Vụ ẩu đả tại sân Lạch Tray: Ai tác nhân, ai nạn nhân?

04/06/2014 16:57 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh án kỷ luật dành cho các cầu thủ có liên đới trực tiếp đến vụ ẩu đả ở Lạch Tray trong trận đấu giữa Hải Phòng và Hà Nội.T&T. Tuy nhiên, bóng đá suy cho cùng chỉ là một cuộc chơi và ở đó, người chơi phải tuân thủ luật lệ trước khi đòi hỏi hay kêu oan.

Ai tác nhân, ai nạn nhân?

Xem lại diễn biến toàn bộ sự việc, có thể quy ra 2 hình thức vi phạm. Một, Văn Nam là tác nhân khiêu chiến và trực tiếp chiến đấu; hai, Hoàng Vũ Samson, Đức Thắng và Thanh Tùng có hành vi ra đòn, tức “xâm phạm thân thể”. Với nhóm 2, Samson đánh trả lại Văn Nam theo kiểu “tự vệ chính đáng”, còn Đức Thắng và Thanh Tùng vốn người ngoài cuộc, nhưng tham gia đánh hội đồng để bênh bạn.

Chúng ta sẽ không bàn tới án phạt (treo giò đến hết giải) dành cho Văn Nam, bởi nó vượt khung và chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, theo cách phân tích này, Samson và Đức Thắng lẽ ra không thể có cùng khung hình phạt. Thanh Tùng cũng thế, không thể chỉ nhận án phạt rất nhẹ là 2 trận.

Trong mớ hỗn độn màn loạn đả hôm ấy, chúng tôi để ý rằng ngay cả Gonzalo cũng tham gia rất tích cực vào phút cuối. Khác một chút với Thanh Tùng (bị cản lại), cái quẹt chân của Gonzalo trong lúc lộn xộn không trúng ai cả.

Nói tóm lại, tất cả những cái tên vừa nhắc đều là tác nhân, chỉ các đội bóng của họ, Hải Phòng và Hà Nội.T&T là những nạn nhân, sau khi các án kỷ luật được đưa ra.

Nói kiểu cách thì bảo đội bóng đã quản cầu thủ không tốt, nhưng “con dại cái mang” cũng là chuyện thường thấy ở đời. Như trần tình của Samson, có ở trong hoàn cảnh của anh, mới cảm nhận được tất cả. Tiền đạo nhập tịch gốc Nigeria cho biết, anh rất tiếc khi để xảy ra sự cố, xin lỗi đội bóng, đồng thời sẵn sàng chịu mọi hình thức kỷ luật của VFF và CLB.  

Quân pháp bất vị thân?

Dễ thấy là trong toàn bộ 4 quyết định kỷ luật được đưa ra (với Hoàng Vũ Samson, Văn Nam, Đức Thắng và Thanh Tùng), ở các mức độ khác nhau, nhưng ban Kỷ luật VFF đều căn cứ vào Khoản 1 và 3 Điều 39 “Hành vi xâm phạm thân thể”, theo Quy định Kỷ luật của VFF. Trích dẫn hay nói thì dài dòng, song về cơ bản đây là khung hình phạt cho hành vi đánh nhau ở tình huống “bóng chết”.

Đối chiếu với quyết định kỷ luật dành cho Đinh Văn Ta (V.Ninh Bình, trận đấu với ĐT.Long An ở vòng 5) hay Trần Đình Đồng (SLNA, trận gặp HV.An Giang tại vòng 7), sẽ thấy độ vênh đáng kể. Theo đó, Đình Đồng đã vi phạm khoản 2 và 3  Điều 39 – Quy định Kỷ luật của VFF về lỗi cố ý triệt hạ, còn Đinh Văn Ta “dính” Khoản 1 và 3 Điều 39… như nhóm cầu thủ loạn đả ở Lạch Tray.

Trần Đình Đồng và Đinh Văn Ta giống nhau về hành vi phạm lỗi trên sân, tức “bóng sống”, nhưng lại được tách riêng 2 khung hình phạt. Đó là lý do khiến SLNA tỏ ra rất bất mãn khi Đình Đồng bị cấm thi đấu đến hết năm, trong khi Đinh Văn Ta lại được mãn án sau chỉ 5 trận đấu. Tình huống vẻ như đang lặp lại với Văn Nam (Hải Phòng), dù bản chất sự việc hoàn toàn khác với Trần Đình Đồng.

Pháp đình có câu: “Án tại hồ sơ”, song liệu trong các quyết định kỷ luật được đưa ra lần này, hồ sơ có bị làm khác đi nhờ tác động từ nhiều phía?! Nói theo cách của HLV trưởng SLNA, Nguyễn Hữu Thắng, rằng đội bóng nhỏ và đội bóng nhà nghèo thường chịu thiệt, cũng không phải không có lý.

“Do là các án mở, thậm chí án điểm vượt khung, nên người trong cuộc (cả tác nhân và nạn nhân) đều có thể kêu oan, bằng cách làm đơn khiếu nại. Thực tế, đã không ít bản án được xét lại, qua đó, cả nạn nhân và tác nhân đều được lợi (trường hợp của Công Vinh vụ vái lạy trọng tài là một ví dụ). Nhưng suy cho cùng, đã chấp nhận cuộc chơi thì phải chấp nhận chịu. Chúng ta không thể “vừa ăn cướp vừa la làng””, HLV trưởng V.Ninh Bình Nguyễn Văn Sỹ chia sẻ với Thể thao & Văn hoá.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm