04/01/2018 08:14 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Toyota sẽ không tiếp tục gắn bó với V-League 2018, sau đáo hạn hợp đồng. Điều đó cũng có nghĩa rằng, BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) mất gần 40 tỷ đồng/mùa giải. Công việc từ đây cho đến tháng 3/2018, thời điểm dự kiến khai mạc mùa bóng mới, VPF phải mở hết công xuất chạy tài trợ mới thế chỗ.
Như thuộc tính của phần lớn các bản hợp đồng thương mại, tài trợ chính hoặc độc quyền, nếu chất lượng sản phẩm không đảm bảo, nhà tài trợ sẽ chấm dứt. Chúng ta từng tự hào chất lượng V-League đang số 1 Đông Nam Á, vậy thì tại sao các nhà tài trợ cứ thay nhau chia tay. Toyota thực sự là “cá mập”, lẽ ra những người có trách nhiệm với nền bóng đá chuyên nghiệp phải “chăm sóc” kỹ lưỡng với đối tác này, tất nhiên chăm sóc phải hiểu trong khái niệm: Chất lượng và độ sạch của V-League phải tăng trưởng.
Toyota không nói rõ lý do tại sao họ không tiếp tục tài trợ cho V-League, hoặc nếu có cũng được bảo mật. Nhưng việc tập đoàn kinh tế Nhật Bản lại gia hạn và tăng giá trị hợp đồng với Thai League, điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về chất lượng sản phẩm và hậu mãi khách hàng mà mình đem lại. Nhiều năm qua, Việt Nam vẫn là một trong những thị phần lớn nhất của Toyota, tại khu vực Đông Nam Á cơ mà?!
Nói về việc phát triển thị phần của Toyota, là một phạm trù vĩ mô và dường như không liên quan lắm đến việc họ bắt tay với bóng đá Việt Nam, với V-League. Bản thân VPF cũng không đưa ra một chiến lược truyền thông thực sự rõ ràng nào với các nhà tài trợ, ngoài việc phủ sóng các trận. đấu và dựng bảng biển trên sân (tự nhà tài trợ phải bỏ chi phí sản xuất biển bảng). Hiếm một cơ quan báo đài nào ghi đầy đủ cái tên Toyota V-League 2017, mà chỉ là V-League.
Nói về chuyện gầy dựng, duy trì và phát triển thương hiệu, chúng ta phải học người Thái dài dài. Thường, thói quen của bóng đá Việt Nam chỉ nhận, chỉ thích tiêu tiền mà lười mày mò, nghĩ ra phương pháp kiếm tiền, tự nuôi chính cơ thể mình. V-League từng có giai đoạn được xem là một trong những giải đấu hấp dẫn nhất Đông Nam Á, thì ngay lúc này đang thụt lại phía sau Thai, S-League và Indo Liga...
Cách đây hơn 10 năm, V-League tràn ngập các ngôi sao bóng đá Thái Lan, là một trong những minh chứng cho thấy chúng ta từng vượt mặt họ. Nhưng mới đây nhất, ngôi sao - ngoại binh lớn nhất còn lại của V-League và Hà Nội FC là Samson Kayode đã cập bến Buriram United, thì đủ hiểu giải đấu cao nhất xứ sở nhiệt đới đã xuống đến đâu. Văn Quyết, Công Phượng và Quang Hải cũng bị chèo kéo và không có gì đảm bảo họ sẽ ở lại để giữ những giá trị cuối cùng cho V-League như lời hứa.
Các ngôi sao bóng đá có giá trị chuyên môn và hình ảnh rất lớn, và hoàn toàn có thể trở thành một đảm bảo trong điều khoản để nhà tổ chức tài phán với đối tác, trong các bản hợp đồng thương mại. Khi nội lực chưa đủ mạnh, thì chất xám ngoại lực cần phải được duy trì. Nhưng thật không may khi chúng ta, ở đây là VFF và VPF, đã tự phụ mà bỏ đi vai trò của ngoại lực bằng việc hạn chế suất đăng ký ngoại binh/CLB/mùa giải. Với V-League lúc này, Công Phượng đã là ngôi sao lớn nhất, thì đủ hiểu.
3 năm qua, sau các khoảng thời gian du học ở Nhật Bản, Phượng chỉ chơi cho đội bóng chạy trối chết khỏi suất xuống hạng, nhưng bầu Đức thề sẽ không bán Phượng với mọi giá cho Thai League?! Cũng bằng với chừng ấy thời gian, Toyota bơm tiền cho V-League và giờ họ rút ống thở, đã đủ khiến nhà tổ chức lúng túng, vắt chân lên cổ mà chạy. Chúng ta luôn bỏ hết trứng vào một cái giỏ. Với lối tư duy kiểu cũ, ăn quẩn, bàn đến đến chiến lược phát triển - nâng tầm nền bóng đá và hệ thống các giải đấu e là hơi xa xỉ?!
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất