Bênh lý võng mạc do đái tháo đường

14/11/2024 10:23 GMT+7 | Đời sống

Bệnh lý võng mạc do đái tháo đường là một bệnh về mắt do biến chứng vi mạch của bệnh đái tháo đường. Đây là tình trạng lượng đường trong máu cao gây tổn thương các mạch máu ở võng mạc. Bệnh có thể điều trị tốt nếu phát hiện và điều trị kịp thời.

Dưới đây là các giai đoạn chính của bệnh lý võng mạc do đái tháo đường, cũng như các câu hỏi liên quan.

Giai đoạn tiền tăng sinh (Non proliferative diabetes retinopathy-NPDR)

Đây là giai đoạn đầu của bệnh mắt do tiểu đường. Ở giai đoạn rất sớm người bệnh có thể hoàn toàn không có triệu chứng, chỉ phát hiện tình cờ khi khám và kiểm tra đáy mắt định kì. Những tổn thương nhỏ như xuất huyết, xuất tiết, vi phình mạch… rải rác trên võng mạc. Giai đoạn này thường chỉ cần theo dõi và điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt.

Bênh lý võng mạc do đái tháo đường - Ảnh 1.

Hình ảnh chụp OCT của bệnh nhân bị bệnh võng mạc do đái tháo đường (Bênh viện Mắt Hoa Lư cung cấp)

Khi tổn thương có xu hướng tăng lên với các mạch máu nhỏ bị rò rỉ, khiến võng mạc sưng lên. Tình trạng này được gọi là phù hoàng điểm. Đây là lý do phổ biến nhất khiến những người mắc bệnh tiểu đường mất thị lực.

Ngoài ra, với giai đoạn tiền tăng sinh, các mạch máu trong võng mạc có thể bị tắc nghẽn, gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ võng mạc khiến máu không thể đến được võng mạc và hoàng điểm. Đôi khi các hạt nhỏ gọi là chất tiết có thể hình thành trong võng mạc làm ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh.

Giai đoạn tăng sinh (Proliferative Diabetes Retinopathy-PDR)

Bệnh xảy ra khi võng mạc bắt đầu phát triển các mạch máu mới được gọi là tân mạch. Những mạch máu mới mỏng manh với cấu trúc không đầy đủ này thường chảy máu vào dịch kính . Nếu xuất huyết ít, người bệnh có thể thấy một vài đốm đen. Nếu chúng chảy máu nhiều, nó có thể chặn toàn bộ tầm nhìn.Người bệnh có thể nhìn mờ nhiều thậm chí mất hoàn toàn thị lực.

Những mạch máu mới này có thể hình thành mô sợi. Tổ chức sợi có thể gây co kéo dịch kính võng mạc gây ra vấn đề với hoàng điểm hoặc dẫn đến bong võng mạc.

Gia đoạn tăng sinh rất nghiêm trọng và có thể làm mất cả thị lực trung tâm và ngoại vi (bên) của người bệnh.

Điều gì xảy ra khi bạn mắc bệnh võng mạc tiểu đường?

Rất nhiều bệnh nhân bị bệnh võng mạc tiểu đường mà không biết, do bệnh thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Khi bệnh võng mạc tiểu đường trở nên trầm trọng hơn, sẽ xuất hiện các triệu chứng như:

• nhìn thấy số lượng vật thể trôi nổi ngày càng tăng

• có thị lực mờ

• có thị lực đôi khi thay đổi từ mờ sang rõ

• nhìn thấy những vùng tối, bị che khuất

• có thị lực vào ban đêm giảm

• nhận thấy màu sắc có vẻ nhạt dần hoặc nhạt dần

• mất thị lực

Bệnh võng mạc tiểu đường có thể khỏi không?

Phương pháp điều trị của bạn dựa trên mức độ và giai đoạn bệnh. Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm:

Kiểm soát y tế

Kiểm soát lượng đường trong máu và huyết áp có thể ngăn ngừa mất thị lực. Thực hiện chế độ ăn uống theo khuyến nghị của chuyên gia dinh dưỡng một cách cẩn thận. Uống thuốc mà bác sĩ chuyên khoa tiểu đường kê đơn cho bạn. Đôi khi, kiểm soát tốt lượng đường thậm chí có thể giúp bạn lấy lại một phần thị lực. Kiểm soát huyết áp giúp mạch máu của mắt khỏe mạnh.

Thuốc

Một loại thuốc được gọi là thuốc Anti VEGF.Thuốc Anti VEGF giúp giảm phù hoàng điểm , làm chậm quá trình mất thị lực và có thể cải thiện thị lực. Thuốc này được tiêm vào buồng dịch kính và được thực hiện bởi bác sĩ chuyên về dịch kính võng mạc. Thuốc steroid là một lựa chọn khác để giảm sưng hoàng điểm. Thuốc này cũng được tiêm vào mắt. Bác sĩ sẽ khuyến cáo bạn cần tiêm bao nhiêu mũi thuốc theo thời gian.

Laser

Laser có thể được sử dụng để giúp bịt kín các mạch máu bị rò rỉ. Điều này có thể làm giảm phù võng mạc. Laser cũng có thể giúp hủy những vùng võng mạc bị thiếu máu, diệt tân mạch và ngăn chúng phát triển trở lại. Đôi khi cần nhiều hơn một lần điều trị.

Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt dịch kính, ngăn chặn tình trạng co kéo dịch kính võng mạc và phá hủy tổ chức xơ trong võng mạc.

5 cách ngăn ngừa mất thị lực do bệnh võng mạc tiểu đường

• Kiểm soát tốt đường máu, mỡ máu, huyết áp và các bệnh toàn thân khác..

• Khám và kiểm tra đáy mắt 6 tháng 1 lần tại các cơ sở chuyên khoa mắt.

• Nếu bạn nhận thấy thị lực thay đổi ở một hoặc cả hai mắt, hãy gọi ngay cho bác sĩ nhãn khoa.

• Chế độ sinh hoạt hợp lý nâng cao sức khỏe.

Bác sĩ Trịnh Thế Sơn (Bênh viện Mắt Hoa Lư)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm