Bình luận Nam Khang: Phản công

29/06/2014 13:13 GMT+7 | Vòng 1/8

(Thethaovanhoa.vn) - Đội tuyển Pháp chơi phản công khá tốt nhưng đó chỉ là món phụ trong những bữa tiệc tấn công mà HLV Didier Deschamps luôn dọn ra ở các trận đấu thuộc vòng bảng. Trong khi đó, phản công lại là món chính mà Nigeria dùng để “đầu độc” các đối thủ.  

Do vậy, nếu như cho rằng đội tuyển Pháp cần phát huy hơn nữa lối chơi phản công, trong hoàn cảnh họ đã ghi được đến 8 bàn thắng ở vòng bảng, thì e rằng hơi hồ đồ. Tuy nhiên, nếu xét đến những gì “Les Bleus” đã thể hiện trong trận hòa không bàn thắng với Ecuador thì sẽ dễ dàng chấp nhận được.

Cần phản công

Dù HLV Deschamps đã thay đến 6 cầu thủ trong đội hình xuất phát so với trận thắng 5-2 trước Thụy Sĩ thì trên hai tuyến đầu vẫn còn Karim Benzema, Blaise Matuidi và Paul Pogba, chưa kể Olivier Giroud được tung vào sân trong hiệp 2. Thế nhưng, 15 cú dứt điểm của 4 trụ cột này trên tổng số 21 cú sút của toàn đội đã không thể đem về dù chỉ một bàn thắng. Một phần do thủ môn Alexander Dominguez của Ecuador chơi quá xuất sắc, phần do dứt điểm không hiểm nhưng phần lớn là vì các chân sút của Pháp đều không ở vào tình thế thuận lợi khi thực hiện cú sút trước hàng phòng ngự khá dày của đối thủ.

Thế nên, một khi Nigeria cũng có thể chơi phòng ngự phản công như vậy thì điều mà đội tuyển Pháp cần làm là phải kéo giãn hoặc làm mỏng đi hệ thống phòng thủ của đối phương. Muốn kéo giãn thì chơi giãn biên còn muốn làm mỏng thì cách tốt nhất là “dụ rắn ra khỏi hang”.

Nghĩa là không nên tạo sức ép liên tục mà cần phải biết cách điều tiết nhịp điệu của trận đấu. Có những lúc cần phải lui quân về một chút để dụ đối thủ dâng lên rồi tung ra đòn phản công chớp nhoáng. Trong phương án này, sự trở lại của Yohan Cabaye sau khi mãn án treo giò là rất cần thiết bởi anh chính là người “phun” bóng lên hai cánh cho các hậu vệ biên bứt tốc. Hoặc cũng có thể chọn giải pháp phản công ngay khi vừa chặn đứng một đợt phản công của Nigeria.  

Chống phản công

Chặn đứng các pha phản công của “Siêu đại bàng” chính là điều mà HLV Deschamps cần phải quan tâm một cách đặc biệt bởi đó chính là vũ khí tối thượng của đối thủ. Tất nhiên, Nigeria chưa thể sánh bằng những bậc thầy phản công như Hà Lan hay Colombia nhưng họ hoàn toàn có khả năng gây tổn thương cho các đội bóng mạnh, điển hình như Argentina.      

Sự trở lại của trung vệ trẻ Raphael Varane và tiền vệ phòng ngự Cabaye là điều cần thiết nhưng vấn đề là hai hậu vệ cánh, Patrice Evra và Mathieu Debuchy, cần phải rất cảnh giác trong những lúc dâng cao hỗ trợ tấn công. Debuchy cần phải xem đi xem lại cái cảnh Pablo Zabaleta (Argentina) đã vô vọng như thế nào trong nỗ lực truy cản Ahmed Musa. Trong khi đó, ở tuổi 33 như Emir Spahic của Bosnia&Herzegovina, Evra cần phải nhận thức được rằng mình cũng có thể bị “ngửi khói” trước tốc độ của các cầu thủ Nigeria như trung vệ này.          

Có thể nói, cứ mỗi khi “Siêu đại bàng” tung cánh là sóng gió sẽ nổi lên mà Musa, Emmanuel Emenike, Peter Odemwingie… lại có đủ thể lực để lặp đi lặp lại điều đó hàng chục lần khiến đối phương “bở hơi tai”. Thế nên mới có nhiều người cho rằng nếu chặn đứng được các pha phản công của Nigeria và khiến cho Musa, Emenike, Odemwingie im tiếng thì đội tuyển Pháp sẽ giành được chỉến thắng một cách dễ dàng.  

Ở trận đấu với Nigeria, đương nhiên Pháp nằm cửa trên. Tuy nhiên, các trận đấu ở vòng bảng World Cup 2014 đã chứng minh rằng cửa trên không phải lúc nào cũng là cửa thắng. Vậy thì “Les Bleus” cần phải cảnh giác, bắt đầu bằng việc tiêu diệt những mầm mống phản công của “Siêu đại bàng”.

Nam Khang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm