Góc nhìn 365: Luận hoa & luận bóng đá

13/01/2016 08:19 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Đợi cho thiên hạ tha hồ vắt óc tưởng tượng, Sở Văn hóa thể thao Hà Nội  mới đưa ra đáp án hoa tóc tiên, cho các đài hoa bị gièm pha là hoa dâm bụt, hoa rau muống, hoa loa kèn, hoa khoai lang…

Tự hỏi, ở địa điểm linh thiêng như thế, nếu các đài hoa được làm bằng hoa sen, thì có khi chẳng bị ném đá đến phải tháo gỡ. Bởi, hoa sen thì quá đẹp, quá ý nghĩa, và quan trọng nhất là quốc hoa, được sự đồng thuận của người dân cả nước  với tỷ lệ phiếu được bình chọn cao nhất đợt trưng cầu dân ý chọn quốc hoa, trong tất cả loài hoa gồm đào, mai, gạo, tre…

Khổ nỗi, những người làm văn hóa ta khi chọn biểu tượng cho các lễ hội,  quảng trường, nơi công cộng, quảng cáo ngoài trời…, lại có tâm lý khác.

Câu chuyện “hoa gì” đang nóng, cũng tương tự bên bóng đá. Cụ thể là ngày mai, và cả VCK, U23 và HLV Miura sẽ chơi theo kiểu gì?

Đầu năm, vấn đề “hoa gì” trong bóng đá Việt (tất nhiên hoa hồng thì quá nóng rồi) thực sự đáng quan tâm quyết liệt. Xin hỏi thật những nhà điều hành nền bóng đá: các vị muốn nền bóng đá nước nhà phát triển theo nước nào?  

Lối chơi sẽ theo trường phái ra sao? Sắp tới, nếu thay HLV Miura thì chọn HLV đến từ đâu?

Bởi ví von hóm hỉnh, bóng đá ta lúc này cần nhất là tìm được bản ngã, chọn ra được “quốc hoa”, thay vì vẫn đánh đố dư luận bởi tầm nhìn chiến lược mỗi nhiệm kỳ VFF lại khác, bóng đá chuyên nghiệp đang mông lung đi học hoài, lối chơi Việt Nam mỗi thời chơi một phách,… không biết là hoa tre, dâm bụt, tóc tiên, khoai lang hay hoa sen.

Trong khi lối chơi kiểu bóng đá Thái Lan là xuyên suốt, từ đỉnh đến chân đế, ở mọi hoạt động của nền bóng đá nước này.

* * *

BĐVN chuyên trị lối chơi phòng ngự - phản công, đã có bản sắc khá rõ từ thời A.Riedl. Lối chơi này đến thời Calisto, thực sự được nâng tầm để như là “hoa sen”, đắc dụng nhất cho bóng đá Việt, cần được kế thừa và nâng tầm lên. Trớ trêu, tất cả đã bị phá sản dưới thời HLV Miura.

Dư luận cả nước đa số đều xót ruột vì sự lãng phí lối chơi đã nhọc công định hình, còn VFF thì dường như không.

HLV Miura từng du học Đức, ông muốn bóng đá Việt Nam chơi theo kiểu Đức, người hâm mộ Việt thì muốn bóng đá nước nhà chơi theo kiểu Nhật Bản, nhưng thực chất U23 lẫn ĐTQG  đang chơi kiểu của… Miura. Thành tích của các ĐTQG đang ngày càng đi xuống trong sự bàng quan.

Cho dù có thành công ở VCK lần này, sự ra đi của HLV Miura gần như là chắc chắn. Nền bóng đá vẫn phải đối diện sự thật: làm lại từ đầu, khả năng vẫn loay hoay trong việc tìm ra được hướng đi đúng đắn là khó tránh khỏi.

Hoa ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục: Không chỉ chuyện bông hoa ở quảng trường

Hoa ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục: Không chỉ chuyện bông hoa ở quảng trường

TS Olivier Tessier nói, ở Hà Nội có một nơi ông hay lui tới ngoài căn gác nhỏ tầng 2 ngõ Hạ Hồi của Viện Viễn Đông Bác Cổ, đó là đài phun nước phía Bắc hồ Gươm của quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.


Bóng đá Việt Nam đã bao nhiêu năm hội nhập. Sử dụng thày ngoại đã nhiều. VFF đã hoạt động đến 7 nhiệm kỳ, vậy mà vẫn mỏi mòn đi tìm những câu hỏi? Đâu là lối chơi Việt Nam? Nền bóng đá quốc gia nào là phù hợp với sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp nước nhà?

Nền bóng đá chúng ta qua tiến trình hội nhập càng ngày càng hao khuyết bản sắc. Dấu hiệu đáng ngại nhất còn nằm ở phần gốc: nhiều CLB đang phát triển tự phát, mạnh ai nấy làm kiểu “trăm hoa đua nở”, thiếu bền vững, trong  khi sự điêu tàn của một số tên tuổi truyền thống còn sót lại vẫn chưa có điểm dừng.

Nếu chưa khôi phục lại những điều tốt đẹp bóng đá nội một thời từng sở hữu, được gây dựng từ bao thế hệ, đừng hy vọng xoay chuyển được tình thế khó khăn. Những nét văn hóa thời bao cấp, trong đó có bóng đá, không phải cái gì cũng xấu và trì trệ cả.

Thế nên, ngày mai U23 và Miura sẽ chơi kiểu nào, đành phải nhờ trí tưởng tượng, như khi dư luận đột nhiên thấy các đài hoa lạ ở Thủ đô.

Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm