CAN 2015 tại Guinea Xích đạo: Giữa xa hoa và nghèo đói

06/02/2015 09:21 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn)- Giải vô địch châu Phi (CAN) đã khởi tranh tại Guinea Xích đạo từ ngày 17/1 nhưng phần đông các ý kiến đều cho rằng, quốc gia Trung Phi này muốn sử dụng giải đấu để làm người dân quên đi sự nghèo đói và vấn đề về nhân quyền. Bởi Guinea Xích đạo không có một nền bóng đá mạnh và việc họ đứng ra tổ chức CAN cũng chỉ là vì hồi tháng 11 năm ngoái, Morocco tuyên bố rút lui do lo sợ đại dịch Ebola lan rộng ở Tây Phi.

Thực ra thì năm 2012, Guinea Xích đạo và Gabon cũng đã đăng cai CAN nhưng năm 2015, quốc gia chỉ có vỏn vẹn 800.000 dân đã đứng riêng một mình. Theo Victor Nogueira, đại diện của Tổ chức ân xá quốc tế, chế độ của tổng thống Teodoro Obiang Nguema Mbasogo đang cố gắng cải thiện hình ảnh của Guinea Xích đạo trước cộng đồng quốc tế, đặc biệt là về vấn đề nhân quyền. Trong nhiều năm qua, Tổ chức ân xá quốc tế liên tục phản ánh rằng, phe đối lập đã bị bắt giữ, ngồi tù mà không xét xử và bị tra tấn. Theo thông tin mà Tổ chức ân xá quốc tế nhận được, có ít nhất bốn tù nhân đã bị xử tử vào tháng 3/2014. Hai tuần sau, chính quyền Guinea Xích đạo mới chính thức cấm sử dụng hình phạt tử hình theo yêu cầu của Cộng đồng các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha (CPLP).

Nghèo đói dù có dầu và khí đốt


Nằm giữa Cameroon và Gabon trên vịnh Guinea, Guinea Xích đạo là một trong những quốc gia giàu có nhất châu Phi nhờ trữ lượng dầu và khí đốt lớn. Thế nhưng phần lớn dân số Guinea Xích đạo lại vẫn sống trong tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng, thậm chí chỉ với hai USD mỗi ngày. Giới nhà giàu nước này bị buộc tội đã biển thủ mọi nguồn lợi thu được từ xuất khẩu tài nguyên thô. Năm 2013, Chỉ số nhận thức tham nhũng quốc tế đã xếp Guinea Xích đạo ở vị trí 163 trong 177 nước.

"Nhờ tài nguyên dầu, Guinea Xích đạo vẫn có thu nhập đầu người cao hơn nhiều quốc gia châu Phi khác nhưng đồng thời, cái nghèo và bất bình đẳng ở quốc gia này vẫn rất cao," ông Nogueira nói tiếp. Theo các nhà hoạt động nhân quyền, người dân Guinea Xích đạo (giành độc lập từ Tây Ban Nha năm 1968) không được hưởng lợi gì nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng nghĩa họ sẽ không thể trông chờ gì từ CAN dù đây là ngày hội bóng đá lớn nhất của lục địa địa đen và cũng là nguồn tài nguyên dồi dào nhất của bóng đá thế giới.

Bóng đá là công cụ đánh bóng hình ảnh

Trong một cuộc phỏng vấn của DW, chủ tịch Hiệp hội các tổ chức phi chính phủ Bồ Đào Nha, Pedro Krupenski, cho biết, ông tin Tổng thống Obiang muốn sử dụng CAN để đánh bóng hình ảnhh. "Giải vô địch châu Phi là cơ hội tuyệt vời để giới thiệu một hình ảnh đẹp.". Thực tế có vẻ đúng như thế khi Tổng thống Obiang đã bỏ tiền túi mua 40.000 vé để cho các CĐV vào sân

Cũng theo ông Krupenski, sự kiện thể thao lớn nhất châu Phi cũng phơi bày phần nào mặt trái cuộc sống tại Guinea Xích đạo trước cộng đồng thế giới. "CAN sẽ là một cánh cửa mở để tất cả biết rõ vấn đề nhân quyền của Guinea Xích đạo."

Nên nói thêm, Guinea Xích đạo là một trong những quốc gia mở cửa ít nhất với các nhà báo quốc tế. Tuy nhiên, ở các giải thể thao như CAN, họ vẫn phải cấp visa cho một số lượng lớn phóng viên và bình luận viên nước ngoài.

Chính vì thế, ông Nogueira của Tổ chức ân xá quốc tế tin rằng, những nhà báo có mặt tại Guinea Xích đạo sẽ không chỉ đưa tin về CAN.

Ở quốc gia Trung Phi này, tổng thống 72 tuổi Teodoro Obiang Nguema Mbasogo là một trong những nhà lãnh đạo có thâm niên cầm quyền lâu nhất bởi ông đã có được chiếc ghế của mình từ năm 1979 sau khi lật đổ người chú.


Như đã nói ở trên, mặc dù thu nhập đầu người tính ra là 22.000 USD, Guinea Xích đạo luôn bị chỉ trích vì sự phân biệt giàu nghèo và tham nhũng. Liên hiệp quốc cho biết hơn một nửa số dân của họ không được tiếp cận với nước sạch và những điều kiện sinh họat cơ bản. “Gia đình Tổng thống nắm quyền kiểm soát quyền lực và kinh tế,” Javier Blas, đại diện cho tờ Financial Times của Anh tại châu Phi, nói. "Teodorin, con trai cả của Tổng thống, thâu tóm quyền lực của những cơ quan quan trọng như tình báo và lực lượng vệ binh. Con trai út Gabriel là Bộ trưởng năng lượng…."

Năm ngoái, hình ảnh Teodorin được bắt gặp ở Brazil cùng với Christina Mikkelsen, một cô gái Đan Mạch năm 2012 được vinh danh là Cô dâu thế giới. Tuy vậy thì Teodorin luôn được xem là một tay chơi vì lối sống xa hoa. Bộ sưu tập của ông có những siêu xe như Bugatti, Ferrari, Rolls-Royc và Maserati, một chiếc máy bay Gulfstream trị giá 38,5 triệu USD, một biệt thự trị giá 180 triệu USD ở Paris và căn nhà có cả sân golf trị giá 30 triệu USD ở Malibu, California. Thậm chí năm 2013, chính phủ Mỹ đang bị lôi vào một cuộc chiến pháp lý nhằm không để chiếc găng tay nạm đá quý của thần tượng pop quá cố Michael Jackson rơi vào tay Teodoro. Giới chức trách Mỹ cho rằng, Teodoro mua chiếc găng tay này bằng những đồng tiền không minh bạch. Về sau, theo thỏa thuận với luật pháp Mỹ, Teodorin đã phải từ bỏ quyền sở hữu bất động sản tại California…

Tuy vậy thì bất chấp những cáo buộc về nhân quyền, tham nhũng, Liên đoàn bóng đá châu Phi (CAF) vẫn cầu cứu Guinea Xích đạo sau khi Morocco quyết định rút lui chỉ hai tháng trước ngày khai mạc do lo sợ đại dịch Ebola.

Một trong những lý do CAF đặt hy vọng vào Guinea Xích đạo là vì nước này từng tổ chức CAN năm 2012 và như vậy, họ có đủ điều kiện cơ sở vật chất và ngân sách để giải quyết một loạt vấn đề chỉ trong thời gian ngắn.

Ngược về ba năm trước thì Guinea Xích đạo vào đến vòng tứ kết và chỉ sau trận thắng đầu tiên, đội tuyển nước này ngay lập tức đã nhận được một triệu USD. Số tiền này là phần thưởng từ Teodorin, người lúc đó là Bộ trưởng văn hóa của Guinea Xích đạo.

Phạm Hưng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm