Cà phê Thể thao: Văn minh bóng đá

15/05/2015 17:56 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Khách của ông chủ quán cà phê tuần này là một HLV bóng đá trẻ, để thực hiện phiên chất vấn về phong cách thi đấu chém đinh chặt sắt thường thấy của bóng đá Việt Nam.

+Ông chủ quán: Cả sự nghiệp thi đấu, anh nhận bao nhiêu cái thẻ đỏ?

-HLV đội trẻ: Là trung vệ, tôi không thể nhớ hết được. Vì đội bóng của tôi ngày ấy không có chế độ thưởng hay phạt cho những người dính thẻ đỏ. Và nhiều quá. Chúng tôi coi đá chết bỏ là một tiêu chuẩn. Ai không đá chết bỏ thì trận sau ngồi ngoài.

+Anh nói tôi nghe, đá chết bỏ là gì? Trần đời tôi chưa từng nghe thấy nền bóng đá nào có thứ bóng đá ấy.

-Là đá hết sức, đá vào chân vào người đối phương cũng được, đá bằng mọi thủ đoạn, nghĩa là đá làm sao để cuối cùng rời sân dù chân có tập tễnh hay bằng cáng mà miễn đội chiến thắng là được.

+Cái thời của anh, chỉ có mình đội của anh đá chết bỏ?

-Không, đội của tôi chỉ là một. Bác không biết có ông Giám đốc Sở ở miền Bắc khi chuẩn bị đón tiếp đội bóng của tôi từ miền Trung ra đã tuyên bố với các cầu thủ là "phải đá chết chúng nó, gãy chân tao nuôi, không làm gì thì cắt cỏ cũng được" à? Bác cũng không đọc báo sao, người ta viết là đội tuyển trận này xác định đá chết bỏ đội này đội kia sao?

+Tôi không "may mắn" đọc được những điều đó. Nhưng tôi đọc được các câu chuyện từ bóng đá thế giới, như tiền vệ Xavi của Barcelona chẳng hạn. Anh ta nói rằng, cả tuổi niên thiếu tập luyện, các thày dạy của anh ta chỉ nói về cách khống chế một quả bóng đơn giản và hiệu quả, cách chuyền bóng chính xác và có thể giúp các đồng đội của mình ghi bàn, rồi cách làm sao lấy bóng trong chấn đối phương hợp lệ và nhanh nhất. Thế làm thế nào để anh trở HLV bóng đá trẻ, anh dạy học trò của mình những gì?

-Nếu mà xét tới phong cách thi đấu ngày trước để tuyển chọn HLV trẻ, thì thời của tôi chẳng có mấy người. Học trò không mấy đứa hỏi tôi chỉ cho chúng kỹ thuật tắc bóng bằng cả hai chân. Nhưng tôi hay dẫn tụi nhỏ đi nhặt bóng trong các trận đấu ở V-League. Đứa nào đá hậu vệ thì tôi cho nhặt bóng gần các hậu vệ, đứa nào đá tiền đạo thì tôi cho sang nhặt bóng ở đầu sân bên kia. Tôi nói với chúng rằng, hãy nhìn các anh lớn thi đấu và học cách chơi bóng, xử lý tình huống của họ.

+Thảo nào ở CLB của anh, qua mấy thế hệ cầu thủ rồi mà tôi thấy các hậu vệ có mấy ngón nghề vẫn chưa bị mai một. Thứ nhất là quả tung người, song phi hai chân phá bóng. Thứ hai là quả bay cả hai chân để xoạc bóng. Còn thủ môn thì có động tác giờ đây hầu như không còn xuất hiện ở các nền bóng đá văn minh trên thế giới, đó là giơ thẳng một chân, chĩa mũi giày về phía tiền đạo trong khi bắt dính bóng tầm cao.

-Có sao đâu nhỉ? Người hâm mộ tỉnh tôi và không ít người hâm mộ đội tuyển vẫn vỗ tay khi thấy những quả tung người phá bóng. Nó cho thấy sự quyết tâm của chúng tôi được bồi đáp.

+Tôi không bao giờ vỗ tay cho tình huống như thế. Tung chân phá bóng chả thị uy được ai mà lại thiếu chính xác. Tôi vẫn băn khoăn là tại sao khi các anh nhận thẻ đỏ vì lỗi thô bạo mà các anh lại không bị CLB phạt gì cả. Còn trọng tài, các anh không sợ họ rút thẻ sao? Còn ban tổ chức giải nữa, các anh không sợ bị kỷ luật à?

-Chúng tôi thường đá chết bỏ trên sân nhà. Còn đi sân đối phương thì chủ nhà đá chết bỏ chúng tôi. Trọng tài thì bác biết rồi. Ban tổ chức thì bác cũng biết rồi đó, cầu thủ giẫm gầm giày lên mặt đối thủ bị báo chí phanh phui chỉ bị treo giò hai trận, còn "phun mưa" thì bị treo giò tới ba trận.

+Anh có biết là ở nước ngoài, họ quy định các cầu thủ nếu phạm lỗi thô bạo, thì chiểu theo hợp đồng, cầu thủ sẽ bị phạt tiền không?

-Chúng tôi còn được thưởng tiền. Đá quyết liệt mà thắng còn được thưởng gấp đôi. Ngay cả HLV trưởng đội tuyển cũng thích phong cách chúng tôi. Bác không thấy CLB của chúng tôi năm nào cũng có người lên tuyển, thậm chí có những lần còn đông nhất ấy chứ. Người ta khen đá máu lửa, quyết liệt là tinh thần tốt.

+Nhưng tôi thì không. Tôi chả bao giờ khen tuyển thủ nào có tinh thần tốt cả. Và tôi cũng không nghĩ một HLV bảo được các cầu thủ đá máu lửa là HLV giỏi. Đá cho đội tuyển, tinh thần lên cao là điều tất yếu. Tinh thần thi đấu không tốt thì đừng lên tuyển nữa.

Vì nó là tự hào dân tộc, tự hào với sự nghiệp của một VĐV. Đôi khi cũng có những đội tuyển có tinh thần rất kém, ngay trên thế giới cũng có chuyện này, như tuyển Hà Lan trước kia, Pháp tại World Cup 2010. Nhưng họ là thiểu số, rất hiếm. Chúng ta cũng từng có thời gian có những đội tuyển có tinh thần thi đấu kém, cầu thủ không nỗ lực hết sức. Nhưng thời đó cũng qua rồi. Các cầu thủ trẻ ngày nay khát khao lên tuyển, được đá ở SEA Games, bởi họ hiểu đó là danh dự, là vinh quang của sự nghiệp cầu thủ.

Tôi thấy ngạc nhiên vô cùng khi HLV Miura mới đây bảo rằng đội tuyển đá thế còn chưa rắn bằng các trận đấu ở V-League. Vì đã lên tuyển là gồm những cầu thủ có kỹ thuật, người có kỹ thuật thường không đá rắn, đá láo. Và nếu mà cũng đá theo phong cách V-League thì chúng ta nên giải tán đội tuyển.

Cà phê Thể thao
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm