B.Bình Dương vô địch mà không cần đào tạo trẻ

13/07/2015 14:34 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Cả đội 1 SLNA và các tuyến trẻ xứ Nghệ, một năm tiêu không quá 30 tỷ đồng; trong khi, chỉ nuôi một B.Bình Dương mỗi mùa, số tiền có thể lên tới cả trăm tỷ đồng.

Trong một chia sẻ khác, GĐĐH HAGL, ông Huỳnh Mau, cho rằng, tổng số tiền mà đội bóng này chi cho tất cả các tuyến cho mỗi mùa giải cũng không quá 50 tỷ đồng, tương đương với số tiền mà Học viện bóng đá PVF phải bỏ ra để thuê địa điểm (Trung tâm Thành Long), nuôi chừng 200 cầu thủ nhí và hơn 30 HLV cộng với quản sinh.

Nhưng, trong khi HAGL đang bết bát ở V-League 2015, dù lứa cầu thủ của Công Phượng giành được nhiều thiện cảm và niềm tin của người hâm mộ, thì PVF thậm chí chưa có đội 1 chơi bóng ở các giải chuyên nghiệp như hạng Nhất hay V-League. Trong phạm vi bài báo này, chúng ta khoan nói chuyện đầu ra, mà sẽ chỉ đề cập đến những bất cập.


Công Vinh (trái) nằm trong số hàng loạt hợp đồng bạc tỷ Becamex Bình Dương đưa về để gia cố sức mạnh cho CLB. Ảnh: Phương Nam

Trở lại giải đấu cao nhất xứ sở kể từ năm 2004, B.Bình Dương đã có 3 chức vô địch V-League (kỷ lục vô tiền khoáng hậu), một ngôi á quân, giành quyền vào chơi bán kết AFC Cup, một cột mốc có thể nói là chói lọi. Sức mạnh của đồng tiền lớn đến đâu, hẳn tất cả đều cảm nhận được. 10 năm qua, B.Bình Dương vẫn chưa thôi “mua vào”.

Cứ tạm tính, trung bình một cầu thủ B.Bình Dương có giá chuyển nhượng 5 – 7 tỷ đồng, thì 24 cầu thủ hiện đang thuộc biên chế đội bóng đất Thủ gộp lại, sẽ rơi vào khoảng 120 – 140 tỷ đồng. Ngoại trừ Anh Đức thuộc diện gia hạn hợp đồng, tất cả số còn lại đều được mua về bằng… tiền, thậm chí là rất nhiều tiền cho một cầu thủ trung bình khá.

Tất nhiên là lãnh đạo B.Bình Dương không bỏ 5 – 7 tỷ đồng ký với cầu thủ, chỉ để dùng họ trong một mùa giải. Các bản hợp đồng phần lớn đều có giá trị 2 – 3 năm và về lý thuyết là để phục vụ mục tiêu lâu dài. Tuy nhiên, vẫn không hiếm trường hợp phải ra đường sau các đợt thay máu, chỉ sau 1 mùa giải.

Bản hợp đồng gia hạn giá 9 tỷ đồng của Trần Chí Công (năm 2011) là một ví dụ, còn ngoại binh thì vô số kể.

B.Bình Dương từ sau thời anh em nhà họ Trương (Trương Văn Dũ, Trương Văn Hải, Trương Văn Khanh)… đã không giữ chủ trương đào tạo trẻ và sử dụng đội ngũ các cầu thủ người bản địa. Bản thân những người cùng thời như Đức Mạnh và cố cầu thủ Đình Phước, cũng là lấy từ Đồng Nai, bởi xưa nay B.Bình Dương chưa có đối thủ trên sàn chuyển nhượng.

Sẽ không bao giờ có được sự công bằng tuyệt đối trong thế giới bóng đá, khi những đội bóng nhà giàu luôn lấy đi tất cả, từ các cầu thủ tốt nhất đến các chức vô địch. Trên thế giới cũng thế thôi, chẳng nói riêng gì Việt Nam. Vấn đề là các đội bóng hàng đầu thế giới tuy mua sắm nhiều, nhưng vẫn chưa từng xem nhẹ vai trò của đào tạo trẻ.

Trước khi Viettel và PVF xuất hiện như những thế lực hàng đầu trong hệ thống các giải bóng đá trẻ quốc gia, hãy cứ nhìn vào bảng thành tích của những SLNA, Nam Định, SHB.Đà Nẵng, Hà Nội T&T, Đồng Tháp và cả Thể Công (cũ)… sẽ có ngay câu trả lời. Đây đồng thời cũng là những đội bóng – địa phương có nhiều đóng góp nhất cho các ĐTQG về vấn đề nhân sự.

Biết là mỗi cây mỗi hoa, nhưng sự phát triển bền vững của giải đấu, cũng như của nền bóng đá chắc chắn không thể phụ thuộc vào các đội bóng xây dựng lực lượng bằng cách tung tiền mua quân từ tứ xứ, mà nó phải được quyết định bởi sự hoạch định và khâu đào tạo trẻ.

V-League sau 15 năm chạy đà vẫn chưa thể đưa ra luật công bằng tài chính, hạn mức mua vào và quy định số lượng cầu thủ trẻ do đội bóng đào tạo ra được đôn lên đội 1 và bắt buộc sử dụng trong các trận đấu. Đấy mới là bất cập lớn nhất!

Trần Hải
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm