SLNA không còn là "chùm khế ngọt" với Công Vinh

22/09/2011 12:59 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - “Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày/ Quê hương là đường đi học/ Con về rợp bướm vàng bay…” (Đỗ Trung Quân)

Mấy ngày Công Vinh về Nghệ và xách giày ra sân Vinh tập, xứ Nghệ lên cơn sốt nhẹ. Tâm trạng khán giả chia làm 2 nửa. Nhưng với người hiểu tính cách và mục đích của Vinh về quê chuyến này thì chẳng khó nhận diện vấn đề. Với Vinh, từ lâu, trái khế quê hương không còn ngọt như thuở nào.

Đơn giản bởi Công Vinh đã ngày càng được nâng tầm. Và với cái tầm của Vinh thì đội bóng quê hương không có chỗ để anh vẫy vùng, dù rằng SLNA vừa đăng quang ngôi vô địch. Với bất cứ một tiền đạo nào, cầu thủ chuyên nghiệp nào, được chơi trong đội hình máu lửa, xung quanh khán đài luôn tràn ngập sắc vàng, kể cả khi SLNA thi đấu xa nhà, là niềm khao khát tột đỉnh. Vậy mà, con đường Đào Tấn vẫn vắng bóng những ngôi sao mong mốn đầu quân cho nhà vô địch.


 Giờ vẫn chưa phải là lúc Công Vinh (trái) quay lại đội bóng quê hương SLNA. Ảnh: Bá Châu

Tầm ở đây là tiền, giá trị của Công Vinh trên thị trường chuyển nhượng, SLNA không thể đáp ứng. Thế nên, Vinh đã quay lại HN.T&T, đấy là lựa chọn tất yếu. Có thể, nếu bầu Hương trả cho Vinh cái giá ít hơn hơn bầu Hiển chút đỉnh, chắc sẽ lấy được tiền đạo số một Việt Nam thời điểm này.

Nhưng đấy là chuyện trong phim, bởi lâu nay bầu Hương không có thói quen như thế. Công Vinh đã phải ra đi, cũng như  rất nhiều cầu thủ khác, không thể tồn tại nơi đã đào tạo nên mình.

Những ngày này, bóng đá Việt Nam đang chứng kiến nhiều cuộc ra đi, đầy quyến luyến. Đây là mùa chuyển nhượng đang giai đoạn cao trào. Đồng Tháp coi như đã mất Công Lộc và Tấn Trường, 2 biểu tượng mang ý nghĩa như cái hồn của đội bóng Đồng Tháp.

Đấy là điều tất yếu, đã được dự báo từ trước. Bóng đá bây giờ giống như cơ chế thị trường, khó ai kìm chế được sự quyến rũ của đồng tiền. Làm gì có khái niệm sự chung thủy vì như thế đồng nghĩa với thiệt thòi. Tài Em, Minh Phương, 2 linh hồn của “Gạch” đã không thể sát cánh mãi với bầu Thắng. Người Đồng Tháp lần này chứng kiến sự mất mát quá lớn, giống như cô gái nghèo, không giữ chân được người tình đã bén chút hơi hướm thị thành.

Có thể nhận thấy rất rõ một xu thế, bất cứ cầu thủ nào, họ vẫn muốn chặng cuối sự nghiệp cầu thủ của mình, sẽ rời quê hương để “đánh quả cuối” trước khi chia tay bóng đá.

Những cuộc ra đi tìm miền đất hứa là khó tránh khỏi, bóng đá nước ngoài cũng thế thôi. Có điều, chúng ta không thấy nhiều những tấm gương về sự thành công ở sân cỏ nội địa. Điều đó chứng tỏ, sự thích nghi môi trường mới của cầu thủ ta rất chậm, trì trệ, nhiều trường hợp chuyển nhượng tiền tấn nhưng mờ nhạt đến kinh ngạc. Phải chăng, họ đã chưa thực sự coi đá bóng là đam mê cháy bỏng, coi tự trọng và danh dự còn quý hơn cả tiền bạc?

SEA Games là chiến dịch quan trọng, hy vọng cầu thủ hãy gạt sang một bên câu chuyện làm thương hiệu khi gắn mác áo ĐT để lên giá chuyển nhượng sau này. Họ phải đá vì màu cờ sắc áo, vì cơn khát 50 năm chưa có vàng và lòng tự tôn dân tộc. Vẫn chưa thấy các cầu thủ U23, dù giá chuyển nhượng sẽ rất khủng nếu lên sàn, thực sự chứng tỏ được phẩm chất vàng của mình.

Ở Tiger Cup 1996, trong cuộc họp đấu pháp, ông Trưởng đoàn Tô Hiền từng lấy cành khế để hiệu triệu lòng yêu nước sau khi ĐT Việt Nam để hòa Lào, khiến 4 cầu thủ suýt bị ông Weigang đuổi về. Sau này vẫn có rất nhiều lần các tuyển thủ chúng ta thi đấu với thái độ mà dư luận phê phán là rất cần đến hình ảnh chùm khế ngọt.

Hãy làm sao, để mỗi cầu thủ, HLV, dù đi bất cứ nơi đâu, đội nào, chiến dịch nào, cũng luôn cảm thấy vị ngọt của quả khế quê hương.

NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm