Blog bóng đá: Giá đây đổi phận làm trai được

05/03/2012 21:26 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH) - Trong tinh thần ngày 8-3 bất diệt đang tràn về, tự nhiên tui thấy buồn cười khi đọc được cái tin về môn quyền anh nữ. Để tui kể hầu mọi người nghe.

Sắp tới, Thế vận hội mùa hè 2012 tại Anh sẽ có môn quyền Anh dành cho nữ. Nhưng cánh đàn ông sẽ thất vọng khi đề xuất cho chị em mặc váy thi đấu đã phá sản. Số là vị Chủ tịch Liên đoàn quyền anh nghiệp dư quốc tế (AIBA) không biết có bạn bè gì với Sepp Blatter không mà đề ra cái ý tưởng quái chiêu: phải phân biệt quyền anh nam với quyền anh nữ bằng cách cho chị em mặc váy (tất nhiên là váy… cực ngắn!).

Nếu nói về phân biệt nam nữ trong môn quyền anh thì thật ra đã có rồi. Nam ở trần, còn nữ thì không thể “thả rông” mà đánh quyền anh được. Phân biệt kiểu đó còn chưa chịu, AIBA còn buộc chị em mặc váy và đã đưa vào áp dụng ở một số giải đấu quốc tế và địa phương. Ý tưởng này được anh em đón nhận nhiệt liệt và bị chị em võ sĩ phản đối tới cùng. Một cô nói: “Tụi chị đầu gấu lên đánh lộn, chứ có phải diễn thời trang đâu mà cần phải mặc váy cho nó dịu hiền”. Cô khác nói: “Mặc váy di chuyển bất tiện, đề nghị trả lại quần cho chị em”.


Quyền anh nữ hấp dẫn hơn bạn nghĩ nhiều…

Đúng là bất tiện thật. So với ý tưởng cho chị em mặc đồ bó sát giống bikini của Blatter bên môn bóng đá, ý tưởng cho chị em mặc váy còn “cao” hơn một bậc. Sàn đấu thì cao, khán giả ở dưới ngó lên. Đặc thù của quyền anh là phải nhún nhảy, nhấp nha nhấp nhỏm để thủ thế. Thế là chị em ở trên nhấp nhổm thế nào thì các anh ở dưới cũng nhấp nhổm y hệt theo độ lên xuống của tà váy chị em. Kiểu này đánh xong 10 hiệp hỏi mấy ông cũng chả biết ai thắng ai thua, có ai múc được ai cú nào không đó chứ.

Vì lẽ này, chị em nhất quyết không chịu mặc váy. Ai đời mang tên là quyền anh (quyền tức là tay), tự nhiên khán giả chuyển sang nghía đùi và… mông hết ráo đâu có được. Đại diện cho Hiệp hội các vận động viên quyền anh nữ nói: Mấy bác thích xem đùi xem mông đề nghị đi coi bóng chuyền, tụi tui đánh lộn chứ không có khoe mấy cái đó.

Trên tinh thần 8-3, mới thấy người phụ nữ quả là khổ sở. Chơi thể thao đã là vượt qua một rào cản lớn, chơi quyền anh lại là một rào cản lớn hơn (ai đời phụ nữ nổi tiếng dịu dàng nhẹ nhàng lại lên võ đài “múc” chan chát vào mặt người ta), đã vậy rồi còn gặp cái vụ án “không mặc quần” này nữa. Chợt nhớ đến câu “giá đây đổi phận làm trai được” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương ta thời trước. Không biết ở Việt Nam môn quyền anh nữ phát triển đến đâu rồi nhỉ, rồi cái luật AIBA gì đó ta có tuân thủ không ta?

Theo tui, vấn đề “không cho phụ nữ mặc quần” của AIBA ở Việt Nam có một cách giải quyết cực kỳ thấu đáo. Không cần phải ca thán: “giá đây đổi phận làm trai được” như Hồ thi sĩ mà chỉ cần: “giá đây đổi phận làm… showbiz” thôi. Trên sân chơi văn hóa, chị em nghệ sĩ nhà ta hết thả rông rồi lại lộ hàng, hết chụp ảnh khỏa thân từ thiện đến bảo vệ môi trường. Cô hoa hậu nổi tiếng chuyên làm việc thiện tự nhiên nổi hứng thả rông rồi mặc áo dài chụp chơi, đến mức bị kêu gọi tước vương miện. Còn nói chuyện đánh nhau thì showbiz ta còn… ác liệt hơn quyền anh thứ thiệt. Nghe đâu cô gì thi Idol bị quýnh ghen ghê lắm, lên mạng search từ khóa “nghệ sĩ” và “đánh nhau” nó sẽ ra một lô kết quả. Đấy, thích đánh nhau và thích khoe da thịt thì nên qua quyền anh nữ, dễ ăn huy chương như chơi, mà còn không bị mang tiếng là vi phạm thuần phong mỹ tục. Cho cởi thì chưa chắc đã cởi, nhưng cấm cởi thì cứ thích cởi cơ. Việt Nam lạ thế.

BLV Đình 8

Chuyên mục mang tính trào phúng, xuất hiện các thứ Hai hàng tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm