Khi người Mỹ thống lĩnh bóng đá châu Âu

27/03/2021 09:27 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Một xu hướng đáng chú ý giữa thời buổi bóng đá chịu tác động vì Covid-19: Người Mỹ ngày càng vươn vòi bạch tuộc nhiều hơn đến các CLB châu Âu. Chuyện gì đang xảy ra và liệu làn sóng thôn tính có dấu hiệu dừng lại?

Bóng đá hôm nay 27/3: MU gửi đề nghị 80 triệu euro cho Llorente. Sadio Mane chốt tương lai

Bóng đá hôm nay 27/3: MU gửi đề nghị 80 triệu euro cho Llorente. Sadio Mane chốt tương lai

 MU gửi đề nghị 80 triệu euro cho Llorente. Mane chốt tương lai. Lịch thi đấu bóng đá hôm nay.

Tất cả đã quá quen với làn sóng đầu tư từ các vị tỷ phú, các tổ chức đến từ Nga, Trung Đông và châu Á (đặc biệt là Trung Quốc) trong suốt hơn 20 năm qua. Bây giờ, dòng tiền đầu tư vào một số đội bóng châu Âu đang chảy xuyên biên giới từ Mỹ, cụ thể qua những Quỹ đầu tư tư nhân.

Làn sóng Mỹ rải khắp châu Âu

Bóng đá thời đại dịch ai cũng biết những biến động khôn lường. Những nhà đầu tư đang ngày càng nhận ra tiềm năng môn thể thao vua mang lại trên phương diện tài chính. Những khoản lợi nhuận từ bản quyền truyền hình hay truyền hình trực tuyến (streaming) đang khiến các ông lớn bỏ túi thêm giàu có. Đại dịch Covid-19 rõ ràng tác động đến làng túc cầu, đồng thời đẩy nhanh cơ hội để các nhà đầu tư tiếp cận các CLB, đối tượng ít nhiều gặp khó khăn trong vấn đề tài chính. Khi những người yêu bóng đá buộc phải thưởng thức các trận đấu tại nhà thay vì hiện diện trực tiếp trên các khán đài, những hệ thống truyền thông trực tuyến lớn như Amazon hay Netflix ghi nhận sức tiêu thụ gia tăng chóng mặt.

Vậy đâu là những nhà đầu tư đang làm mưa làm gió ở bóng đá châu Âu thời điểm hiện tại? Chắc chắn cái tên đầu tiên cần được nhắc tới là tập đoàn Fenway Sports Group (FSG), chủ sở hữu CLB Liverpool. Tập đoàn này đang cân nhắc việc bán 10% cổ phần đội chủ sân Anfield cho đơn vị có tên RedBird Capital Partners, tức số tiền khoảng 540 triệu bảng. Tập đoàn RedBird không giấu giếm ý định xây dựng mạng lưới đầu tư bóng đá trên phạm vi toàn cầu. Đáng chú ý, siêu sao bóng rổ LeBron James cũng gián tiếp liên quan đến thương vụ này, khi đã đầu tư số tiền 4,7 triệu bảng để trở thành đối tác của FSG. Ngoài FSG, một doanh nghiệp đầu tư thể thao cũng gây đình đám bóng đá Anh trong thời gian gần đây là ALK Capital. Tập đoàn này đã mua lại Burnley theo hình thức LBO (Leveraged Buyout – tạm dịch: Mua lại bằng vốn vay). Nói nôm na, tập đoàn này đang sử dụng kịch bản nhà Glazer mua lại MU năm 2005 cho thương vụ thâu tóm đội chủ sân Turf Moor.

Chú thích ảnh
Làn sóng đầu tư từ Mỹ đang tạo ra mạng lưới chằng chịt các CLB do các quỹ đầu tư tư nhân sở hữu

Các nhà đầu tư Mỹ không chỉ nhắm các đội bóng ở Premier League, mà còn hướng về nhiều CLB tiềm năng khác ở châu lục. Tập đoàn RedBird hiện đang nắm giữ cổ phần ở Toulouse, đội bóng đang chơi ở giải hạng Nhì Pháp (Ligue 2). Thêm hai đội hạng Nhì nữa cũng có dính dáng đến các ông chủ Mỹ là Nancy (tập đoàn New City Capital) và Troyes, đội bóng được mua lại năm ngoái từ City Football Group, công ty có cổ phần của quỹ đầu tư Silver Lake thuộc bang California, Mỹ. Bordeaux, đội bóng đang chơi ở Ligue 1 có chủ sở hữu là General American Partners cùng King Street Capital Management.

Sau Pháp, Italy cũng có bàn tay của các tập đoàn Mỹ. Tất cả sẽ nhắc về AC Milan, đội bóng đang có chủ sở hữu là tập đoàn Elliott Management Corporation. Hai đơn vị Advent Capital Management và FSI Capital đang xâm nhập bản quyền Serie A khi lời đề nghị trị giá 1,7 tỷ euro đã được ban tổ chức giải đấu chấp thuận. Họ cũng không giấu giếm ý định đưa ra ý định tương tự với giải Bundesliga.

Bóng đá chỉ là công cụ cho những cơ hội trong tương lai

Để ý kỹ hơn, các quỹ đầu tư tại Mỹ không chỉ đơn thuần hoạt động trong lĩnh vực bóng đá hay tìm kiếm cơ hội hoạt động ở châu Âu. Tập đoàn Silver Lake có mạng lưới liên quan đến các thương vụ nhượng quyền của City Football Group ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Australia, cụ thể là các CLB được đơn vị này mua lại. Hay như RedBird, đơn vị này ngoài các CLB bóng đá cũng đầu tư vào các môn thể thao khác như bóng chày với hai đội bóng đáng chú ý ở Mỹ là Boston Red Sox và New York Yankees. Những hoạt động đầu tư như thế là một phần trong danh mục đầu tư liên quan đến các môn thể thao, từ bóng đá, bóng rổ hay thậm chí kể cả vật. Tập đoàn Silver Lake không giấu giếm ý định coi bóng đá là công cụ để tiến bước vào các hoạt động trên những lĩnh vực khác như bán lẻ thể thao (họ có thể học hỏi hình thức bán hàng trực tuyến thành công của Fanatics) hay giải trí.

Chú thích ảnh
Không phải đội bóng nào cũng có tương lai hứa hẹn với các ông chủ Mỹ như Liverpool

Những quỹ đầu tư tư nhân rõ ràng đã nhìn thấy miếng mồi béo bở từ bóng đá, một sản phẩm gần như không phải tốn một xu đầu tư nào trong khi lại thu hút một lượng khán giả theo dõi khổng lồ trên toàn cầu. Những cổ động viên bóng đá không hề ngần ngại trả tiền cho các kênh truyền hình, cả truyền thống lẫn trực tuyến, để theo dõi các trận đấu bóng đá, cũng như sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua sắm các sản phẩm áo đấu hay đồ lưu niệm chính hãng của các CLB mình yêu thích. Dòng tiền từ đó rõ ràng các nhà đầu tư nhận thức rõ tiềm năng phát triển.

Những doanh nghiệp hay quỹ đầu tư Mỹ cũng biết rõ thói quen theo dõi bóng đá đã thay đổi trong 5 năm trở lại đây. Khi những phương thức theo dõi truyền thống đang dần khó tìm thấy đất sống, các CLB ngày càng được hưởng lợi hơn từ các thương vụ bản quyền truyền hình kếch xù, cùng với đó là sự nổi lên của những tập đoàn truyền hình trực tuyến hàng đầu như Netflix, Amazon Prime hay DAZN.

Tất nhiên, mặt trái của những thương vụ từ các quỹ đầu tư xứ sở cờ hoa cũng không thể thờ ơ. Những đội bóng họ sở hữu có thể biến thành con bò vắt sữa tối đa nguồn thu nhập, như cách nhà Glazer đang làm với MU để trả những khoản nợ hiện hữu. Ngay cả Liverpool hay Burnley, không phải mọi cổ động viên đều hài lòng với các thương vụ đổi chủ sở hữu. Ít nhất, xu hướng người Mỹ vươn mình ra các CLB châu Âu sẽ không có dấu hiệu dừng lại trong tương lai gần.

Burnley, lời cảnh báo cho Premier League với chủ Mỹ

Burnley chính là đội bóng Premier League mới nhất nằm trong tay các ông chủ Mỹ, khi được quỹ đầu tư ALK Capital mua lại vào đầu năm nay. Rất nhiều người đã kỳ vọng một đội bóng ở tầm trung bình như Burnley sẽ lột xác sau khi đã thành công trong việc trụ lại hạng đấu cao nhất nước Anh trong nhiều năm qua, nhờ thứ bóng đá thực dụng, giàu quyết tâm trong bối cảnh thầy trò Sean Dyche mỗi mùa đều chỉ có một nguồn sách khá hạn hẹp để bổ sung nhân sự.

Rốt cuộc, Burnley vẫn chẳng có dấu hiệu nào đổi đời cả. Không có thêm bất cứ tân binh chất lượng nào trong kỳ chuyển nhượng mùa đông vừa qua, trong lúc đội chủ sân Turf Moor đang xếp thứ 15 trên bảng xếp hạng. Các cổ động viên Burnley có lý do để tự hỏi liệu thương vụ này có đem lại điều hứa hẹn nào cho đội bóng của mình. Burnley trước khi được mua lại chưa hề dính một khoản nợ nào, nhưng không ít người đang lo ngại đội bóng này sẽ phải gánh chịu nợ nần, thứ có thể đe dọa đến tương lai của họ ở hạng đấu cao nhất nước Anh.

 

Đức Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm