Từ trận cầu đoàn tụ đến nỗi niềm bóng đá phía Nam

30/04/2020 08:57 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - "Ngày 7/11/1976 mãi đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam. Đó là ngày trên sân vận động Thống Nhất của thành phố mang tên Bác đã diễn ra trận bóng đá đầu tiên giữa hai miền Bắc - Nam, trận đấu đã vượt trên khuôn khổ của bóng đá, của thể thao, trận đấu của Ngày đoàn tụ".

Những dấu mốc của NGÀY ĐOÀN TỤ

Những dấu mốc của NGÀY ĐOÀN TỤ

Ngay từ những ngày đầu đất nước thống nhất, công tác TDTT đã được Đảng và Nhà nước sớm quan tâm, chú trọng đầu tư để thể thao phía Nam nhanh chóng hình thành, phát triển hòa chung vào dòng chảy thể thao quốc gia. Nhân kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thể thao & Văn hóa mời quý vị cùng đến với những dấu mốc đặc biệt của thể thao Việt Nam sau chiến thắng 30/4 lịch sử.

1. Đó là trận cầu của 2 đội bóng xứng đáng đại diện cho 2 miền của đất nước khi đó. Tổng cục Đường sắt đang là đương kim vô địch giải bóng đá miền Bắc với nhiều ngôi sao trẻ xuất sắc trong đội hình như: Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, Hoàng Gia, Phương "tròn"... Thời điểm này, tuyến đường sắt thống nhất Bắc - Nam bắt đầu được khởi công khôi phục và Tổng cục Đường sắt đại diện cho giai cấp công nhân lao động phía Bắc đã được Tổng cục TDTT lựa chọn cho nhiệm vụ lịch sử.

Còn Cảng Sài Gòn trước ngày giải phóng mang tên Tổng nha thương Cảng và là một đội bóng có lối chơi đẹp mắt, quyến rũ do danh thủ huyền thoại Tam Lang mang băng thủ quân đá trung vệ, cánh trái “Trung đầu sói”, hàng giữa Thà, Mười, tiền đạo có Xinh, Ngôn, Tư Lê... Cũng như Tổng cục Đường sắt, Cảng Sài Gòn được chọn với tư cách đội bóng đại diện cho tầng lớp nhân dân lao động miền Nam.

Trận đấu khép lại với tỷ số 2-0 nghiêng về phía Tổng cục Đường sắt với 2 pha lập công của trung phong Mai Đức Chung và tiền vệ Lê Thụy Hải, nhưng vượt lên trên hết, cuộc so tài lịch sử này đã trở thành một biểu tượng lấp lánh cho tình đoàn kết trong ngày sum họp.

Trận đấu đó, cũng đã tạo nên hình mẫu cho tinh thần thể thao cao thượng, sự học hỏi và đoàn kết lẫn nhau, để đặt nền móng cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam sau này.

2. Sau trận cầu lịch sử năm 1976 và tới khi giải VĐQG đầu tiên được tổ chức vào năm 1980 (mang tên giải A1 toàn quốc) kéo dài đến tận những năm đầu thập kỷ 1990, vì hoàn cảnh di chuyển khó khăn, nên hầu hết các đội bóng đều thi đấu theo cụm địa lý.

Chú thích ảnh
CLB TP.HCM liệu có mang về chức vô địch quốc gia nữa cho thành phố ở V-League mùa này? Ảnh: VPF

Tất nhiên, người hâm mộ không khó để tìm các đội bóng mạnh nhất ở các cụm thi đấu này. Miền Bắc gồm: Thể Công, Đường sắt Việt Nam, Công an Hà Nội... Miền Nam có Cảng Sài Gòn, Sở Công nghiệp TP.HCM và Hải Quan... miền Trung là Công nhân Quảng Nam Đà Nẵng, Nghĩa Bình và Phú Khánh. Và cũng không khó để nhận ra, thời vẫn còn bao cấp, lại chính là thời điểm bùng nổ nhất của bóng đá phía Nam.

Năm 1986, đại diện phía Nam giành chức vô địch quốc gia đầu tiên là Cảng Sài Gòn, 3 năm sau, Đồng Tháp gây bất ngờ lớn khi đánh bại đương kim vô địch Thể Công 1-0 ngay trong trận chung kết trên sân Hàng Đẫy... tiếp đến là những Hải Quan (vô địch năm 1991); Hải Quan (1992); Công an TPHCM (1995). Cảng Sài Gòn cũng bước lên đỉnh cao trong thời điểm này khi có thêm 2 chức vô địch quốc gia (1993-1994 và 1997), hay Đồng Tháp lên ngôi lần thứ 2 vào năm 1996.

Một con số nữa chứng minh cho sự phát triển của bóng đá phương Nam, đó là vào năm 1989, giải vô địch quốc gia dưới cái tên giải tách hạng có số đội tham gia kỷ lục... 32 đội! thì đã có đến 15 đội thuộc địa bàn phía Nam!

Nhưng rồi bóng đá Việt lên chuyên vào năm 2000 cũng đánh dấu sự sụp đổ của nhiều tượng đài thời bao cấp và bóng đá đỉnh cao phía Nam cũng bước vào giai đoạn thoái trào. Lúc này, CLB TP.HCM, Sài Gòn FC và B.Bình Dương là 3 đội bóng chuyên nghiệp còn lại của miền Nam đủ năng lực cạnh tranh tại hệ thống giải chuyên nghiệp quốc gia. Số còn lại, phần lớn... tồn tại đã là thành công.

Gần nửa tá đội hạng Nhất quốc gia, ví như Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An…, không đặt tham vọng lên chuyên. Tây nguyên có HAGL, Nam Trung bộ còn mỗi bộ đôi Đà Nẵng và Quảng Nam còn tung vó, các đội còn lại như Khánh Hòa, Bình Định cũng rơi rớt...

Bóng đá phía Nam bao giờ thực sự trở lại? Hỏi mà không dễ trả lời.

Tuỳ Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm