Biệt phủ gỗ lim rộng 1.000m2 ở Nam Định, đi nửa ngày chưa khám phá hết, chủ nhân hé lộ về dòng dõi trâm anh quyền thế

02/03/2023 15:08 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Căn biệt phủ được xây dựng 100% từ gỗ lim là niềm tự hào của anh Hải và đại gia đình 4 thế hệ.

Anh Trần Văn Hải là con cháu đời thứ 4 của chủ nhân căn biệt phủ lâu đời ở xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu, Nam Định. Ông cố nội anh Hải trước đây từng làm quan to, từ thời xưa, nhà đất của ông rộng tới 3.000m2, tới thời kỳ cải cách ruộng đất bị chia cắt còn 1.000m2. Ngôi nhà cổ xây theo lối kiến trúc nhà vườn, là tâm huyết, mồ hôi của ông bà anh Hải để lại cho con cháu.

Căn nhà cổ ở Nam Định được lưu truyền qua nhiều thế hệ

Nói về thiết kế, anh Hải cho biết, nhà xây gồm 3 gian, hướng chính đông, buổi sáng thức dậy hứng trọn nắng sớm, đem lại cảm giác tươi mát, tiếp thêm năng lượng. Toàn bộ căn nhà được xây từ gỗ lim, do chính ông cố nội của anh Hải lặn lội từ Nam Định vào Thanh Hóa lựa. 

Gỗ lim được xếp vào 4 nhóm gỗ tốt (lim- gụ- trắc- cẩm). Chất gỗ nặng, có độ bền cao, đường vân gỗ đẹp tạo nên đẳng cấp khác biệt cho gia chủ.  

“Nhà có kết cấu khung sườn gỗ, các cột gỗ được liên kết với nhau bằng mộng và lỗ mộng, hoàn toàn không dùng đinh mà vẫn vững chắc. Các phần vĩ kèo gỗ đòn tay, rui mè, đòn vong, cột kê tán vẫn được gia đình gìn giữ nguyên vẹn”, anh Hải phân tích. 

Ngôi nhà xây dựng từ 100% gỗ lim

Biệt phủ gỗ lim rộng 1.000m2 ở Nam Định, đi nửa ngày chưa khám phá hết, chủ nhân hé lộ về dòng dõi trâm anh quyền thế - Ảnh 3.

Bao gồm 3 gian, hướng chính đông, lợp mái ngói

Với mô típ trang trí hoa văn tinh xảo trên các cột, vì kèo bằng gỗ, ngôi nhà toát lên sự cổ kính, trầm mặc mà vẫn sang trọng. Theo anh Hải, khu vực được chú ý và quan tâm nhiều hơn cả trong ngôi nhà chính là bàn thờ. 

Thời điểm xây dựng, do văn hóa chịu ảnh hưởng của Đạo Phật, Đạo Lão, Đạo Khổng nên bàn thờ được đặt vào chính giữa của gian chính, xung quanh được trang hoàng bằng các hoành phi câu đối.

Ngôi nhà giữ nguyên nét cổ kính, nhuốm màu thời gian

Biệt phủ gỗ lim rộng 1.000m2 ở Nam Định, đi nửa ngày chưa khám phá hết, chủ nhân hé lộ về dòng dõi trâm anh quyền thế - Ảnh 6.

Gia chủ rất chú trọng việc bài trí khu vực thờ cúng

Năm 2015, căn nhà được tu sửa lần một, gia đình anh Hải quyết định làm cọc, nâng nền và lợp ngói, thay thế phần cửa ra vào và một số phần bị hư hỏng. Còn lại, kiến trúc và toàn bộ khung gỗ vẫn được giữ nguyên vẹn. 

Ngoài nhà 3 gian, khu vườn rộng rãi, xum xuê cũng là điểm nhấn chính của lối kiến trúc nhà vườn độc đáo. Trong vườn trồng nhiều loại cây ăn trái, từ mít, hồng, khế, nhãn… và các loại hoa đẹp, từ đào, hồng cổ, hoa mộc hương… Chỉ cần một cơn gió thổi qua, hương bay ngào ngạt khắp không gian. Phần rìa khu vườn là ao cá, nuôi nhiều loại như cá chép, cá trắm, cá lăng… Anh Hải kể, trước đây thời các cụ vẫn thường xuống ao giặt quần áo, lấy nước tưới cây. 

Khu vườn xum xuê cây trái, giúp điều hòa không khí, tránh nắng, tránh gió

“Một sân vườn đúng nghĩa sẽ giúp giải tỏa mọi mệt nhọc, lấy lại tinh thần. Nhà mình trồng khá nhiều loại cây ăn quả và các loại hoa, thế nên mỗi khi đi vào vườn là cầm theo gói muối. Vì không gian rất thiên nhiên nên chim chóc, bươm bướm hay thậm chí là 5- 6 con mèo nhà hàng xóm rất hay qua vườn nhà. 

Mỗi khi mệt mỏi, đắm mình trong bầu không khí trong lành, mát mẻ, ngắm nhìn cỏ cây hoa lá, lắng nghe tiếng nước chảy, chim ca, cảm giác rất tuyệt vời”, anh Hải bày tỏ. 

Ngôi nhà khá rộng nhưng vì ở quê, không khí trong lành, khói bụi ít nên không quá cầu kỳ việc quét dọn, chăm sóc, thi thoảng chỉ cần quét lá rụng ở sân, lau chùi đồ gỗ. 

Biệt phủ gỗ lim rộng 1.000m2 ở Nam Định, đi nửa ngày chưa khám phá hết, chủ nhân hé lộ về dòng dõi trâm anh quyền thế - Ảnh 8.

Ao cá, muôn hoa đua nở, tạo thành bức tranh mãn nhãn

Dù lâu đời song ngôi nhà vẫn đáp ứng nhu cầu cơ bản của các thành viên trong gia đình. Không gian cổ xưa là nơi gia đình anh Hải thờ tự gia tiên, sum họp con cháu và bàn bạc việc quan trọng mỗi dịp giỗ, lễ Tết. 

“Ngôi nhà của người Việt truyền thống là nơi sinh sống không phải chỉ của một hay hai thế hệ mà nó được truyền qua nhiều thế hệ từ lớp ông bà đến lớp con cháu… cứ thế tiếp nối. Mình cảm thấy rất tự hào và quý trọng những giá trị truyền thống mà tiền nhân để lại”, anh Hải bộc bạch. 

Ảnh: NVCC

Thủy Tiên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm