Bầu cử Tổng thống Mỹ ngày càng sôi động và gay cấn

21/08/2024 17:00 GMT+7 | Tin tức 24h

Các hoạt động hướng tới cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ đang trở nên sôi động với các sự kiện quan trọng như: Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ; ứng cử viên của đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump có các cuộc vận động tranh cử tại một số bang chiến địa trong tuần này. 

Các hoạt động tranh cử của cả ứng cử viên của đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và ứng cử viên của đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đều nhằm giành được sự ủng hộ của cử tri trong cuộc đua vào Nhà trắng tháng 11 tới.

Đại hội toàn quốc của Đảng dân chủ chính thức phê chuẩn bà Kamala Harris là ứng cử viên tổng thống

Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ diễn ra từ ngày 19 đến 22/8/2024 tại thành phố Chicago, bang Illinois, nhằm chính thức xác nhận Phó Tổng thống Kamala Harris và Thống đốc bang Minnesota Tim Walz là bộ đôi liên danh tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024, đồng thời phác thảo tầm nhìn của đảng này về tương lai của nước Mỹ và cách thức lên kế hoạch đánh bại ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa vào tháng 11 tới.

Theo kế hoạch trong chương trình của đại hội, mỗi ngày có một chủ đề riêng, xoáy sâu vào những nội dung mà bà Harris cần thuyết phục các cử tri. Chương trình đại hội được phát sóng trực tiếp từ United Center ở thành phố Chicago từ 18h15 đến 23h00 các tối diễn ra đại hội. Đại hội cũng phát trực tiếp các sự kiện trên Instagram, YouTube và TikTok như một phần trong nỗ lực mở rộng phạm vi tiếp cận tới các cử tri trẻ tuổi và những người có sức ảnh hưởng trực tuyến.

Bầu cử Tổng thống Mỹ ngày càng sôi động và gay cấn - Ảnh 1.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong cuộc vận động quỹ tranh cử tại Pittsfield, Massachusetts ngày 27/7/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Trong diễn biến mới nhất, sau kết quả bỏ phiếu chính thức diễn ra vào tối ngày 20/8/2024 (sáng 21/8 theo giờ Hà Nội), Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã được phê chuẩn là ứng cử viên của đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử tháng 11 tới. Tuy nhiên thực tế, thủ tục trên tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ chỉ mang tính nghi thức. Trước đó, trong cuộc bỏ phiếu qua email và điện thoại thực hiện hồi đầu tháng 8, bà Harris đã hội đủ phiếu ủng hộ để trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới. Tại đại hội, đại biểu các bang một lần nữa thông báo về quyết định của mình thông qua một cuộc bỏ phiếu mang tính tượng trưng.

Sau khi được bầu chọn trong cuộc bỏ phiếu mang tính biểu tượng, bà Harris đã chính thức chấp nhận đề cử của đảng Dân chủ. Theo chương trình, bà Harris có bài phát biểu trước các đại biểu vào ngày 22/8 - ngày cuối của đại hội. Bà Harris, 59 tuổi, là phụ nữ da màu đầu tiên được chọn làm ứng viên Tổng thống của một chính đảng tại Mỹ. Bà trở thành đại diện của đảng Dân chủ sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố ngừng tranh cử ngày 21/7.

Ngoài ra, đại hội của đảng Dân chủ lần này cũng dự kiến thông qua cương lĩnh hành động của đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử tổng thống 2024, vốn đã công bố dự thảo từ tháng 7. Cương lĩnh của đảng Dân chủ nhằm tạo ra sự tương phản giữa các ưu tiên của đảng này với lập trường của cựu tổng thống Donald Trump, trong đó tập trung vào các đề xuất tăng lương tối thiểu liên bang, các khoản tín dụng thuế trẻ em, tín dụng thuế thu nhập tối thiểu, tăng thuế suất doanh nghiệp, cấm các loại "phí rác", tăng cường các dự án năng lượng sạch và quyền sinh sản.

Theo các nhà quan sát, Đại hội toàn quốc là sự kiện rất quan trọng đối với đảng Dân chủ và cá nhân bà Kamala Harris, bởi qua diễn biến và kết quả của đại hội sẽ thấy được nội bộ đảng Dân chủ có thật sự đoàn kết thống nhất hay không; bà Harris được đảng này hậu thuẫn như thế nào và đến mức độ nào trong cuộc tranh cử với đối thủ chính trị thuộc phe Cộng hòa là cựu Tổng thống Donald Trump.

Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump vận động tại các bang chiến địa

Trong lúc đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ đang diễn ra thì bên phía đảng Cộng hòa, ứng cử viên Donald Trump cũng tiến hành các cuộc vận động tranh cử tại một số bang chiến địa, đồng thời tìm cách điều chỉnh chiến dịch vận động để phù hợp với đối thủ là bà Harris.

Tại cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania-điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du tới các bang chiến địa, ngày 19/8, ông Trump công bố một loạt chính sách về kinh tế và năng lượng. Theo đó, ông cam kết bãi bỏ quy định của chính quyền Tổng thống Joe Biden về hạn chế ô nhiễm nhà máy điện, đồng thời tái khẳng định việc ngăn chặn kế hoạch của Tập đoàn thép Nippon Steel (Nhật Bản) nhằm mua lại Tập đoàn thép U.S. Steel (Mỹ). Bên cạnh đó, ông cũng nhắc lại cam kết hạn chế sự tiếp cận của nước ngoài vào thị trường nội địa và 100% các mặt hàng thiết yếu đều là của Mỹ nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5/11 tới.

Bầu cử Tổng thống Mỹ ngày càng sôi động và gay cấn - Ảnh 2.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn với báo giới sau bài phát biểu vận động tranh cử, ông Trump cho biết sẽ xem xét hủy bỏ khoản tín dụng thuế 7.500 USD đối với việc mua xe điện, thậm chí sẽ mời tỷ phú Elon Musk tham gia chính quyền.

Trong khi đó với vấn đề trên, đối thủ của ông, bà Kamala Harris, lại đang thu hút cử tri bằng cam kết tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%. Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của bà Harris, ông James Singer, cho biết động thái này là một phần trong nỗ lực "mang tiền trở lại túi người dân lao động" và đảm bảo các tỷ phú cũng như các tập đoàn lớn phải chia sẻ khoản lợi nhuận khổng lồ. Trong bài phát biểu về chính sách kinh tế tuần trước, bà Kamala Harris đã phác thảo các đề xuất cắt giảm thuế đối với hầu hết người Mỹ, cấm các cửa hàng tạp hóa đội giá và cam kết xây dựng nhà ở giá rẻ hơn nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, Pennsylvania đã nổi lên như một trong những bang quan trọng nhất trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới khi mà cả ông Trump và bà Harris đều chưa chiếm được ưu thế. Việc ông Trump vận động tranh cử ở phía Đông Bắc bang Pennsylvania vào ngày 19/8, trong khi bà Harris tập trung vào khu vực phía Tây của bang này đã cho thấy tầm quan trọng của bang Pennsylvania.

Theo kế hoạch, sau Pennsylvania, ông Trump đến Michigan để chia sẻ quan điểm về vấn đề tội phạm và an toàn trước những người ủng hộ. Vấn đề an ninh quốc gia sẽ được ông đề cập trong bài phát biểu khi ông cùng người liên danh tranh cử là Thượng nghị sĩ Ohio J.D. Vance xuất hiện trước những người ủng hộ tại bang North Carolina. Sau đó, ông đến khu vực biên giới phía Tây Nam ở Arizona để nói về vấn đề nhập cư trước khi đến Arizona và Nevada vào 23/8.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, trước khi đương kim Tổng thống Joe Biden tuyên bố dừng tranh cử (ngày 21/7), tương quan cuộc đua giữa ông Biden và ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump dường như đang có phần nghiêng về phía ông Trump. Tuy nhiên, sau khi ông Biden rút lui và bà Harris được đề cử thay thế, bà đã nhập cuộc và nhanh chóng giúp phe Dân chủ xoay chuyển tình thế, cục diện vận động tranh cử một cách rất ngoạn mục.

Thậm chí, theo kết quả của cuộc thăm dò dư luận mới do kênh truyền hình ABC News, nhật báo Washington Post và hãng khảo sát Ipsos thực hiện, tiến hành từ ngày 9 đến 13/8 với hơn 2.300 người tham gia khảo sát trên toàn nước Mỹ, ứng cử viên của đảng Dân chủ-Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris-đang dẫn trước đối thủ đến từ đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump, 5 điểm phần trăm trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng.

Kết quả thăm dò ghi nhận 50% tổng số người tham gia khảo sát sẵn sàng ủng hộ bà Harris trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, trong khi chỉ có 45% ủng hộ ông Trump. Số còn lại vẫn chưa quyết định. Cuộc thăm dò trong số những cử tri đã đăng ký tham gia bỏ phiếu vào tháng 11 tới cũng cho thấy kết quả tương tự, khi bà Harris dẫn trước ông Trump 4 điểm phần trăm - lần lượt là 49% và 45%.

Đây là những dấu hiệu cho thấy cuộc đua vào Nhà Trắng còn ẩn chứa nhiều điều kịch tích và khó đoán.

Trọng Đức/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm