Bóng đá chuyên nghiệp nhìn từ khán giả: 'Tiền đạo' không bằng... tiền mặt

05/10/2017 08:18 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Theo sơ đồ phát triển một nền bóng đá theo chuẩn Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), truyền thông và khán giả được ví là 2 “tiền đạo” trong sơ đồ 3-5-2.

Nếu như thế thì bóng đá Việt Nam đang thi đấu với 1 tiền đạo, khán giả dường như chưa nằm trong “bộ nhớ” của các nhà làm bóng đá, từ VFF, VPF đến các CLB và đặc biệt giới cầu thủ. Bóng đá chuyên nghiệp đang lấy tiền làm thước đo, nên việc khán giả đang quay lưng với V-League cũng là phản ứng tự nhiên.

Nhìn từ khán giả Hải Phòng

Bỏ qua những câu chữ vô nghĩa “Cấm CĐV Hải Phòng vào các sân vận động của đội khách” thì cái quyết định do Trưởng ban kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường ký đã “chết yểu” ngay trên bàn. Nên hình ảnh hàng ngàn CĐV Hải Phòng, vẫn hò hét vào sân Cần Thơ và mới đây là sân Thanh Hóa là điều đã được dự báo trước và nó cũng chả có gì chắc chắn sau quyết định phạt BTC trận đấu của CLB bóng đá FLC Thanh Hóa 20 triệu đồng là pháo sáng sẽ chấm dứt. Nói như một thành viên BTC sân Cần Thơ đề nghị không nêu tên thì: “Hên xui, sân nào xui thì bị phạt, chính các sếp có mặt mà vẫn bó tay trước CĐV Hải Phòng, nói chi bọn tui”.

CĐV được xem là một phần của sân cỏ, gắn liền với việc phát triển bóng đá, nhưng nghịch lý là VFF và VPF lại đang đau đầu với việc chế tài cũng như xử lý với các CĐV quậy của Hải Phòng. FIFA và các Liên đoàn bóng đá châu lục xử lý các CĐV thường đánh trực tiếp vào CLB hoặc đội tuyển qua những chế tài gắt gao. UEFA từng cứng rắn. Nếu CĐV Nga còn quậy phá thì đội tuyển Nga sẽ bị loại khỏi vòng chung kết EURO 2016. Nhưng bóng đá Việt Nam lại “thả nổi” CĐV, các CLB đều phủi tay “không biết, không quản lý” Hội CĐV và tất nhiên khán giả quậy phá, Ban Kỷ luật chỉ ra quyết định và…thu tiền. Chấm hết.

Rõ ràng việc để tồn tại những điều chướng tai gai mắt ở cấp độ giải V-League hay các trận đấu của đội tuyển quốc gia đã và đang làm xấu đi hình ảnh bóng đá Việt Nam và khiến cho khán giả chân chính ngại đến xem. VFF và các CLB sẽ không thể mãi né tránh thực tế này theo kiểu được chăng hay chớ, hên xui như hiện nay.

Không hiểu khi nhận án phạt của AFC thì quan chức VFF nghĩ gì? Không biết họ có hình dung có ngày đội tuyển quốc gia Việt Nam phải đá trong sân vận động không có khán giả?

Và nhìn từ một số điểm sáng

Bóng đá Việt Nam, cụ thể là V-League nếu không có lực lượng cổ động viên của bốn đội Than Quảng Ninh, FLC Thanh Hóa, Sông Lam Nghệ An và Hải Phòng sẽ rất đìu hiu và buồn. Hãy điểm qua số lượng các trận đấu có lượng người xem đông đảo: Vòng 18 SHB Đà Nẵng gặp SLNA (8.000 khán giả), vòng 19 Than Quảng Ninh - SHB Đà Nẵng (6.000 khán giả), B.Bình Dương - SLNA (6.000 khán giả), vòng 20 FLC Thanh Hóa - Hải Phòng (8.000 khán giả). Khán giả các trận đấu đó chiếm 25-30% tổng số lượng khán giả đến cổ vũ trên 7 sân vận động của các đội tham dự V-League. Vẫn còn 1 lượng lớn khán giả háo hức đến sân cuối tuần, không có sự định hướng của VFF, VPF và các CLB, họ vẫn tự tổ chức sân chơi của mình.

Quảng Nam vẫn thiếu 'tầm' để vô địch V.League

Quảng Nam vẫn thiếu 'tầm' để vô địch V.League

Khi chứng kiến Quảng Nam “vồ hụt” ngôi đầu bảng, HLV Trần Bình Sự của B.Bình Dương không ngần ngại chia sẻ rằng đối thủ thiếu một chữ Tầm để bứt lên. Đó cũng là điều mà đội bóng xứ Quảng vẫn cần thời gian để nâng tầm.

Trước đây, trên sân Thống Nhất, Hội CĐV xứ Nghệ cũng tự tổ chức tri ân đội trưởng đội tuyển quốc gia Công Vinh giã từ sân cỏ. Vòng 21, trên sân Pleiku họ sẽ tổ chức các hoạt động tri ân Phi Sơn, người được khán giả SLNA bình bầu là cầu thủ xuất sắc nhất mùa bóng. Khán giả xứ Nghệ bày tỏ tình cảm và thể hiện thông điệp đến lãnh đạo CLB SLNA hãy tìm cách tái ký hợp đồng với cầu thủ số 10 này.

Nhiều Hội CĐV khác cũng đã tự mình tổ chức các hoạt động có ý nghĩa nhân văn. Trong quá trình chấn chỉnh bóng đá Việt Nam, Tổng cục TDTT cần đưa mục quản lý CĐV vào điều kiện tiên quyết tham dự V-League và có chế tài theo đúng thông lệ quốc tế. Đặc biệt, những người làm bóng đá phải thực sự tôn trọng khán giả, coi đấy là nền tảng phát triển mỗi CLB. Đừng để mọi thứ quá muộn!

Tây xử lý khác ta

Khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam phải nhận án phạt rất nặng từ Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) vì CĐV Việt Nam đốt pháo sáng trên khán đài trong trận Việt Nam thắng Campuchia 2-1 ở Vòng loại Asian Cup 2019, người ta mới nhớ đến cách xử lý rất khác của VFF. Nó khác xa Quyết định số 308/QĐ-LĐBĐVN ngày 27/6/2017 của Ban Kỷ luật: “Cấm CĐV Hải Phòng vào các sân vận động của đội khách có tổ chức các trận thi đấu bóng đá thuộc các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam năm 2017 do có hành vi gây mất an ninh, an toàn trong trận đấu giữa hai CLB Hà Nội và Hải Phòng tại lượt trận thứ 14, ngày 24/6/2017 trên SVĐ Mỹ Đình, Hà Nội”.

Đông Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm