02/12/2017 06:10 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Khi chiếc Cúp quốc gia được trao cho chủ nhà SLNA cũng là thời điểm khép lại mùa giải 2017. Thành công hay thất bại? xin nhường lời cho các nhà quản lý chuyên môn, nhưng rõ ràng thay đổi là yêu cầu có thật vào lúc này.
Ngoại trừ... thất bại của đội tuyển U22 quốc gia tại SEA Games 29, có thể nói 2017 là một năm thành công của bóng đá Việt Nam nếu nhìn vào bảng thành tích. Mở đầu là 1 điểm lịch sử của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn tại FIFA U20 World Cup tại Hàn Quốc, điều mà chưa nền bóng đá nào trong khu vực làm nổi.
Đặc biệt, với việc đội tuyển nam quốc gia giành vé đến ASIAN Cup 2019, lần đầu tiên tiên trong lịch sử, chỉ trong vòng 1 năm, bóng đá Việt Nam có đến 6 đội tuyển vượt qua vòng loại để đến với VCK châu lục. Bên cạnh Tuyển nam là đội tuyển nữ; U23, U19, U16 nam và Tuyển futsal nam. Xen kẽ vào đó là ngôi vô địch SEA Games thứ 5 trên đất Mã của các cô gái đá bóng.
Và cũng chính những kỳ tích này đã giúp VFF cũng gặt hái nhiều chiến thắng trên sân chơi quốc tế. Tháng 9 vừa qua, VFF được trao tới 5 giải thưởng tại AFF Awards 2017, trong đó có giải Liên đoàn bóng đá quốc gia xuất sắc nhất năm. Tới đầu tháng 11, lần đầu đặt chân tới Việt Nam, Chủ tịch AFC Shaikh Salman bin Ebrahim Al Khalifa tuyên bố - VFF là mô hình đáng để các liên đoàn ở châu lục học tập.
Ông chủ quyền lực của bóng đá châu Á không... nói đùa! Chỉ đến cuối tháng, VFF đã được vinh danh với Giải thưởng Liên đoàn phát triển của năm tại Gala trao các giải thưởng thường niên của bóng đá châu Á vừa tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
Ấy là đối ngoại, còn ở sân chơi quốc nội, lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức, V-League có cái kết kịch tính khi có đến 3 đội ở vòng đấu cuối đều có cơ hội vô địch. Bóng đá vẫn là địa hạt hấp dẫn doanh nghiệp mà bằng chứng là sự ra đời của Trung tâm PVF cùng sự có mặt của những cựu danh thủ hàng đầu xứ sương mù.
Nhưng những thành tích lịch sử, những giải thưởng danh giá không che lấp quá nhiều những vấn đề của một nền bóng đá phát triển theo kiểu - Vừa đi, vừa xếp hàng. Đơn cử, chỉ với 1 thất bại của U22 quốc gia tại SEA Games thôi cũng đủ lật tung toàn bộ lỗi hệ thống của nền bóng đá trong công tác quản lý điều hành. Thất bại này còn khiến định hướng nguồn nhân lực cho chiếc ghế thuyền trưởng đội tuyển quốc gia lại thay đổi với ông thầy ngoại thứ 10.
Ngay cả việc đội tuyển U20 dự FIFA U20 World Cup, hay có đến 6 đội tuyển quốc gia dự vòng chung kết châu Á vào năm sau cũng không đồng nghĩa với bước tiến về chuyên môn mà nhờ vào nỗ lực mang tính cá nhân, hoặc điều kiện khách quan (kiểu như mở rộng quy mô tổ chức VCK ASIAN Cup), chứ chưa hẳn là thành công từ chiến lược, định hướng.
Rồi ở giải quốc nội, dù có cái kết rất kịch tính, nhưng chẳng cần phải là dân trong nghề cũng thấy rõ cái... tính kịch của V-League vốn không có sự cạnh tranh thực sự.
Hơn 1 ngày sau trận chung kết lượt về Cúp quốc gia, tại Hà Nội, VFF sẽ tổ chức Đại hội thường niên nhằm tổng kết lại 1 năm đã qua. Như đã đề cập, thành công hay thất bại xin nhường lời cho các nhà quản lý chuyên môn, nhưng nếu Đại hội này được xem là bước chuẩn bị đầu tiên cho Đại hội Liên đoàn vào năm sau, thì điều cần nhất lúc này là sự thay đổi từ tư duy đến con người để tạo ra bước phát triển thực sự bền vững hơn.
Vũ Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất