05/10/2022 18:51 GMT+7 | Văn hoá
(LTS) Việc phát hiện ra các hình khắc cổ trên bãi đá ở suối Cỏ (tỉnh Hòa Bình) đã truyền cảm hứng mạnh mẽ trong các nhà khảo cổ, bởi chúng ta đều biết, đúng 90 năm trước, cũng trên địa bàn tỉnh này, nhà khảo cổ học Colani (người Pháp) đã có những phát kiến vĩ đại về một nền văn hóa tiền sử được mang tên chính nơi phát hiện ra nó: Văn hóa Hòa Bình.
Ở mức độ phổ thông hơn, hẳn chúng ta đều nhớ những hình khắc cổ xưa trên vách hang Đồng Nội cũng ở Hòa Bình đã đi vào ký ức của bao thế hệ học sinh. Liệu những hình khắc trên bãi đá suối Cỏ được phát hiện vừa qua có những mối liên hệ gì?
Hôm qua, 4/10, Sở VH,TT&DL Hòa Bình đã tổ chức Hội nghị thông báo kết quả thực hiện các bước lưu trữ, bảo vệ các hình khắc trên đá tại suối Cỏ, xóm Rậm và xóm Chum Bùi, xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn. Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của tiến sĩ Nguyễn Việt (Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á), người trực tiếp nghiên cứu bãi đá cổ suối Cỏ.
Những khối đá cổ kỳ lạ bên suối
Con đường bê tông hẹp qua xóm Bui Rậm là đường xe ô tô đi tới tận bờ tới suối, từ đó phải đi bộ đến bãi đá có hình khắc khoảng 500m do địa hình bị các lạch suối nhỏ ngăn cách. Địa hình thung lũng khu vực phân bố các khối đá có hình vẽ khá bằng phẳng, bề ngang chỗ rộng nhất đo được khoảng 300m, chỗ hẹp nhất khoảng 150m.
Đã có những cơn lũ lớn trong lịch sử làm lở đất cuốn theo các tảng đá granit và basalt từ trên cao xuống nứt gãy suối Cỏ này. Mật độ đá lăn nhô trên mặt ruộng cũng như dưới lòng suối đạt khoảng 10-30%, dày đặc hơn ở lòng suối.
Cho đến nay mới phát hiện 2 khối đá lăn có hình khắc nằm cách nhau khoảng 25m đường chim bay. Cả hai khối đá này đều thuộc loại đá lăn dạng granite tướng “ngưu tượng” (trâu, voi), tức có kích cỡ lớn khoảng trên dưới 5m3, đều ở thế chân ngập nước rìa phía Đông của con suối. Khu vực này có mật độ đá lăn khá cao.
Khối đá thứ nhất (gọi là khối A), gần hơn theo hướng từ đường vào có một hình khắc lớn. Khối thứ 2 (gọi là khối B) có 4 cụm tạo thành 4 hình khắc độc lập. Vị trí hình khắc hiện thấy nằm ở tư thế dễ thấy và hướng lên phía trên, độ cao khoảng 2m so với mặt nước hiện tại (cuối tháng 12 dương lịch) và 1,5m vào mùa mưa (cuối tháng 7 dương lịch) . Các dấu mài mòn trên bề mặt cho phép phỏng đoán khi mùa nước lớn sẽ ngập và bào mòn cả phần đỉnh khối đá nơi có hình khắc. Tuy nhiên không có dấu hiệu bị ngâm nước lâu. Có thể mưa lũ chỉ tràn qua trong một khoảng thời gian ngắn.
Ở khối đá A, đập ngay vào mắt mọi người là hình khắc khá lớn (khoảng 25cm x 35cm) nằm xiên theo mặt dốc phía Đông của một khối đá lăn khoảng 4-5m3. Kỹ thuật tạo hình được làm bởi các rãnh đục chìm rộng khoảng 1,5cm, sâu khoảng 0,7cm thể hiện rất rõ đồ án như hình một người bụng phệ giơ hai tay lên trời. Phía đỉnh hai tay là hai hình tròn đồng tâm có chấm ở giữa, đường kính vành ngoài khoảng 6-7cm, trông mô-típ vòng tròn đồng tâm này rất quen thuộc trên đồ đồng văn hóa Đông Sơn. Phần “mặt” khá mờ nên “mắt, mồm” cũng có thể chỉ đường viền của mộ ô trang trí mà thôi. Phần “bụng” có đáy bằng, tạo trong lòng thành các khoanh với lõi nhân hình hạt đậu rìa cong lên phía trên.
Khối đá B lớn hơn khối A một chút, cũng ở sát bờ bên trái dòng suối. Các hình khắc ở đây phân bố trên bề mặt khá phẳng của đỉnh chóp khối đá. Độ cao so với mặt nước khoảng 2,5m. Diện tích phân bố các hình khắc vào khoảng 40cm x 60cm, gồm 4 cụm hình khá giống nhau (hình phân bố chung các đồ án hình khắc). Đặc trưng chung của mỗi cụm là hai hình tròn đồng tâm đường kính khoảng 7-8cm ở phía trên. Phía dưới là một ô hình gần vuông có khoét hình giống như hai lỗ mũi như kiểu mõm lợn hoặc khuôn lòng hình hạt đậu như mặt khỉ…
Bên cạnh đó, trên đường từ phía xóm Bui Rậm đi vào nơi có các viên đá có hình khắc, trên ruộng lúa hiện tại có một cụm đá granit nằm chìm trong đất ruộng (gọi là khối đá C), chỉ nổi lên chừng 30cm, trong đó có một tảng đá vỡ được kê lên tạo dáng như một bàn thờ, trong khu hai tảng lớn phía dưới xòe ôm như một hốc mộ. Một viên đá khác nhỏ hơn nằm trong lòng “mộ”. Từ cụm đá này đi ngược suối lên khoảng 100m là vị trí hai viên đá A và B. Chúng tôi ngờ rằng đây có thể là một ngôi mộ cổ. Dịp khảo sát gần đây dự kiến khai quật kiểm tra “mộ” này, nhưng nước ngập do trồng lúa đã ngăn cản kế hoạch của chúng tôi. Xin ghi nhận trong báo cáo này để thực hiện trong dịp khác.
Tiếp tục khảo sát đoàn còn phát hiện ra một khối đá granit lớn nằm chìm trong lòng đất ruộng. Cách 2 khối đá lớn có hình khắc khoảng 50m. Phần hở lên khỏi mặt đất có hình như một con cá lớn nằm hở lưng trên mặt ruộng, chiều dài 125cm rộng nhất hiện trên mặt ruộng là 60cm. Điểm độc đáo đáng chú ý nhất là trên thân phần đá hở ra đếm được 9 hốc đá lõm xuống dạng lòng bát. Đường kính miệng hốc khoảng 6-9cm. Tạo hình tự nhiên khiến tưởng tượng như hình cá với đầu và mắt là phía có hốc đá sâu, rõ nhất.
Có thể từ những hốc đá tự nhiên con người đã khoét thêm mỗi khi thờ cúng nên tạo ra hình hài viên đá như ngày nay. Nhân dân địa phương cho biết viên đá này từ lâu, coi như một vật linh thiêng và cũng từng làm lễ cầu xin khi có việc. Theo nhận định ban đầu, các nhà nghiên cứu cho rằng viên đá này cùng hai viên đá khắc A, B nằm trong tổng thể những viên đá được dùng cho một nghi lễ tâm linh nào đó thời xa xưa.
Các khuôn mặt người dạng thú
Phát hiện hình khắc trên các khối đá granite ở suối Cỏ, xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình có ý nghĩa rất to lớn đối với nghiên cứu tiền sử, lịch sử của huyện, tỉnh và của đất nước ta, thậm chí có ý nghĩa quốc tế. Lý do ở chỗ đây là những hình khắc không phải tùy tiện mà có ý thức và kỹ năng rất rõ ràng liên quan đến tín ngưỡng cổ truyền của các cộng đồng cư dân cổ xưa sinh sống quanh vùng sơn khối lõi của tỉnh Hòa Bình, nơi phân bố nhiều di tích gốc của văn hóa Hòa Bình có niên đại trên 20 ngàn năm trước. Chúng tôi tin rằng sẽ còn phát hiện nhiều hình khắc khác nữa trong khu vực bãi đá này.
Hình khắc không phải bàn cãi, đó là do con người tạo ra. Hiện tại do mới chỉ phát hiện hai hòn đá với 5 đồ án, trong đó rõ nét mới chỉ thấy 3 còn 2 khá mờ chưa nhận ra. Tuy nhiên có thể nhận thấy phong cách nghệ thuật khá nhất quan với chủ đề chung là các khuôn mặt người dạng thú.
Các vòng tròn đồng tâm mang phong cách trang trí Đông Sơn thể hiện mắt người và phần thu nhỏ thể hiện mũi, miệng khá đồng nhất ở cả 5 hình khắc. Hình khắc ở hòn A đặc biệt quan trọng vì kích cỡ lớn hơn, vị trí hướng ra phía người thờ cúng. Tư duy bộc lộ của người khắc cho thấy vừa như muốn thể hiện một người đứng giơ hai tay nâng hai vật tròn đồng tâm. Nhưng khi đối chiếu với 4 hình ở hòn đá B, nếu thống nhất vòng tròn đồng tâm là mắt thì bức khắc ở đá A có thể là chân dung mô phỏng của một vị thần, trong đó đôi mắt được đưa cao lên ra khỏi khuôn mặt. Hiện tại chỉ có thể dựa vào lịch sử cư trú trong vùng để phỏng đoán chủ nhân hình khắc này có thể như sau:
Hoặc họ là những người săn bắt hái lượm hay trồng trọt sơ khai thuộc giai đoạn cuối của văn hóa Hòa Bình từ 4.000 - 1.000 năm trước. Rất ít khả năng thuộc các nhóm hoabinhian sớm hơn, vì dựa vào các chứng cứ mỹ thuật khảo cổ học khai quật được thì chưa từng thấy các yếu tố kỹ thuật cũng như tư duy nguyên thủy cao như vậy. Những hình khắc trên vách hang Đồng Nội đã được chứng minh không phải của hoabinhian mà thuộc chủ nhân thời Âu Lạc. Những nét khắc to thô và kém mỹ thuật hơn nhiều so với hình khắc trên đá A và B ở Suối Cỏ. Tài liệu khảo cổ học cho thấy khoảng 3.500 trước có nhiều cuộc viếng thăm của cư dân trồng lúa thời Phùng Nguyên - Mán Bạc và sau đó đến tận thời Đông Sơn từ vùng hạ lưu sông Bưởi lên vùng này. Ở núi Trại, trong và ngoài hang dấu tích của họ khá đậm thể hiện trên số lượng đồ gốm, rìu, vòng đá mài toàn than và nhất là các vết cưa mớm trên đá để tách các mảnh tước mỏng sắc. Dấu tích này thấy cả ở Làng Vành. Họ và những người hoanhian cùng thời có thể là chủ nhân của các nghi lễ tâm linh có kèm theo các hình khắc này.
Phía trên đỉnh núi, vị trí Đồi Thung, Quý Hòa hiện nay, nơi có độ cao mà các khối đá granit, basalt có thể bị lũ lăn xuống, đã từng tồn tại một làng cổ có niên đại khoảng 1.000 năm trước. Họ đốt rừng làm ruộng bậc thang và chôn người chết tập trung trong một khu mộ nay có tên là Mả Đáo. Cuộc khai quật của chúng tôi tại khu mộ này năm 1987 ghi nhận những huyệt mộ kè bằng đá granit được “bóc” từ các khối granit. Đồ tùy táng có niên đại thế kỷ 10-12. Có thể có nhiều làng sớm như vậy dựa trên phân bố các khu mộ niên đại thế kỷ 10-12 thấy không ít ở trong vùng.
Điều đáng nhấn mạnh và đáng chú ý là các đồ án khắc trên đá thể hiện sự chuyên môn, điêu luyện của các thầy cúng thời tối cổ. Nét khắc và nội dung khá thống nhất. Dụng cụ khắc khá chuyên nghiệp. Hoàn toàn không phải tự tạo ngẫu hứng của người đi rừng hay trẻ chăn trâu nào cả. Vì thế chúng ta có quyền hy vọng phát hiện thêm ở xung quanh những chứng cư lễ nghi cổ truyền, ví dụ như hòn đá 9 lỗ và mộ cự thạch mà thoạt đầu chúng tôi ngờ ở cụm đã khoanh có phiến đá phẳng kê bên trên.
Liệu đó có phải hình người đứng giơ tay, mặt lợn hay mặt khỉ, mặt quỷ như cảm nhận ban đầu của chúng ta hay không thì còn cần thêm thời gian phát hiện, đối chiếu nhiều hơn nữa. Hiện tại đây mới chỉ là cảm nhận ban đầu, được dùng trong báo cáo này như ngôn ngữ mô tả mang tính thông tin chứ chưa thể là những nhận định khoa học nghiêm túc. Vì vậy, một mặt chúng ta cần đầu tư thêm thời gian nghiên cứu, phát hiện, so sánh mở rộng và tiến hành một sinh hoạt học thuật chuyên môn sâu trước khi có khẳng định công bố rộng rãi.
Đặt trong hệ thống các hình khắc trên đá ở Việt Nam chúng ta thấy hình khắc ở bãi đá suối Cỏ, Mỹ Thành giống Sa Pa ở chỗ thể hiện trên các khối đá lăn granit cổ. Nhưng ở trình độ mỹ thuật và kỹ thuật cao hơn Sa Pa. So với những hình khắc Đồng Nội thì có điểm giống là chỉ thể hiện đầu người dạng thú, nhưng chất liệu và kỹ thuật thì khác hẳn: suối Cỏ khắc trên nền đá lăn granit ngoài trời trong khi ở Đồng Nội là đá vôi vách hang. Về dụng cụ khắc thì suối Cỏ gần với Sa Pa giai đoạn đầu, tức là dùng các dụng cụ đục khá chuyên nghiệp thể hiện những nội dung mang tính mục đích và tính chuyên nghiệp cao.
Nên lập mô hình sa bàn bãi đá và xếp hạng di tích
Chúng tôi đề nghị tiếp tục mở rộng, điều tra trong với hy vọng phát triển thêm các hình khắc tương tự trên địa bàn xã và các vùng lân cận cùng với các huyện giáp danh với huyện Lạc Sơn như: xã Cuối Hạ, Kim Truy, Thượng Tiến, Vĩnh Tiến (huyện Kim Bôi) để điều tra, phát hiện tránh bỏ sót các di sản quý. Cần giải mã triệt để ý nghĩa và giá trị của các hình khắc tại suối cỏ trong lịch sử, mở rộng, so sánh với các hình khắc khác trên đá đã từng được phát hiện ở Việt Nam, Đông Nam Á và trên thế giới.
Để phục vụ, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân và các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong nước và trên thế giới thì việc xây dựng một mô hình sa bàn thu nhỏ của bãi đá suối cỏ tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình là rất cần thiết. Bởi vì qua điều tra nghiên cứu, tại thực địa chúng tôi nhận thấy rằng di tích của bãi đá tương đối rộng, đường đi vào, ra bãi đá chưa thuận lợi.
Hiện tại có 2 cách để tạo ra sa bàn tại bãi đá suối cỏ: Cách 1: Làm theo cách truyền thống như sa bàn quân sự thường thấy trong các bảo tàng quân sự. Cách 2: Sử dụng kỹ thuật 3D - Flycamera sau đó tạo khuôn trong điều kiện khoa học, kỹ thuật hiện nay.
Chúng tôi với các chuyên gia nhất trí đề nghị làm theo hướng 3D- Flycamera, bởi vì phương pháp này phổ cập nhất với các phương pháp khoa học hiện đại và có độ chính xác cao, giá thành thấp hơn so với phương pháp truyền thống.
"Những hình khắc trên vách hang Đồng Nội đã được chứng minh không phải của hoabinhian mà thuộc chủ nhân thời Âu Lạc. Những nét khắc to thô và kém mỹ thuật hơn nhiều so với hình khắc trên đá A và B ở suối Cỏ" (TS Nguyễn Việt). |
TS Nguyễn Việt (Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất