29/09/2012 10:33 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - Tại Tokyo, một trong những trung tâm âm nhạc lớn của thế giới, vừa diễn ra hai đêm hoà nhạc liên tiếp trình diễn tác phẩm của một nhạc sĩ Việt - Nguyễn Thiên Đạo. Nhạc sĩ đã có cuộc trò chuyện với TT&VH.
Ngôi nhà riêng 4 tầng, mặt phố nhỏ Mai Anh Tuấn, mua từ 2007, thuộc phường Thành Công, quận Ba Đình trông ra hồ Đống Đa, rợp bóng xanh đôi cây phượng vĩ. Đứng tên “sổ đỏ’’ ngôi nhà, là công dân Hà Nội Nguyễn Thiên Đạo. Ông tỏ ra rất sung sướng vì ‘‘lãi’’ không gian: “Lúc nào tôi cũng ở gần hồ’’.
Chủ đề hẹn trước là hai đêm diễn của ông tại Tokyo, vậy mà tình tự dân tộc, cảm xúc Thăng Long vẫn là “chủ lưu” của Nguyễn Thiên Đạo. Xen giữa là những kỷ niệm của chúng tôi ở Paris, nơi ông gắn bó gần nửa thế kỷ. “Thành phố của tôi là Thăng Long và Paris” - nhạc sĩ nhấn mạnh đầy hãnh diện. Sinh ra và trải qua thời niên thiếu ở trung tâm địa linh thủ đô, 19 phố Tràng Tiền, sau này nhiều lần chỉ huy dàn nhạc (DN) tại Nhà hát Lớn, luôn yêu nhớ hồ Gươm, Nguyễn Thiên Đạo ưa dùng danh từ “Thăng Long”.
Chúng tôi trò chuyện trong phòng khách tầng trệt, nơi có cây đàn piano Kawai...
Mang Chân quê đến Tokyo
* Xin chúc mừng nhạc sĩ có hai đêm nhạc riêng ở Tokyo!
- Vâng, cảm ơn. Tôi đã đến Tokyo lần đầu năm 1980 chỉ huy một tác phẩm trong chương trình gồm nhiều tác giả. Sau 32 năm, lần này tôi trở lại bằng các buổi diễn trong serie “Concert portrait”.
* Ông vui lòng cho biết cụ thể?
- Trước hết là hai cuộc nói chuyện về âm nhạc. Ngày 24/9, tại Đại học Nghệ thuật Tokyo chủ đề Đông - Tây gặp gỡ trong âm nhạc. Ngày 26/9, thuyết trình về chủ đề trên, đối chiếu âm nhạc Việt Nam và Tây Âu tại Viện Âm nhạc Tokyo. Tôi sẽ minh hoạ bằng tác phẩm Chân quê (Nguyễn Bính) diễn theo lối chầu văn với nhạc Beethoven và một số nhạc giao hưởng kinh điển Tây Âu. Tôi còn giới thiệu trích đoạn tác phẩm Khai giác và Opéra Định mệnh bất chợt.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo |
* Hãy nói về hai buổi hoà nhạc đi, thưa nhạc sĩ.
- Buổi hoà nhạc lúc 19 giờ ngày 28/9 với sự thể hiện của 6 nghệ sĩ Nhật, sẽ trình tấu 4 tác phẩm của tôi: Trên cao thì thầm (Cimes murmurées, 1985), Bình minh 1789 (1789 L’Aurore, 1989) do Nhà nước Pháp đặt viết nhân 200 năm Cách mạng nhân quyền Pháp, Arco vivo (2000) và Tứ tấu đàn dây số 1 (1991).
* Việt Nam luôn là chủ đề lớn trong sự nghiệp của ông. Ông đã nhiều lần đưa những tác phẩm viết cho Việt Nam, thể hiện bằng nhạc cụ Việt Nam ra quốc tế. Lần này trình tấu toàn nhạc cụ châu Âu, sẽ ở một đất nước có trình độ âm nhạc cao, ông có tác phẩm nào dành cho Nhật Bản? Tôi rất ấn tượng về tính suy nghiệm sâu sắc trong âm nhạc Nhật.
- Tinh thần ấy, trí tuệ và bản lĩnh của người Nhật, tôi đã lĩnh hội đưa vào sáng tác của mình. Sau cuộc đối thoại với nhà nghiên cứu Nhật lúc 17h ngày 29/9, buổi hoà nhạc quan trọng sẽ diễn tại Nation Olympics Memorial Youth Center. Khán phòng 1.000 chỗ ngồi, vé có 3 mức giá; 1.000, 2.000, 3.000 yen, tiền bán vé cùng khoản đóng góp của tôi được ủng hộ cho các nạn nhân bị động đất lịch sử 11/3/2011.
Tôi đã viết tác phẩm Inori 11.3 về vụ động đất lịch sử này theo lời mời của Diễn đàn Trí tuệ và Văn minh Nhật. Tất cả nghệ sĩ trình diễn tác phẩm này đều phải học, biết qua tiếng Việt. Tôi lấy hai bài thơ cổ của Nhật, thể Tanka (xưa hơn Haiku) của 2 nhà thơ thế kỷ 7, 8. Đêm diễn gồm 3 tác phẩm, mở đầu là Inori 11.3 gồm 4 chương.
Cốt lõi là lòng yêu nước
* Dự định cuối năm của ông ở Việt Nam?
- Tôi chưa có lịch về. Năm nay tôi đã về hai lần. Định mệnh bất chợt diễn đầu tháng 5/2012 ở Nhà hát Lớn, mới là dạng âm nhạc (version de concert) chưa phải có dàn dựng kịch, múa như tôi muốn (version scènique) vì không có kinh phí. Tôi hy vọng nó sẽ có tài trợ đủ để phát triển thành vở diễn dàn dựng quy mô. Hiện tôi bắt đầu viết giao hưởng Từ Thức.
* Xa đất nước từ niên thiếu, sao ông có vốn hiểu biết về văn học, truyền thuyết, lịch sử Việt Nam vững vàng như vậy ? Tôi tin rằng, nếu không làm nhạc sĩ, vốn từ vựng tư duy văn chương có thể khiến ông thành một nhà văn Việt Nam tiếng tăm.
- Tôi yêu văn học mà. Tôi đã tìm đọc, trau dồi, gặp gỡ Việt Nam qua nhiều kênh. Cốt lõi chính là lòng yêu nước.
* Người ta nói khái niệm ‘‘công dân quốc tế” có lẽ ông đúng với danh nghĩa này?
- Tri thức ảnh hưởng nhiều văn minh Pháp nhưng tâm hồn tôi luôn hướng về Việt Nam. Tôi nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ văn hoá của Việt Nam và cũng được trao Huân chương Nghệ thuật và văn học Pháp. Tôi cống hiến cho âm nhạc của hai quốc gia mà tôi mang quốc tịch, chịu ơn và yêu cả hai. Nhưng tôi vẫn rất thích thú khi coi mình không chỉ là Parissien mà là Hanoien, người Hà Nội.
Thăng Long 1.002 tuổi luôn là nguồn cảm hứng bất tận của tôi. Tôi tin rằng mình là nhạc sĩ giao hưởng duy nhất dấn thân vào âm nhạc dân tộc, sử dụng nhạc cụ dân tộc trong âm nhạc của mình một cách bền bỉ, cùng với việc đưa văn học Việt Nam vào nhạc giao hưởng.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Vi Thùy Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất