về chính họ. Có thể nói, Kokology giúp những người nổi tiếng hiện lên theo cách mà họ không chuẩn bị sẵn được.

* Thùy Minh có thường tự trắc nghiệm bằng các Kokology trong IME? Kết quả thế nào?

Trước khi làm IME, Minh rất thích chơi Kokology. Nhưng sau này, khi Minh viết kịch bản, thường chỉ tập trung chọn Koko hợp với khách mời, dịch và diễn đạt cho dễ hiểu, nên quên béng mất để... tự chơi. Nhưng thường thì Minh thấy Kokology đúng với mình.

* Theo Thùy Minh, Kokology có thể hiện được đúng nhân vật không? IME thườngtìm, lựa chọn các Kokology ở đâu?

Không có trắc nghiệm nào là đúng 100%, nhưng dù có sai - thì nhân vật khách mời và MC lại có cớ để nói chuyện tiếp xem Sai như thế nào? và câu chuyện lại tiếp tục. Minh thường sử dụng quyển Kokology - The game of self- discovery của tác giả Nhật Bản Tadahiko Nagao và Isamu Saito, sau đó dịch lại sang tiếng Việt, đồng thời tìm thêm những trắc nghiệm thú vị ở trên mạng.

Thông tin bên lề

Sinh ngày 27/9/1983

Cựu học sinh trường PTTH Năng khiếu Trần Phú – Hải Phòng
 
Bạn thử tưởng tượng cô giáo Thùy Minh sẽ như thế nào nhỉ! Thùy Minh đã từng học ngành “gõ đầu trẻ” đấy!
 
Thùy Minh sinh ra trong gia đình có bố làm kỹ sư, mẹ là bác sỹ, mẹ của Minh đang chuẩn bị sang Châu Phi làm việc cho một tổ chức y tế thế giới, em gái của Minh hiện là sinh viên năm thứ 2 ĐH Luật.
 
Sở thích: nhảy, hát, cà phê. Có lúc Minh lấy quán cà phê làm văn phòng vì mỗi ngày có thể giành hơn 8 tiếng ở những quán cà phê khác nhau.
 
Sở hữu bộ sưu tập trang sức với 3 … giỏ rất to cùng rất nhiều đôi giày đủ các mầu.
* Có bao giờ kết quả của Kokology gây bất ngờ, ngược lại với những dự đoán ban đầu của IME không?

Kết quả của Kokology Minh thường biết trước nên luôn nằm trong dự đoán. Chỉ có phản ứng của nhân vật khi nghe xong đáp án là bất ngờ. Có lần nhà thiết kế Công Trí khi nghe kết quả thì im lặng, mặt đỏ ửng thú nhận: Cái trước đã đúng, mà cái này còn đúng hơn!. Tăng Thanh Hà thì luôn có những phân tích rất logic để... phản biện lại Kokology. Xuân Bắc lại yêu Kokology đến mức cứ đọc xong đáp án lại vỗ đùi đen đét "Ôi, đúng quá, đúng quá!". Có những phản ứng thú vị chỉ thấy trên mặt khách mời lúc đó, phải nhờ đến đạo diễn hình để “bắt” được những khoảnh khắc hiếm có ấy.

* IME đã làm được bao nhiêu nhân vật? Nhân vật nào ấn tượng nhất?

Đến bây giờ IME đã làm khoảng gần 30 nhân vật. Nhân vật "xui xẻo" nhất phải nói đến là Hà Anh Tuấn khi quay hình chương trình đầu tiên và phải uống... cà phê muối. Nhân vật bị thách thức "ghê rợn" nhất là Johnny Trí Nguyễn khi anh bị yêu cầu chặt 3 viên gạch (nhưng chỉ có 1 viên là thật. 2 viên còn lại bằng xốp). Diễn viên Xuân Bắc do nói quá hay nên thời lượng lên sóng của IME Xuân Bắc phải tăng thêm 15phút... Đúng như tên tiếng Việt của chương trình là Vân Tay - mỗi nhân vật đến với IME đều thể hiện nét riêng của họ.

* Quy trình sản xuất một chương trình IME như thế nào? Thùy Minh phải làm những công việc gì?

IME bắt đầu thực hiện từ giai đoạn book trường quay, lên list khách mời, viết kịch bản, quay phóng sự, làm công tác khán giả, sau đó là quay hình và thực hiện phần hậu kỳ. Minh tham gia hầu hết các khâu, trực tiếp làm kịch bản, dẫn chương trình và dựng băng hậu kỳ để ra một show hoàn chỉnh.

* Ngoài IME, Thùy Minh còn tham gia chương trình nào?

Minh là đồng tác giả của show Kết nối trẻ, và đã từng tham gia sản xuất 3 show của VTV6. Hiện tại, Minh là trưởng nhóm Đồng hành cùng Sao Mai Điểm hẹn , thực hiện 3 phóng sự/ tuần cho Sao Mai Điểm hẹn 2008.

* Ước muốn của Thùy Minh trong tương lai?

Xuất bản một cuốn sách tự truyện ăn khách.
 
Theo TGĐA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm