25/04/2023 14:52 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
"Ngân hàng là một môi trường làm việc rất tốt cho những người mới khởi nghiệp. Từ rèn luyện con người, cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp,... đến kiến thức về kinh doanh, dòng tiền, tài sản." Đây là kinh nghiệm mà Nguyễn Thanh Duy (28 tuổi, Hà Nội) rút ra được sau gần 6 năm làm ngân hàng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Duy đã nghỉ việc và quyết định vào TP. HCM để lập nghiệp. Rẽ sang một hướng hoàn toàn khác, Thanh Duy lựa chọn mở một cửa hàng bán bánh mì. Tuy nhiên, quyết định này lại không được gia đình anh chàng ủng hộ!
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Thanh Duy đã bắt đầu làm việc ở ngân hàng với vị trí là một giao dịch viên. Trong 6 năm đi làm, Duy từng thăng chức 2 lần và trở thành phó phòng dịch vụ khách hàng. Đây cũng là nguồn thu nhập chính giúp anh chàng tích lũy được khoản tiết kiệm đáng kể:
"Từ ngày được thăng chức, chế độ lương thưởng và đãi ngộ cũng tăng theo. Nhưng áp lực chức phó phòng lại khiến mình chao đảo. Không chỉ quản lý công việc của bản thân, mình còn phải phụ trách tốc độ tăng trưởng của cả nhóm, kiểm soát sổ sách sát sao từng con số, thay mặt trưởng phòng tiếp nhận khách hàng tiềm năng,... và điều quan trọng, là giờ làm việc không kể ngày đêm." Áp lực công việc ngày càng quá lớn, Thanh Duy không duy trì được sự đam mê với nghề như trước.
Một công việc từng là niềm tự hào của bố mẹ, là sự ổn định mà bao người mong muốn. "Nhưng bây giờ mình chỉ thấy chán chường mỗi khi phải thức dậy và đi làm vào 8h sáng, về nhà lúc 5h chiều, tối lại tiếp tục quay cuồng trong đống hỗn độn. Sự lặp lại của chuỗi ngày công nhân viên chức bỗng nhiên không còn phù hợp với những ý nghĩ điên rồ đang nảy sinh trong đầu.
Phải nói là "điên rồ" vì không ai có thể nghĩ rằng, chàng thanh niên làm ngân hàng thu nhập ổn định vài chục triệu/tháng lại muốn bỏ ngang để bán bánh mì. Ý định khởi nghiệp có từ khi mình nói chuyện cùng một người bạn về sự nghiệp tương lai. Và mình muốn làm một điều gì đó vượt qua vòng an toàn của bản thân. Bố mẹ mình không ủng hộ, bạn bè cũng vậy. Họ đều không tin tưởng về mức độ thành công của dự án này. "
Nhưng tất cả cũng không ngăn được nhiệt huyết của tuổi trẻ, Thanh Duy tìm được hướng đi mới: Bỏ Bắc vào Nam lập nghiệp với một công việc rủi ro khó có thể lường trước!
"Bán bánh mì không phải lựa chọn ngẫu nhiên. Khi còn bé, gia đình mình có mở một cửa tiệm bánh ngọt nhỏ, do mẹ mình đảm đương vận hành và quản lý. Lớn lên với hương thơm của những khay bánh mì, mình cảm nhận bản thân có sự gắn kết vô hình nào đó."
Mô hình kinh doanh mà Thanh Duy lựa chọn là loại bánh mì được sản xuất từ A-Z: "Mình không lựa chọn nhập vỏ bánh mì về rồi thêm nhân để bán. Mà thay vào đó là sự hoàn thiện nguyên chiếc: Từ khâu làm bánh, nhân đến nước sốt và đóng gói đều được gia công ngay tại tiệm. Vì thế, kinh phí ban đầu bỏ ra cũng tốn kém hơn các cửa tiệm bình thường khác."
Thanh Duy cho biết, mặt bằng ở TP.HCM rất đắt đỏ. Nếu muốn thuê cửa tiệm ở mặt phố hoặc ngã ba, ngã tư thì con số có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Vậy nên anh chàng lựa chọn mở tiệm ở trong ngõ nhỏ và đầu tư nhiều hơn vào trang thiết bị. Thay vì kinh doanh trực tiếp thì đẩy mạnh qua bán hàng online và trên các app giao hàng: "Mình đổ tiền vào để làm marketing, hình ảnh và quay các công đoạn làm vỏ bánh, nướng bánh, nhân và sốt để đăng tải thu hút được khách hàng. Như vậy sẽ tiếp xúc với khách hàng một cách gần gũi hơn".
Tiếp theo đó là liên tục nâng cao chất lượng và hương vị của bánh. Thanh Duy cũng nhờ mẹ giúp đỡ nhiều trong quá trình hoàn thiện hương vị: "Mình đã làm ra được chiếc bánh mì mềm mại khi chưa nướng, làm nóng bằng nhiệt thì vỏ sẽ giòn, bánh để 2-3 ngày vẫn mềm và thơm, giòn được trong 2 giờ sau khi nướng lại. Nhân thì có đủ các loại để khách hàng có thể lựa chọn theo khẩu vị riêng. Điểm đặc biệt khiến mình ăn điểm với khách hàng là vị bánh mì có nhân đậm đà và mùi BBQ đặc trưng."
Biết cách áp dụng công nghệ và máy móc nên Thanh Duy cũng tiết kiệm được khá thời gian cũng như chi phí nhân sự. Hiện tại, sau khoảng 1 năm rưỡi kinh doanh, cửa hàng của Duy cũng chỉ mất khoảng 60 triệu để duy trì: 30 triệu tiền mặt bằng, máy móc và điện nước 15 triệu, cộng thêm chi phí nhân sự khoảng 16 triệu nữa. Những chi phí phát sinh không đáng kể.
Một tháng, số bánh mì Duy cung cấp ra ngoài vào khoảng 3000 ổ. Với giá bán dao động từ 30-35k/chiếc, chưa kể doanh thu từ đồ uống. Lợi nhuận thu về mỗi tháng từ 40-50 triệu đồng. Nhưng Duy cũng cho biết con số này chưa đủ để chi tiêu thoải mái, cũng như chẳng có dư để tiết kiệm: "Số tiền đầu tư vào quán cũng không nhỏ. Ngoài 500 triệu tiền tiết kiệm, mình còn vay mượn thêm để trang trải trong nửa năm kinh doanh và học hỏi. Hiện tại, với mức thu nhập đó mình cũng chỉ đủ để trả nợ, chi tiêu cho cuộc sống và tái đầu tư."
Tuy vậy, Thanh Duy cho biết tầm nhìn của anh với nghề này đang rất khả quan: "Với những gì đã đạt được ở hiện tại, mình nghĩ mọi thứ đều sẽ ổn trong tương lai gần. Bố mẹ và bạn bè cũng đã bắt đầu công nhận sự nỗ lực và cố gắng của mình."
Chính bản thân Duy cũng cho biết, việc kinh doanh tiến hành thuận lợi phần lớn là do những kinh nghiệm tích lũy được khi còn làm ở ngân hàng. Hiện tại đã theo đuổi được những gì mình muốn, nên Duy không cảm thấy áp lực như lúc trước. Dù bận rộn hơn với công việc của tiệm bánh mì, nhưng anh chàng lại cảm thấy vui vẻ và không còn chán chường mỗi sớm mai thức giấc!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất