Bóng đá trẻ cũng áp lực thành tích

04/10/2014 06:12 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện cũ rồi, nhưng vẫn phải nhắc, bởi nó liên quan đến tương lai của nền bóng đá. Đấy là áp lực thành tích!

Trả lời câu hỏi của phóng viên Thể thao & Văn hoá sau trận thắng dễ với tỷ số  2-0 trước U21 TĐCS.Đồng Tháp về việc tại sao và như thế nào, đội bóng giàu truyền thống SHB.Đà Nẵng lại kéo về Giang Trần Quách Tân và Hồ Ngọc Thắng, những cầu thủ thuộc biên chế đội 1 và vừa mới trở về từ ASIAD 17 trong màu áo Olympic Việt Nam, đại diện BHL U21 SHB.Đà Nẵng cho rằng, họ không có lựa chọn khác?!

“Họ, Ngọc Thắng và Quách Tân, là những cầu thủ có đẳng cấp, đương nhiên rồi, và họ giữ vai trò quan trọng trong chiến dịch của U21 SHB.Đà Nẵng. Chúng tôi xây dựng lối chơi của đội bóng xung quanh các cá nhân xuất sắc, điều này không có gì lạ cả. Và như tất cả đều đã thấy, Quách Tân đã có 2 bàn thắng quyết định để đem lại chiến thắng đầu tay cho U21 SHB.Đà Nẵng trong ngày ra quân”, HLV Phan Công Thìn nói.

Cả Quách Tân và Ngọc Thắng đều đã có kinh nghiệm chơi bóng tại các VCK U21 QG Cúp Báo Thanh Niên và xác lập được đẳng cấp, trước khi được đôn lên đội 1 đá V-League bằng tài năng thực sự. Nhưng, sự hiện diện của họ nghiễm nhiên giảm thiểu cơ hội phát triển của ít nhất 2 vị trí khác trong đội hình đội bóng trẻ SHB.Đà Nẵng. “BHL đội bóng phải chăng đang chịu sức ép về thành tích?”, phóng viên Thể thao & Văn hoá tiếp tục.

“Bóng đá đôi khi đơn thuần là thành tích. Chúng tôi không làm khác được”, HLV Phan Công Thìn trả lời. Kết thúc trận đấu giữa U21 SHB.Đà Nẵng và U21 TĐCS.Đồng Tháp, chúng tôi đem câu hỏi này với HLV Lê Huỳnh Đức, đương kim HLV trưởng đội 1 và đồng thời là Chủ tịch Hội đồng HLV SHB.Đà Nẵng, người cũng có mặt tại Cần Thơ những ngày này, và ông Đức cho rằng đó cũng là chuyện… bình thường.

“Tôi hiểu câu hỏi và cách đặt vấn đề của giới truyền thông, nhưng rõ ràng sức ép thành tích với HLV là có thật. Không chỉ mỗi Ngọc Thắng và Quách Tân, đội hình U21 SHB.Đà Nẵng còn có thêm vài cái tên rất khá khác. Họ đã là thành viên Olympic Việt Nam, nên nếu được, họ không cần phải quay lại tuyến trẻ của CLB đá giải U21 QG nữa. Nhưng bóng đá Việt Nam thời điểm này là thế”, HLV Lê Huỳnh Đức nói.

Nhà cầm quân từng 2 lần giành chức vô địch V-League cùng SHB.Đà Nẵng cho rằng, không thể so sánh giữa bóng đá Việt Nam và các nền bóng đá phát triển khác. “Rooney đã lên đội tuyển Anh từ năm 18 tuổi và không bao giờ quay lại tuyến trẻ CLB để đá giải trong nước nữa, bởi những ràng buộc của nhà tài trợ. Nhưng ở Việt Nam thì không như vậy. Có ai làm bóng đá mà không màng thành tích đâu”, ông Đức nói.

Cựu danh thủ thế hệ vàng Việt Nam cũng chia sẻ thêm rằng, 1 tuyến trẻ cấp CLB chỉ có khoảng 18 – 20 cầu thủ. Và để đảm bảo ít nhất về mặt quân số, họ phải có những tăng cường từ đội 1, thậm chí vay mượn nguồn lực của các CLB không lọt vào VCK U21 QG – Cúp Báo Thanh Niên, khi điều lệ cho phép. “Chúng tôi không thể đôn lên U21 các cầu thủ chỉ mới 15-17 tuổi khác, vì họ không cùng đẳng cấp”, vẫn lời Huỳnh Đức.

Vậy là bản chất vấn đề đã rõ. Các VCK U21 QG – Cúp Báo Thanh Niên vẫn không thể khác được, khi nó dường như luôn là sân chơi của các cầu thủ đã có đẳng cấp. Điều này giúp BTC và các đội bóng có lợi, nhưng sẽ là bất lợi với nhu cầu phát triển nền bóng đá. Sẽ không có gì lạ lẫm cả, khi một trong số những “thương hiệu này” giật các danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất VCK” hay “Vua phá lưới” của giải...

Trong lịch sử giải đấu 18 năm tuổi, U21 Báo Thanh Niên, có lẽ chỉ mỗi U21 Tiền Giang là ngoại lệ hiếm hoi, với đội hình từng lên ngôi năm 2006 ở Đà Nẵng, không phải thuộc diện sao số. Trung vệ đội trưởng Nguyễn Thành Long Giang đã giành danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất” và ẵm luôn phần thưởng “Cầu thủ trẻ hay nhất Việt Nam 2006”. Nhưng, lứa của Long Giang, Phúc Hiệp…, cũng không thể tiến xa.

Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ bóng đá trẻ Việt Nam cấp CLB thoát ra khỏi áp lực thành tích, bởi điều này liên quan đến vận mệnh nền bóng đá xứ sở?! Đã và chưa có câu trả lời thoả đáng.

Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm