Có lẽ, Jose Mourinho luôn là người dự bị ở Old Trafford

23/10/2016 07:03 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Một ngày trước khi trận lượt về giữa Chelsea và Manchester United diễn ra ở mùa bóng 2014, truyền thông xứ sở sương mù đột nhiên đặt câu hỏi tu từ: Sẽ thế nào nếu Manchester United chọn Jose Mourinho?

Hai năm sau, giả thiết tưởng như không tưởng đấy trở thành sự thật trong sự khốn cùng của Manchester United. Bất chấp những cảnh báo rằng, Jose Mourinho đã trở nên nguy hiểm hơn nhiều cho đội bóng áo đỏ sau từng đấy thời gian. Nhưng điều đáng quan tâm là Jose Mourinho sẽ làm được gì cho Man Unietd sau khi bị đội bóng thủ đô London phủ nhận.

Người nghi ngờ tất cả

Ngay cả khi đã yên vị ở Old Trafford, người ta cũng không thể chối bỏ một sự thật, HLV 53 tuổi này cũng chỉ là người thay thế vào phút chót. Lần thứ nhất, ông bị HLV Alex Ferguson từ chối và lựa chọn David Moyes kế nhiệm mình. Lần thứ hai, khi Pep Guardiola nói không với đội bóng áo đỏ và gật đầu với Manchester City, thì Manchester United buộc phải quay lại phương án Jose Mourinho như mục tiêu duy nhất của họ.

Tất cả những điều đấy đưa đến nhận định, chiến lược gia người Bồ Đào Nha không phải là sự lựa chọn lý tưởng cho giá trị và tương lai của Manchester United. Nhưng yêu cầu thành công trong ngắn hạn thời hậu Alex Ferguson, là thứ duy nhất đẩy ông lên chiếc ghế chỉ đạo bị bỏ trống ở Nhà hát của những giấc mơ, trong sự nhắm mắt ngó lơ của huyền thoại Bobby Charlton, người trước đấy còn bảo rằng “một HLV của Manchester United sẽ không bao giờ làm như vậy”, đó là khi ông nói về vụ Mourinho móc mắt cố HLV Tito Vilanova của Barcelona thời còn dẫn dắt Real Madrid. Còn Giám đốc điều hành Ed Woodward mô tả “ông ấy là người giỏi nhất hiện tại”, sau khi vồ trượt Pep Guardiola.


Mourinho chỉ là phương án thay thế cho Pep Guardiola

Chúng ta sẽ không phán xét cách hành xử của Jose Mourinho trong quá khứ, cũng như không nói đến triết lý chơi bóng của ông, mà sẽ tìm hiểu những kế hoạch của HLV người Bồ Đào Nha cho tương lai của đội bóng áo đỏ, và ông có thật sự phù hợp với giá trị mà Sir Alex Ferguson đã gầy dựng trong quá khứ hay không. Vấn đề là ngoài việc đưa về một vài cầu thủ như Bailly hay Ibrahimovic, Jose Mourinho dường như không có một kế hoạch cụ thể nào để phát triển đội bóng trong dài hạn. Điều duy nhất mà người ta thấy vào lúc này, chỉ là một người đang xù lông nhím để bảo vệ mình, vì câu lạc bộ này kí hợp đồng với ông vì sự sợ hãi hơn là sự chờ đợi một tương lai bền vững, như Thiery Henry bình luận trước đó.

Chỉ sau có vài vòng đấu ở Ngoại hạng Anh, thêm hai trận đấu ở vòng bảng Europa League, HLV người Bồ Đào Nha có đến 3 lần chỉ trích các học trò (Luke Shaw là người bị trách cứ nhiều nhất) vì cảm thấy họ không đáp ứng được yêu cầu chiến thuật hoặc hiểu trận đấu như ông mong muốn. Trước khi gặp Liverpool, Jose Mourinho lần đầu tiên sử dụng chiến thuật tâm lý khi nói về trọng tài chính của trận đấu này, ông Anthony Taylor, người sống cách sân Old Trafford có gần 10km, như một cách đẩy áp lực lên Liverpool, và tránh mũi tên hướng về mình nếu đội bóng lại thất bại trước một đối thủ lớn.

“Họ chẳng phải là đội bóng tuyệt vời còn lại như mọi người vẫn nói, họ là đội bóng mạnh, nhưng chỉ thế thôi”, Jose Mourinho hỉ hả nói sau trận hòa với Liverpool, đối thủ đáng ghét số 1 của ông ở nước Anh. Đó là lúc HLV 53 tuổi này bộc lộ cái tôi thù địch, thứ mà truyền thông Anh vẫn e ngại, sẽ gây hại cho Manchester United. Câu lạc bộ có thể chấp nhận những cá tính dị biệt của cầu thủ, nhưng không muốn nhìn thấy điều đó trên ghế chỉ đạo, vốn luôn được coi là chuẩn mực ở Old Trafford.


Mourinho không phải mẫu HLV chuẩn mực theo truyền thống của Man United

Vì sao HLV người Bồ Đào Nha lại sớm thể hiện những góc tối trong cách làm việc ở Manchester United như vậy? Không ai phủ nhận sức hút của Mourinho, nhưng kể từ sau sự đổ vỡ mối quan hệ với các ngôi sao ở Chelsea, chiến lược gia này ngày càng cô độc hơn trong thế giới của mình. Ông có thể là trung tâm trong phòng thay đồ ở Old Trafford, nhưng luôn sợ khả năng bị phản bội như tại Stamford Bridge.

Cảm giác là người ngoại đạo ở Manchester United là không thể chối bỏ với Jose Mourinho, ở phía trên ông là Alex Ferguson, hay Bobby Charlton, những người luôn xuất hiện trên các khán đài Old Trafford trong mỗi trận đấu của câu lạc bộ. Đó là thứ áp lực vô hình, ngay cả khi có một quá khứ lừng lẫy, thì HLV 53 tuổi này luôn phải làm việc trong sự soi xét từ các huyền thoại.

“Ban lãnh đạo Manchester United có thể chắc chắn về việc David Moyes hay Van Gaal ở lại đây đến 6 năm. Họ cũng có thể nói về điều đó với Jose Mourinho, nhưng không thật sự chắc chắn, đó là trường hợp khác”, Gary Neville bình luận về vị thế của HLV 53 tuổi này bằng một nhận xét trúng tim Mourinho.

Ông chỉ cam kết dài hạn với mục tiêu của mình, chứ không phải là kiểu gắn kết lâu dài với một tập thể. Một người thích hướng đến các danh hiệu ngay tức thì, bỏ qua vấn đề nền tảng, và tập trung đạt được thành tích càng nhanh càng tốt, bằng cách đòi hỏi rất cao ở các cầu thủ, trước khi nghĩ đến những mặt tiêu cực nảy sinh trong nội bộ. Đó là những thứ không bao giờ được phép xảy ra dưới thời của HLV Alex Ferguson.

Manchester United khó thành công với Mourinho?

Trong 16 năm sự nghiệp của mình, HLV người Bồ Đào Nha đã tạo dựng thành công từ Porto, tới Inter Milan và cả Chelsea dựa trên thế hệ những cầu thủ đúng như ông mong muốn, đó là những người chăm chỉ, rắn rỏi, luôn hướng về tập thể, và chiến đấu hết mình cho mục tiêu mà Jose Mourinho đã vạch ra.

Họ là những tên tuổi lớn của bóng đá thế giới như Lampard, Carvalho, Cambiasso, Walter Samuel , Drogba hay Milito, thế hệ những người sinh trong khoảng từ năm 1978 tới 1980, và sẵn sàng sống chết vì tất cả những điều Jose Mourinho nói. Giữa họ là cam kết của những giá trị tập thể. Và điều đó lí giải cho 6 chức vô địch quốc gia, cùng với hai Champions League mà ông có được với Porto, Chelsea giai đoạn đầu, cũng như Inter Milan. Nhưng 5 mùa bóng gần đây, kể từ sau cú ăn ba vĩ đại với đội bóng Italy vào năm 2010, chiến lược gia người Bồ Đào Nha chỉ có thêm được hai chức vô địch quốc gia với Real Madrid (2012) và Chelsea (2015). Jose Mourinho đã hết thời? Không phải như vậy, sự khác biệt nằm ở thế hệ cầu thủ trẻ mà HLV 53 tuổi này dẫn dắt.


Sự khác biệt nằm ở thế hệ cầu thủ trẻ mà Mourinho tuổi này dẫn dắt

“Chỉ trong 10 giây, cậu ta tự đưa ra quyết định rằng, mình không thể thi đấu nữa, và phản ứng đầu tiên là tôi không muốn làm điều đó”, Jose Mourinho nói về Eden Hazard, người được ông nhào nặn và nâng cấp, nhưng không thể kiểm soát được anh ta. Chelsea bắt đầu thất bại từ những chi tiết như vậy, sau đó, đến lượt Jose Mourinho giương cờ trắng.

Điểm mấu chốt là những cầu thủ sinh trong khoảng từ 1985 đến 1990 như Ronaldo, Di Maria, Mesut Oezil ở Real Madrid thời Jose Mourinho dẫn dắt. Hay Oscar, Hazard, Matic ở Chelsea, đều là những cầu thủ giỏi, họ cũng muốn cùng đội bóng giành chiến thắng, nhưng không quên gây ấn tượng cá nhân, hoặc tạo ra sức ảnh hưởng tới truyền thông bằng những màn trình diễn trên sân cỏ.

 “Tôi muốn đến Manchester United để giành Quả bóng Vàng”, Paul Pogba tuyên bố chắc nịch trong ngày trở lại Old Trafford. Đó là khát khao lớn của một tài năng đang tìm chỗ đứng trong ngôi đền của các huyền thoại. Jose Mourinho có thể sẽ chấp nhận tham vọng mang tính cá nhân này trong mùa đầu tiên ở Manchester United. Nhưng chắc chắn, ông cần những Bailly, Ibrahimovic hơn là Pogba nếu muốn thành công ở đây.


Pogba chưa thể là điểm tựa cho thành công của Mourinho tại Man United

Rất có thể những người như Pogba sẽ là mầm mống cho mọi sự hỗn loạn trong tương lai, một khi anh tạo dựng được chỗ đứng ở Nhà hát của những giấc mơ. Và người ta có lý do để chờ đợi, họ sẽ hủy hoại nhau như thế nào trong cả hai trường hợp: Manchester United có hoặc không thể vô địch ngoại hạng Anh.


Những thời điểm đáng nhớ trong sự nghiệp cầm quân của Jose Mourinho

Thông tin trận đấu

22h00, ngày 23/10, sân Stamford Bridge, Trực tiếp trên K+1

Chelsea – Manchester United

Trần Dũng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm