Công Vinh khiến nhiều người 'sốc' vì thông tin trong tự truyện

25/05/2018 14:19 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn)- Trong cuốn tự truyện vừa ra mắt, Công Vinh đã nhắc đến những chuyện “dở khóc dở cười” khi làm việc với những lãnh đạo cấp cao Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

Về mối quan hệ với những quan chức VFF, Công Vinh tiết lộ thất bại ở AFF Cup 2012 dưới thời HLV Phan Thanh Hùng là tất yếu. Bởi theo Công Vinh, dù có chuyên môn tốt, vững vàng nhưng khuyết điểm là …tốt quá và dễ bị người khác lợi dụng.

Trợ lý HLV Hoàng Anh Tuấn của ông Hùng đã soạn thảo giáo án tập luyện và cả giáo án thể lực dù đích thân ông Tuấn đã giới thiệu HLV Dylan Kerr cho VFF để làm HLV thể lực. Ngay cả việc đưa đội đi Nha Trang tập huấn cũng là ý muốn của ông Tuấn.

“Đấy là giáo án kinh hoàng và phản khoa học nhất mà tôi từng biết. 12 ngày ở Nha Trang, thực đơn tập luyện của chúng tôi chỉ toàn chạy và chạy. Sáng chạy 10 cây số đường bờ biển, chiều vào sân chạy trên đường piste. Sáng mở mắt ra chạy, tối về ngủ mơ thấy mình vẫn còn đang chạy.

Ở cùng phòng với Dương Hồng Sơn và Hồng Tiến, chúng tôi tự hỏi mình chuẩn bị bước vào AFF Cup cho môn bóng đá hay điền kinh đây. Chúng tôi cần tập luyện để đánh bại Thái Lan và Singapore, chứ đâu phải để thách đấu với Usain Bolt. Tôi đến hỏi Dylan sao phương pháp gì lạ đời thế kia. Dylan chối đây đẩy: “Bậy. Giáo án đó có phải của tao đâu”.

HLV Hoàng Anh Tuấn giải thích: “Kỹ thuật của chúng ta đã nhất Đông Nam Á rồi, chỉ cần nhồi thể lực vào là hoàn hảo. Ôi thôi!!!”.

Công Vinh ở trận giao hữu với CHDCND Triều Tiên. Ảnh: Quang Liêm
Công Vinh ở trận giao hữu với CHDCND Triều Tiên. Ảnh: Quang Liêm

Những đôi chân chạy nhiều hơn đá bóng đó cũng thất bại khi không có cảm giác bóng. Công Vinh nói mình bị cầu thủ những đội khác (đa phần Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng) cô lập. Và trước trận đấu thứ 2 ở AFF Cup, Trưởng đoàn, Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung đến gặp Công Vinh nói những lời khiến cầu thủ này sửng sốt: “Cậu mà thi đấu không tốt nữa là VFF sẽ cấm cậu lên đội tuyển, sẽ kỷ luật cậu. Cậu mắc bệnh ngôi sao rồi. Cậu tách rời với mọi người.

Để thua Philippines sau khi hòa Myanmar 1-1, Việt Nam phải thắng Thái Lan mới hy vọng đi tiếp. Công Vinh gặp chấn thương trật bả vai trước trận đấu quyết định, bác sĩ Hiền thông báo phải nghỉ. Thua Thái Lan 0-3 sau đó, Việt Nam về nước. VFF cần một gương mặt để trút tội lỗi, “đánh lạc hướng dư luận” và “tôi trở thành… người được chọn”.

Công Vinh ăn mừng thường thấy ở ĐTQG. Ảnh: Thanh Hà
Công Vinh ăn mừng thường thấy ở ĐTQG. Ảnh: Thanh Hà

AFF Cup 2014, Công Vinh nói Tấn Tài không bao giờ chuyền bóng cho mình tương tự như mang hiềm khích ở B.Bình Dương lên tuyển, Văn Quyết thì còn thỉnh thoảng. Một tập thể thất bại dưới thời HLV Miura hình thành dù Công Vinh đã chiến thắng Tấn Tài trong việc cạnh tranh suất chính thức.

Thắng lợi 2-1 trên đất Malaysia tạo niềm tin lớn. Chủ tịch Lê Hùng Dũng khi đó dắt hai con gái đi vào phòng họp và nói: “Tôi, các con và các anh lãnh đạo đến thắp hương trên sân Mỹ Đình. Tôi thấy hương cong lắm, rõ ràng là thần linh và chư vị ông bà chứng cho mình. Hồi năm 2008, tôi và mọi người đi thắp hương cũng thấy hương cong lại như vậy và sau đó mình vô địch. Ngày mai chúng ta chắc chắn thắng.

Lê Phước Tứ lúc ấy nói: “Hóa ra đội thắng là do thắng hương, còn đội thua là do cầu thủ. Tôi thì suy nghĩ bóng đá kỵ nhất là phụ nữ. Chiếc xe bus chở đội đang đi mà gặp bà bầu còn phải quay ngược trở về đi lại cho đỡ xui. Thủy Tiên ngồi khán đài xem thôi đã bị bàn ra tán vào là vận rủi. Vậy mà ông lại mang cả hai người con gái vào trong sân trước một trận đấu quan trọng đến dường này sao?

Bóng đá là môn mê tín nhất trên đời, từ trong nước ra đến quốc tế, và phụ nữ vẫn bị xem là đại kỵ. Tôi rất trân trọng phụ nữ nhưng mỗi nghề nghiệp lại có những phong tục đặc thù mà người trong nghề không khỏi tránh được. Ông Lê Hùng Dũng làm bóng đá lâu năm chắc cũng nghe qua, nhưng ông phớt lờ việc ấy”.

Công Vinh trong màu áo đỏ. Ảnh: Thanh Hà
Công Vinh trong màu áo đỏ. Ảnh: Thanh Hà

Trận ấy Việt Nam thua sốc 2-4 ở Mỹ Đình, Công Vinh là người ghi 2 bàn thắng. Cả nước buồn bã tức giận, Phước Tứ xin giã từ đội tuyển. “Giữa lúc tinh thần chúng tôi rất tệ, ông Lê Hùng Dũng gọi tôi ra nói chuyện. – Tôi nghi là có tiêu cực. Tôi tin cậu nhất, cậu là đội trưởng, cậu có nghi ngờ ai không. Đây là trận đấu mình không thể thua, vậy mà lại thua ở những tình huống rất có nghi vấn. – Không bao giờ. Con cam đoan với chú không thể có tiêu cực. Không ai bán hy vọng của một dân tộc hết chú à. Bóng đá là câu chuyện của những sai lầm. Bóng đá cứ thắng thì tung hô, thua thì nghi kỵ không ổn đâu chú. Con đảm bảo các tuyển thủ đều trong sạch. Chú cứ mời công an điều tra nếu thấy cần”.

“Qua cuộc nói chuyện ấy, tôi chính thức nhận ra là niềm tin của các quan chức trong Liên đoàn dành cho cầu thủ chỉ mang tính chất tương đối. Bởi vì họ đâu có tin cầu thủ, họ làm vì chiếc ghế của mình có thể kiếm ra chức ra tiền. Ba ngày sau thất bại AFF Cup 2014, tôi không ăn nổi, chỉ khóc và khóc. Những vết thương cũ còn chưa liền da thì ai đó lại chém bồi thêm một lần nữa. Nỗi đau ấy thêm nhức nhối khi tôi không cảm nhận được sự ủng hộ, đồng điệu của những người đang lãnh đạo nền bóng đá này” (trích).

“Nhiều người đã nói đã là tuyển thủ QG thì phải hy sinh vì màu cờ sắc áo. Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng đồng thời tôi cũng không thể phủ nhận những thiệt thòi mà tuyển thủ quốc gia Việt Nam phải gánh chịu. Hãy nhìn những quốc gia khác như Thái Lan, Singapore, Malaysia mà xem quyền lợi của họ.

Tôi từng tham gia trận đấu của các ngôi sao Đông Nam Á, tôi hỏi họ và biết rằng mỗi lần lên đội tuyển, mỗi cầu thủ của Thái Lan, Malaysia, Singapore được trả công 150USD/ngày, cao hơn 10 lần Việt Nam. Thôi thì bỏ qua chuyện tiền nong. Nhưng cầu thủ đổ mồ hôi, nước mắt, cả máu nhưng khi họ chấn thương thì sao?Có ai trong Liên đoàn quan tâm đến họ không? Rồi những cầu thủ giã từ sự nghiệp, chúng ta có tổ chức tri ân họ không?

Đây không chỉ là vấn đề của riêng bóng đá mà mở rộng ra, của toàn bộ nền thể thao Việt Nam. Khi đội thắng thì lãnh đạo có công, khi đội thua thì do cầu thủ bán độ. Bán độ có lẽ là từ ám ảnh nhất trong toàn bộ lịch sử bóng đá Việt Nam. Nhiều vị lãnh đạo cấp cao trong Liên đoàn mà còn không hề biết tuyển thủ của mình là ai, nên niềm tin đối với nhau đôi khi chỉ là một điều xa xỉ.

Cũng trong năm 2016, Tổng thư ký Lê Hoài Anh khi sang Myanmar trong cuộc đón tiếp vị Đại sứ Việt Nam tại Myanmar cũng không biết tên rất nhiều cầu thủ trong đội. Ông chỉ biết một vài cầu thủ nổi tiếng, còn những gương mặt mới lên tuyển thì ông…bó tay. Cuối cùng, những cầu thủ ấy phải tự đứng lên và tự giới thiệu tên mình với vị nữ Đại sứ vừa nhậm chức”.

Công Vinh và Thành Lương cùng chia tay ĐTQG. Ảnh: Thanh Hà
Công Vinh và Thành Lương cùng chia tay ĐTQG. Ảnh: Thanh Hà

Dồn hết tâm sức cho AFF Cup 2016 dưới thời HLV Hữu Thắng, người thay thế HLV Miura bị sa thải, Công Vinh cùng những cựu binh như Thành Lương muốn làm nên chuyện cho bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, đội tuyển vẫn thất bại chung cuộc 3-4 trước Indonesia ở bán kết. “Trong trận bán kết lượt về trên sân Mỹ Đình, tôi lại khóc. Khóc sau trận đấu, khóc ngay khi trận đấu kết thúc và trước khi trận đấu diễn ra. Tiếng quốc ca hào hùng ấy tôi đã nghe hàng trăm lần trong đời trước mỗi trận đấu, nhưng lần này cảm giác thật lạ lẫm. Vì tôi biết có thể đấy là lần cuối tôi nghe tiếng quốc ca ấy trước một trận đấu của đội tuyển” (trích).

“Gần 20 năm trời, hầu như tuổi thanh xuân của tôi lăn lóc theo trái bóng, từ lúc vào lò đào tạo là phải rời xa gia đình, trở thành cầu thủ chuyên nghiệp thì phải lên đường thi đấu khắp nơi. Khách sạn là nhà, có những năm tháng Tết còn chẳng được về vì phải thi đấu nước ngoài, còn nếu năm nào thi đấu trong nước là sáng mồng 2 Tết là lục đục lên đường tập trung cùng đội, chưa năm nào tôi có một cái Tết trọn vẹn gần 20 năm nay. Tủi nhục có, vinh quang có, máu và nước mắt có… thời gian ấy như một cuốn phim, bao nhiêu ký ức ùa về trong giây phút ấy.

Công Vinh ra mắt tự truyện 'Phút 89': 'Tôi đã sẵn sàng đương đầu với tất cả'

Công Vinh ra mắt tự truyện 'Phút 89': 'Tôi đã sẵn sàng đương đầu với tất cả'

“Không còn sự thật nào khác mà tôi để dành cho mình cả. Nếu có, thì đó là ở chặng đường sắp tới và tôi sẽ ra cuốn tự truyện tiếp theo. Tôi đã suy nghĩ, cân nhắc và sẵn sàng đương đầu với tất cả. Nó như thế nào là từ tâm mình mà ra thôi”, Công Vinh khẳng định trong buổi họp ra mắt cuốn tự truyện "Phút 89".

Tôi biết là một thủ quân, trước một trận đấu quan trọng đến dường ấy mình không nên khóc. Nhưng một chiến binh sau cùng vẫn là một con người. Và nước mắt cứ thế mà tuôi ra, không cách gì ngăn cản được. Tôi muốn đưa tay lên dụi, nhưng tay chân lúc ấy bỗng dưng thừa thãi lạ kỳ. Màu áo này chưa bao giờ làm tôi thất vọng. Thậm chí, đó còn là chốn bình yên của tôi trong suốt quãng đời sự nghiệp. Có những lúc cảm thấy ngột ngạu trong màu áo CLB, tôi lên tuyển, mặc tấm áo ấy vào người, chợt thấy mình có thêm dũng khí để bước tiếp chặng đường còn lại.

Màu đỏ của máu, màu đỏ của chiến binh, màu đỏ của cờ nước, tấm áo ấy đã bao lần dìm tôi xuống tận cùng của nỗi đau, nhưng lần nào cũng kéo tôi dậy và đẩy tôi vào một hành trình mới. Nhưng bây giờ, bước vào tuổi 30, tôi biết mình không thể tiếp tục. Những cầu thủ trẻ đang phát triển không ngừng và khi tôi khoác màu áo ấy, tôi lại tạo ra tranh luận. Tôi đã sống qua 7 đời HLV trưởng, từ cầu thủ trẻ nhất đội đến khi đã trở thành thủ quân, chưa một lần nào tôi muốn làm cho màu áo ấy thất vọng.

Vậy mà bây giờ, tôi như nhìn thấy kết cục của mình, gỡ tấm áo ấy, treo lên và không bao giờ được mặc lại nữa. Tôi đã định đá thêm một năm cấp CLB nữa rồi mới giải nghệ. Trước khi dự AFF Cup 2016, tôi nhận được một đề nghị từ Thái Lan. Đó là một CLB ở Bangkok, đá ở Thai-League. Một CLB ở Ấn Độ và Australia cũng gửi lời mời. Cả 2 đều gửi lời đề nghị tôi từ 15-20 nghìn USD/tháng. Nhưng sau trận bán kết ấy, tôi thấy mình không thể tiếp tục nữa. Vết thương cuối cùng này quá lớn. Tôi đã khao khát vào đến một trận chung kết nữa, nhưng rốt cục vẫn không thể toại nguyện. Âu đó cũng là số phận”.

V.H (trích)

 

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm