Đề văn bắt trúng bệnh của giới trẻ

11/07/2012 10:35 GMT+7 | Giáo dục


(TT&VH) - Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay tiếp tục có câu hỏi mở yêu cầu thí sinh bàn về vấn đề xã hội. Đặc biệt, đề thi Ngữ văn khối D lại đề cập đến thần tượng, một vấn đề nóng trong giới trẻ hiện nay. Điều đó đã tạo một hiệu ứng xã hội không nhỏ và được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn.

TT&VH đã tìm hiểu ý kiến của các nhà giáo, nhà phê bình trong lĩnh vực văn học về vấn đề này.

Form đề thi chuẩn mực

TS Chu Văn Sơn, Giảng viên khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội chia sẻ: "Đề văn học năm nay gồm 3 câu với tỷ lệ thang điểm 2- 3- 5. Có tới hai câu về văn học, chiếm tới 7/10 điểm. Còn nghị luận xã hội chỉ có một câu chiếm 3/10 điểm. Chính sự có mặt của một câu nghị luận xã hội mới đã tạo ra sự cân đối cho đề văn hiện nay. Nó đòi hỏi thí sinh vừa phải có những kiến thức về văn học, vừa có kiến thức xã hội và kỹ năng để bộc lộ suy nghĩ, quan điểm của mình. Còn nếu đề thi chỉ bó hẹp về văn học thôi thì sẽ phiến diện về phía "văn" mà xem nhẹ khía cạnh xã hội".

PGS.TS Ngô Văn Giá, Chủ nhiệm Khoa Sáng tác, Phê bình & Lý luận Văn học, Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: "Đây là môn Ngữ Văn gồm Ngữ (nghĩa là ngôn ngữ hay cụ thể là Tập làm văn) và phần Văn. Nên trong chương trình học cũng đã có một phần rất quan trọng là phần Tập làm văn, phần thuộc về Ngữ. Vì vậy đề không hề lệch lạc, không xa chương trình. Phần Ngữ thường 3 điểm nên đề thi năm nay như thế là chuẩn mực.

Hơn thế, đề còn hay ở chỗ phần nghị luận xã hội, nếu ra đề không khéo, học sinh sẽ viết những điều sáo rỗng, rập khuôn, những thứ rất gần với các cuộc thi hùng biện. Nhưng trường hợp này do nắm bắt đúng mạch của giới trẻ hiện nay nên họ được phép bộc lộ thành thực quan điểm. Họ được bộ lộ cả cái hay và hạn chế. Đây là loại đề cho học trò bộc lộ cảm nghĩ, quan điểm chứ không phải là loại đề ăn theo, nói leo".

Thí sinh được trình bày quan đểm của mình trong phần thi nghị luận. Ảnh minh họa

“Có thứ thần tượng nguy hiểm”

Ngay sau khi môn thi Ngữ Văn khối D kết thúc, trên một số diễn đàn xuất hiện một số ý kiến tỏ ra ấm ức vì cho rằng đề thi buộc các em hoặc phải phê phán lối sống của mình. Thầy Chu Văn Sơn cắt nghĩa hiện tượng này: "Đề ra 2 vế rất rõ, chia ra làm 2 mức độ, trong đó vế 1: ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa; vế 2: mê muội thần tượng là thảm họa.

Bản thân việc ngưỡng mộ thần tượng không xấu nếu không muốn nói là đáng quý nếu như ý thức được mức độ. Còn nó sẽ là tiêu cực, thảm họa nếu nó không ý thức được mức độ. Đề ra hai vế này rất là cân đối, bổ sung cho nhau, bản thân đề không hề lên án việc ngưỡng mộ thần tượng. Đề chỉ lên án việc mê muội thần tượng một cách thái quá, không làm chủ được hành vi và mức độ. Đề thi cảnh báo nếu để việc ngưỡng mộ ấy đi quá đà, dẫn tới sai lầm trong nhận thức và hành động. Đấy mới là thảm họa".

PGS.TS Văn Giá cho rằng: “Câu nghị luận xã hội 3 điểm rất hay. Hay ở chỗ nó bắt trúng được vào căn bệnh của giới trẻ. Thần tượng thời nào cũng có nhưng thần tượng của giới trẻ hiện nay dễ dãi, nông nổi, a dua.

Thần tượng được hiểu là năng lực chuyên môn xuất chúng. Vế 1 của đề không chê thần tượng. Thần tượng là một yếu tố kích thích để người ta ngưỡng vọng, vươn lên, khẳng định năng lực, đường đi của mình. Còn vế thứ 2, khi thần tượng đi quá, tới sự u mê. Trong đời sống, thần tượng cũng có những hạn chế và lầm lạc. Thực tế có những ngôi sao hút hít, nghiện, cho nên nếu tôn thờ thần tượng một cách mê muội, bắt chước cả kiểu tóc, điệu cười, cái vẫy tay, đi lại… và cả những hạn chế của thần tượng ấy thì sẽ là thảm họa”.

Theo PGS.TS Văn Giá: “Hiện nay, thần tượng cũng có nhiều loại, những nhân vật có tài năng, có tính khích lệ, hướng tới giá trị cao nhất của cộng đồng. Nhưng cũng có những “thần tượng” cấp thấp, rẻ tiền, thậm chí lạc lối. Có nhiều thần tượng u mê, phản nhân văn, như hội thần tượng Lê Văn Luyện chẳng hạn. Đây là một thứ thần tượng nguy hiểm”.

PGS.TS Văn Giá kết luận: "Tinh thần bài nghị luận xã hội là không áp đặt. Cho các em bộc lộ mọi chủ kiến, quan niệm của mình. Miễn là lập luận phải logic và có giá trị nhân văn phổ quát.

Và như vậy, đây là cơ hội cho các bài văn lạ. Vì mục tiêu của ta là chống lại cái rập khuôn, sáo rỗng. Các em càng cá tính hóa, cá thể hóa ngôn ngữ càng tốt. Vì xã hội đòi hỏi đa cực. Điều này cũng yêu cầu những người chấm ngữ văn phải có một quan niệm rộng mở và sâu sắc trong năng lực và suy nghĩ. Vì giáo viên càng giữ định kiến càng hỏng tính chất của đề thi”.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên SGK Ngữ văn THPT bộ Nâng cao: Người ra đề phải có bản lĩnh

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống. Ảnh: Việt Dũng
* Câu hỏi nghị luận xã hội gần đây đổi mới theo hướng mở. Một vài nhận định rằng đề ra thế này thoát ly chương trình văn học nhà trường. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Với tư cách là chủ biên phần làm văn của bộ sách Ngữ văn THPT Nâng cao và có biên soạn nhiều tài liệu, sách tham khảo về dạy và học Nghị luận xã hội trong nhà trường phổ thông, tôi cho rằng cả 2 đề hoàn toàn không thoát ly chương trình và cũng chẳng có gì phản giá trị văn học cả.

Đề tài của Nghị luận xã hội rất rộng, không khuôn vào một vài tác phẩm như nghị luận văn học nên học sinh rất khó đoán, khó học tủ. Muốn làm bài tốt cần học cách viết và tích lũy tri thức (sách vở và đời sống) cho phong phú. Chỉ có điều người ra đề nghị luận xã hội cần lựa chọn được những vấn đề gần gũi, thiết thực, thú vị và hữu ích qua đó mà phân hóa và đánh giá được suy nghĩ, tình cảm, thái độ và những hiểu biết của người học.

Tôi chỉ tiếc là có nhiều cách ra đề Nghị luận xã hội, nhưng mấy năm nay đề chỉ tập trung vào dạng bàn về một tư tưởng, quan điểm, thông qua một câu danh ngôn (có hoặc khuyết danh). Trong khi rất nhiều hiện tượng đời sống có ý nghĩa cần cho học sinh bàn luận thì ít được chú ý.

Những đề vừa qua rất hay, nhưng vẫn nặng về câu chữ/ thuật ngữ. Nhiều em năm nay sẽ lúng túng khi phải phân biệt các từ như thần tượng, mê muội, ngưỡng mộ, thảm họa (khối D) hoặc phân biệt các từ cơ hội và chân chính; thành tích và thành tựu (khối C). Ngay cả nói là mở nhưng thực ra đề đã định hướng tư tưởng: phê phán cái gì và ca ngợi, tán thành cách sống nào… rất rõ, vì thế nói là đề mở cũng không đúng.

* Cụ thể hơn vào đề nghị luận khối D năm, "thần tượng" cũng như "mê muội thần tượng" là những điều có phần xa lạ với những thí sinh vùng cao, nông thôn. Vậy đề ra như vậy có là công bằng không với những em này?

- Tôi không nghĩ thế. Thần tượng nếu buộc học sinh nêu định nghĩa hoặc là phân biệt mê muội với ngưỡng mộ cho rõ ràng thì khó; còn hiểu một cách chung chung thì HS miền núi hay xuôi, thành phố hay nông thôn cũng đều biết tivi, đài báo, phim ảnh suốt ngày nói đến thần tượng đấy. Hơn nữa học hết tú tài đi thi Đại học mà không hiểu nghĩa chung của thần tượng… thì theo tôi năng lực văn học và ngôn ngữ của thí sinh ấy không ổn.

* Trong những năm tiếp theo, thầy có nghĩ nên giữ câu nghị luận xã hội không? Hoặc nếu giữ có nên thay đổi gì không so với thực trạng hiện nay?

Câu 2, đề thi văn khối D

"Ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng sẽ là một thảm họa". Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên (3 điểm)
- Các nước dạy HS về làm văn đều chú ý Nghị luận xã hội, Chương trình Ngữ văn của Việt Nam từ trước tới nay đều có Nghị luận xã hội, đó là một trong hai loại bài nghị luận cơ bản; cần thiết phải tập, làm và được đánh giá, vì thế vẫn nên giữ. Cũng cần nói thêm, mấy năm gần đây, bên cạnh các “bài văn lạ” có rất nhiều bài văn hay nổi tiếng mà công luận báo chí đã nêu lên, những bài văn này hầu như tất cả đều là Nghị luận xã hội đấy chứ.

Còn vẫn rất cần suy nghĩ, rút kinh nghiệm để có cách ra đề Nghị luận xã hội cho hay hơn, hấp dẫn và thiết thực, độc đáo và hữu ích hơn nhằm kích thích sáng tạo; giúp người viết bộc lộ được cá tính, sở thích… Để đạt được điều đó ngoài trình độ chuyên môn, người ra đề cũng cần mạnh dạn, dũng cảm, có bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm trước công luận.

* Xin cảm ơn ông!


Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm