Bất ngờ với sự linh đình của Trung thu xưa

28/09/2023 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Với mong muốn làm sống lại những hình ảnh gắn với Tết Trung thu trong các giai đoạn lịch sử, triển lãm Trở về Trung thu xưa tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm) lần đầu công bố tới công chúng tài liệu viết bằng chữ Hán-Nôm, chữ Quốc ngữ và các hình ảnh về các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa trong lễ Trung thu từ cung đình ra đến ngoài dân gian.  

 Đây là lần đầu Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm - Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức chuyên đề trưng bày những nội dung về Tết Trung thu trong lịch sử từ cung đình tới ngoài dân gian.

Ngược dòng thời gian

Bà Nguyễn Thu Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, cho biết, triển lãm cũng là dịp giới thiệu rộng rãi tới đông đảo công chúng những tư liệu chưa từng được công bố trước đây. Đáng chú ý, trong đó, có nhiều tư liệu được trích dẫn từ châu bản triều Nguyễn - được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. 

Cụ thể, dưới triều Nguyễn, Trung thu được xem là 1 trong 4 lễ tiết lớn nhất trong năm. Vì thế, việc tổ chức các hoạt động thực hành lễ nghi, sinh hoạt văn hóa trong dịp hàng năm đặc biệt coi trọng, thậm chí được đích thân nhà vua đứng ra làm lễ.

Bất ngờ với sự linh đình của Trung thu xưa - Ảnh 1.

Trò múa lân trong dịp Trung thu thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu

Năm 1836, Minh Mạng đã quy định rõ việc chuẩn bị lễ vật, để dâng cúng trong dịp lễ tiết này. Việc cúng tế cốt cầu mong cho mưa thuận gió hòa, giảm bớt thiên tai. Từ đó, hàng năm, tổ chức lễ thức trong Tết Trung thu ở các miếu và điện Phụng Tiên đều chiếu theo lệ Tết Nguyên đán. Dịp này cũng dâng cúng đồ mã hình mũ, đai, xiêm áo, vàng giấy, bạc giấy, mâm giấy, hòm giấy, kho giấy.

Bất ngờ với sự linh đình của Trung thu xưa - Ảnh 2.

Trò múa lân trong dịp Trung thu thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu

Bên cạnh bày biện đồ mã, vào năm Đồng Khánh thứ 1 (1886), viện Thượng nghi nội đình đã quy định: Trong tiết Trung thu cũng phải được ban yến tiệc và cử nhạc giống như các dịp lễ tiết quan trọng khác như Tết Nguyên đán, Vạn thọ (mừng thọ vua, hoàng thái hậu,…) và Đoan dương (hay Đoan ngọ).

Năm 1827, Hiệp tổng trấn Bắc thành Nguyễn Hữu Thận đã tấu lên vua Minh Mạng xin cấp tiền khoản đãi binh lính và cho nghỉ lễ 3 ngày. Bản tấu ấy giống như lời thỉnh cầu của Nguyễn Hữu Thận xin vua ban cho ân huệ, sau khi dẹp yên được toán quân phản loạn trong vùng và tiếp tục dựng lại doanh trại.

Bất ngờ với sự linh đình của Trung thu xưa - Ảnh 3.

Bản phụng sắc năm Đồng Khánh 1 (1886) của viện Thượng nghi nội đình quy định ban yến và cử nhạc trong các dịp Nguyên đán, Vạn thọ, Đoan dương, Trung thu

Với những ý nghĩa quan trọng như vậy, lễ tiết này được triều đình tổ chức rất chỉn chu, nghiêm cẩn. Năm Tự Đức thứ 11 (1858), bộ Lễ đã dâng lên vua bản tấu xin miễn thiết triều vào dịp Trung thu. Từ đây, vua và quan nhà Nguyễn có thể chuyên tâm hơn vào tổ chức lễ nghi trong dịp lễ trọng đại này. Dĩ nhiên, đối với những người được giao nhiệm vụ không làm tốt chức trách của mình, ắt sẽ phải nhận lấy hình phạt thích đáng. Năm Tự Đức thứ 30 (1877), Nội các đã tấu lên vua Tự Đức về việc phạt roi, giáng cấp các viên quan để xảy ra sai sót trong khi tiến hành nghi thức trong lễ tiết Trung thu.

Bất ngờ với sự linh đình của Trung thu xưa - Ảnh 4.

Bản tấu năm Tự Đức 11 (1858) của bộ lễ về việc miễn thiết triều nhân dịp tiết Trung thu

Song, triển lãm không chỉ đưa người xem bắt đầu hành trình khám phá từ thời Nguyễn. Xa hơn nữa, điểm xuất phát quay ngược về thời Lý - triều đại gắn liền với sự hình thành vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Hiện nay, theo bà Thu Hoài, các nhà nghiên cứu chưa thể khẳng định nghi lễ này bắt đầu được tổ chức tại niên đại nào. Nhưng, dựa vào những tài liệu hiện đang còn được lưu giữ, có thể xác định, sớm nhất là dưới thời Lý, Trung thu đã được triều đình tổ chức như một dịp Quốc lễ dành cho người dân, đặc biệt là dịp cho trẻ em vui chơi.

Mặc dù trong thời điểm hiện tại, Tết này không còn được tổ chức linh đình như trước, song, bà Thu Hoài không cho rằng, đây là sự đứt gãy những giá trị truyền thống. Theo bà, cho đến nay, Tết Trung thu trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam gần như không bị mai một. Chính vì vậy, bên cạnh dịp làm sống lại bầu không khí nào nức như cha ông ta đã từng đón trăng rằm trong những năm tháng xa xưa, triển lãm cũng mong muốn sẽ truyền tải được thông điệp về việc kế thừa những sinh hoạt văn hóa truyền thống tại mọi thời điểm.

Bất ngờ với sự linh đình của Trung thu xưa - Ảnh 5.

Một gia đình khá giả thời Pháp thuộc với các vật phẩm Trung thu. Ảnh tư liệu

Để quá khứ thêm phần sinh động

Nhằm giúp di sản tư liệu dễ dàng tiếp cận đông đảo công chúng, bà Thu Hoài cho biết, thay vì dịch nghĩa chi tiết toàn bộ các văn tự, trung tâm đã trích dẫn những các mốc thời gian, sự kiện, ý chính, nổi bật của toàn bộ văn bản.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ của bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm - Phố cổ Hà Nội chia sẻ thêm, triển lãm đã kết hợp thêm một số hình ảnh được chụp dưới thời Pháp thuộc do Viện Thông tin Khoa học xã hội lưu trữ, để tăng thêm sức hấp dẫn trước người xem.

Bất ngờ với sự linh đình của Trung thu xưa - Ảnh 6.

Một góc tại triển lãm Trở về Trung thu xưa

Theo bà Lan, những tư liệu hình ảnh quý giá này đã giúp đỡ các nhà nghiên cứu, nghệ nhân rất nhiều trong việc phục chế lại các món đồ chơi truyền thống. Điển hình, dựa vào các hình ảnh lưu trữ, nhà nghiên cứu Trịnh Bách đã phác họa lại được dáng hình những mẫu đèn lồng hình con cua, cá chép… đã bị thất truyền. Sau đó, ông đã phối hợp với các nghệ nhân có quê gốc ở làng Báo Đáp (Nam Định) đang sinh sống tại TP. HCM phục dựng các mẫu đèn thành công. Hiện các sản phẩm của ông cùng nhóm nghệ nhân đang được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long và phố cổ Hà Nội.

Trong chương trình, Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội đã tái hiện lại bầu không khí đón Tết Trung thu của một gia đình người Hà Nội xưa tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây thông qua các hiện vật mâm lễ cúng rằm, đồ chơi dân gian… Nhiều hoạt động giao lưu trực tiếp cùng với nghệ nhân, trải nghiệm làm đồ chơi dân gian... cũng được tổ chức tại Đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), phố bích họa Phùng Hưng để giúp công chúng hiểu hơn về Tết Trung thu truyền thống.

Sự kiện quan trọng với triều Nguyễn

Theo quan niệm dân gian của các quốc gia nông nghiệp, người xưa lấy việc quan sát trăng sao để dự đoán về thời tiết, mùa màng - "muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám". Chính vì vậy, nghi thức tế lễ vào dịp Trung thu rất quan trọng đối với triều Nguyễn, bởi trăng vào thời điểm này có thể quyết định vụ lúa chiêm năm tới có bội thu hay không.

Phúc Nam

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm