Bộ giáp Iron Man đời thực với khả năng tự động bay về phía người mặc giống hệt phim Marvel

17/12/2022 18:46 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Chế tạo thành công bộ trang phục có thể tự bay về phía người mặc và giúp họ lơ lửng giữa không trung, anh chàng YouTuber này đích thị là Iron Man đời thực rồi!

Những sản phẩm khoa học viễn tưởng trong loạt phim siêu anh hùng của Marvel vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho không ít kỹ sư hay người đam mê công nghệ trên toàn thế giới. Đó chính là lý do vì sao trong nhiều năm qua, đã có rất nhiều dự án hiện thực hóa những món vũ khí, những thiết bị hư cấu trong các tác phẩm của Marvel, ví dụ như búa thần phóng ra điện của Thor hay chiếc khiên vibranium trứ danh của Captain America.

Dĩ nhiên, khi nhắc đến Marvel, chúng ta không thể không đề cập đến Iron Man với vô số phiên bản áo giáp hào nhoáng cùng nhiều tính năng cao cấp. Siêu anh hùng này nổi tiếng đến mức hiện tại, đã có quá nhiều sản phẩm ăn theo với thiết kế giống như phiên bản điện ảnh, cùng với đó là những chức năng đang ngày càng được cải thiện, nâng cấp.

Tuy nhiên, để tạo ra được bộ giáp với khả năng tự động bay về phía người mặc giống như trong các bom tấn Iron Man, thì có lẽ mới chỉ có YouTuber Jake Laser làm được mà thôi!

Một số phiên bản giáp của Iron Man có thể tự động bay đến và mặc lên cơ thể của Tony Stark - Video: Marvel Studios.

Nếu như bạn chưa biết, Jake Laser là chủ nhân của kênh YouTube JLaservideo, hiện đang sở hữu hơn 3,3 triệu lượt đăng ký sau 10 năm hoạt động. Anh chàng kỹ sư trẻ tuổi này thường xuyên thực hiện các dự án hiện thực hóa những món đồ trong phim siêu anh hùng nói riêng và phim bom tấn Hollywood nói chung. Jake chính là tác giả của không ít sản phẩm viral một thời như chiếc va li có thể biến hình thành bộ giáp Iron Man, hay bộ dụng cụ leo tường giúp người thường hóa thân thành Spider-Man một cách dễ dàng.

Với dự án lần này, Jake không chú trọng vào việc xây dựng cả một bộ giáp hoàn chỉnh - điều mà anh đã chinh phục được từ nhiều năm trước. Thay vào đó, chàng YouTuber muốn phát triển các bộ phận phản lực với 2 chức năng chính: Có thể tự động bay về phía người dùng, và giúp họ bay lên không trung giống như Iron Man vậy.

Bộ giáp Iron Man đời thực với khả năng tự động bay về phía người mặc giống hệt phim Marvel - Ảnh 2.

YouTuber Jake Laser muốn tạo ra bộ giáp Iron Man với những bộ phận có thể tự bay về phía người dùng - Ảnh: JLaservideo.

Nguyên lý hoạt động

Sản phẩm mới nhất của Jake Laser được hoạt động dựa trên nguyên tắc của ba lô phản lực. Tuy nhiên, anh chàng quyết định sử dụng động cơ điện thay cho lửa để hạn chế nhiệt, khói và mang lại khả năng điều khiển dễ dàng hơn.

Nguyên lý mà Jake áp dụng khá đơn giản: Chỉ cần tạo ra lực đẩy xuống mặt đất lớn hơn trọng lượng cơ thể của anh là sẽ có thể bay lên được.

Để làm được điều đó, Jake sử dụng 2 động cơ EDF cỡ lớn tự chế gắn ở phía sau lưng với vai trò tạo ra lực đẩy chính, và 2 động cơ EDF cỡ nhỏ gắn ở tay để hỗ trợ thăng bằng khi ở trên không. Theo tính toán của Jake, hệ thống động cơ này có thể nâng được vật nặng khoảng hơn 163kg, nghĩa là lớn hơn một chút so với trọng lượng cơ thể anh khi mặc toàn bộ các thiết bị cần thiết. Bên cạnh đó, vì pin cung cấp năng lượng ít hơn rất nhiều so với xăng dầu, nên Jake phải tạo ra cục pin LiPe tự chế để phát minh của mình có thể hoạt động được bằng điện.

Bộ giáp Iron Man đời thực với khả năng tự động bay về phía người mặc giống hệt phim Marvel - Ảnh 3.

Chỉ cần lực đẩy của hệ thống động cơ thắng được trọng lượng cơ thể của Jake là anh hoàn toàn có thể bay lên được - Ảnh: JLaservideo.

Thử nghiệm thực tế

Nguyên tắc đơn giản là vậy, thế nhưng những gì diễn ra trong thực tế lại không hề suôn sẻ như Jake kỳ vọng. Vì năng lượng tạo ra quá lớn, các động cơ EDF thường xuyên bốc cháy chỉ sau vài chục giây hoạt động. Lượng nhiệt sinh ra lớn đến nỗi một số dây nối còn bị chảy ra trong quá trình hoạt động.

Mọi chuyện thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn nữa khi đã có thời điểm, động cơ đeo ở tay của Jake bất ngờ phát nổ khi anh đang trực tiếp sử dụng nó. Mặc dù không gây ra chấn thương nghiêm trọng, nhưng rõ ràng trải nghiệm này đã khiến chàng YouTuber có chút hoảng loạn và bắt đầu cảm thấy chán nản với dự án của mình.

Bộ giáp Iron Man đời thực với khả năng tự động bay về phía người mặc giống hệt phim Marvel - Ảnh 4.

Hệ thống động cơ liên tục bị quá tải nhiệt, dẫn đến tình trạng cháy nổ - Ảnh: JLaservideo.

Ngoài ra, ngay cả khi hệ thống động cơ hoạt động ổn định, Jake cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều khiển và giữ thăng bằng. Lực nâng mà 4 động cơ tạo ra thường chỉ đủ sức để Jake bật cao hơn một chút, khó duy trì trạng thái lơ lửng giữa không trung, và đôi khi có thể làm anh mất đà và ngã xuống đất. Bài thử nghiệm này cũng đã để lại một vài vết sẹo ở đầu gối của chàng YouTuber.

Nói tóm lại, phiên bản đầu tiên của hệ thống động cơ này là một sản phẩm có chất lượng rất tệ, không chắc chắn và có thể gây ra nguy hiểm cho người dùng. Đó là lý do vì sao Jake buộc phải tiến hành nhiều thay đổi lớn dưới đây để có thể tiếp tục dự án của mình.

Tối ưu hóa sản phẩm

Bộ giáp Iron Man đời thực với khả năng tự động bay về phía người mặc giống hệt phim Marvel - Ảnh 5.

Jake đã quyết định sử dụng nhiều động cơ nhỏ hơn thay vì dùng 2 động cơ cỡ lớn - Ảnh: JLaservideo.

Thay đổi đầu tiên mà Jake áp dụng chính là thay thế 2 động cơ EDF lớn phía sau lưng bằng nhiều động cơ nhỏ hơn. Bằng cách này, mỗi động cơ sẽ tạo ra ít năng lượng hơn, hạn chế tình trạng quá tải nhiệt và dẫn đến tình trạng cháy nổ. Ngoài ra, nếu không may một vài động cơ bị hỏng, Jake vẫn còn nhiều động cơ khác để tiếp tục hoạt động và bay lượn. Đây là điều đặc quan trọng, có thể đảm bảo an toàn cho anh khi đang lơ lửng trên cao.

Bên cạnh đó, mỗi động cơ này đều được lập trình để có thể tự giữ thăng bằng như máy bay không người lái (drone). Đặc điểm này vừa giúp hệ thống động cơ dễ điều khiển hơn, lại có thể khiến chúng tự động bay về phía Jake, giống hệt như bộ giáp Iron Man trong phim của Marvel. Phần động cơ ở tay cũng được nâng cấp thành 6 động cơ EDF, gắn với nhau theo thiết kế hình thoi để tăng cường khả năng thăng bằng cũng như lực đẩy.

Không những vậy, Jake còn chế tạo một chiếc thùng kín bằng sợi carbon để chứa động cơ ở sau lưng. Nó có thiết kế chắc chắn, gọn nhẹ, có thể ngăn không cho các vật lạ bị hút vào động cơ trong quá trình hoạt động. Theo chàng YouTuber chia sẻ, toàn bộ hệ thống động cơ mới này có thể tạo ra đủ năng lượng để cung cấp điện cho 4 căn nhà.

Bộ giáp Iron Man đời thực với khả năng tự động bay về phía người mặc giống hệt phim Marvel - Ảnh 6.

Thiết kế động cơ mới giúp khả năng bay lượn và giữ thăng bằng của Jake được cải thiện hơn rất nhiều - Ảnh: JLaservideo.

Jake cho biết nếu có thêm thời gian, anh có thể thiết kế thêm nhiều tính năng ngầu hơn như “triệu hồi” bộ động cơ bằng AI, hay cài đặt định vị GPS để nó có thể tự động né chướng ngại vật trên đường bay. Tuy nhiên hiện tại, mỗi bộ phận động cơ đã có thể tự động cất cánh và bay lơ lửng xung quanh Jake với bán kính khoảng 9 mét. Chàng YouTuber cảm thấy chừng ấy đã là quá đủ ấn tượng ở thời điểm hiện tại đối với dự án này.

Chi tiết về quá trình nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm bộ đồ bay độc đáo này của Jake Laser diễn ra như thế nào, mời bạn theo dõi trong đoạn video dưới đây. Lưu ý: Video được thực hiện bởi các chuyên gia có chuyên môn cao, độc giả tuyệt đối không làm theo.

[Phụ đề] Quá trình chế tạo giáp Iron Man đặc biệt của Jake Laser, với các bộ phận có thể tự động bay về phía người dùng - Video: YouTube/JLaservideo.

Nguồn: Nerdist, Jake Laser

Đông Giang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm